Trẻ em béo phì dễ mắc các bệnh không lây nhiễm

Trẻ em béo phì dễ mắc các bệnh không lây nhiễm

(GDTĐ) – Những điều tra dinh dưỡng gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ em béo phì và thừa cân ngày càng gia tăng, nhất là ở những quận nội thành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ thừa cân, béo phì phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc sống cũng như nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm cao… Điều đáng lo ngại là nhiều bậc cha mẹ không biết con mình đang ở thể thừa cân, béo phì.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1996 là 12%, năm 2009 là 43% và theo một điều tra mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành năm 2014-2015 cho thấy tỷ lệ này ở khu vực nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh là trên 50%. Còn tại Hà Nội, số liệu điều tra mới đây nhất cho thấy tỷ lệ trẻ em béo phì ở khu vực nội thành là 40,7%. “Càng ở các quận trung tâm tỷ lệ trẻ em béo phì càng tăng. Chẳng hạn như Hoàng Mai, Thanh Xuân, tỷ lệ trẻ béo phì thấp hơn Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Theo điều tra của Trung tâm y tế dự phòng với 7-8 trường tiểu học tại Hà Nội thấy rằng tỷ lệ thừa cân béo phì ở khu vực nội thành là 40,6%, trong đó tỷ lệ béo phì là 17%; khu vực ngoại thành tỷ lệ tương ứng là 15% và 5,4%” – TS Nhung phân tích.

Hậu quả của thừa cân béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, tăng huyết áp… Xét nghiệm 500 trẻ béo phì cho thấy tỷ lệ rối loạn mỡ máu dao động từ 35-50%. Ngoài ra, còn có nguy cơ về các bệnh khác nữa là rối loạn đường máu, thoái hoá mỡ gan …

Các chuyên gia trong ngành dinh dưỡng chỉ rõ, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Xu hướng gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… Đây là những loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.

Theo TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên nhân chính khiến trẻ em béo phì gia tăng là do bữa ăn gia đình bị phá vỡ (chiếm 90%) và trẻ lười vận động. Trẻ hiện ăn quá nhiều thức ăn nhanh, khẩu phần ăn ở trường thừa protein, thiếu chất xơ và vi chất…

Nhóm nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, khẩu phần ăn lý tưởng của học sinh là đảm bảo 3 bữa chính, 1-2 bữa phụ. Trong đó bữa sáng chiếm 25-30%, bữa trưa 30-40%, xế chiều 5-10%, bữa tối 25-30%. Tuy nhiên kết quả điều tra mới nhất tại TP.HCM cho thấy, tỉ lệ bữa chiều chiếm đến 34-38%, điều này làm tăng quá trình tích mỡ, dẫn đến thừa cân, béo phì. Lượng protein tiêu thụ trong các bữa ăn đang vượt quá khuyến cáo, nhóm 6-15 tuổi cao hơn từ 15-30%, riêng nhóm 16-18 tuổi ở nam cao hơn 53% và 33% với nữ. Trong khi đó, khẩu phần ăn của trẻ chứa rất ít chất xơ, chỉ đạt dưới 50% khuyến nghị và lượng vitamin, vi chất chỉ đạt từ 52-91% nhu cầu.

Cần cho trẻ tăng cường rèn luyện để giảm thừa cân, béo phì

Tuy nhiên, theo điều tra tại Hà Nội, có tới 53% bậc phụ huynh không biết con mình thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn 1 mức so với thực tế. Kết quả điều tra 600 trẻ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu dinh dưỡng chỉ ra chỉ có 2% trẻ bị thiếu cân, nhưng có tới 46% các bà mẹ cho rằng con vẫn còi, khi con thừa cân, cha mẹ vẫn đánh giá con bình thường. Hay khi điều tra bữa ăn học đường, phụ huynh luôn nói con lười ăn nhưng so chiều cao với cân nặng thì thực tế trẻ đã thừa tới vài kg.

Thêm vào đó, nhiều bậc cha mẹ không nghĩ béo phì là bệnh. Theo TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Trung ương, chúng ta cần xác định béo phì là bệnh, có bệnh thì phải chữa. Vì không nghĩ béo phì là bệnh nên người ta chỉ đề cập đến phòng ngừa thừa cân béo phì mà không nói tới việc điều trị bệnh béo phì.

Do đó, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em là đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn để các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì cần duy trì cân nặng hợp lý; hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; hạn chế ăn đường và muối; tăng cường ăn rau và trái cây. Đồng thời, người dân nên thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành…

Diệp Ngọc – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017