Vinschool tổ chức hội thảo “vai trò của hiệu trưởng trong thế kỷ 21”
(GDTĐ) – Hệ thống giáo dục Vinschool phối hợp cùng cơ quan giáo dục New Zealand vừa tổ chức hội thảo “Vai trò của hiệu trưởng trong thế kỷ 21”. Dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Trần Anh Tuấn; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng hơn 100 chuyên gia giáo dục Việt Nam và đại diện Ban giám hiệu, giáo viên tới từ các trường Đại học và các trường phổ thông tại Hà Nội; các nhà quản lý giáo dục đến từ Đại học Waikato.
Hội thảo “Vai trò của hiệu trưởng trong thế kỷ 21” là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế được Vinschool tổ chức với mong muốn đúc rút kinh nghiệm của giáo dục thế giới áp dụng vào thực tế Việt Nam nhằm sẵn sàng hội nhập trong lĩnh vực quản lý giáo dục.
Hội thảo tập trung vào phân tích tầm quan trọng và sự khác biệt của người hiệu trưởng trong thế kỷ 21. Người hiệu trưởng không chỉ là một nhà quản lý giáo dục mà còn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy đổi mới. Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Neil Quigley – Hiệu trưởng trường Đại học Waikato, New Zealand khẳng định: “Khoảng cách giữa một ngôi trường hàng đầu và một ngôi trường bình thường thể hiện năng lực của người hiệu trưởng trong việc chỉ ra những điểm trọng tâm cần làm, kiên định với các quyết sách tạo sự khác biệt, bền bỉ xây dựng các giá trị văn hóa cốt lõi, và thực tâm ghi nhận từng thành công, khích lệ những nỗ lực dù nhỏ nhất của giáo viên, học sinh trong nhà trường”.
Đi sâu hơn về bí quyết thành công, Giáo sư Roger Moltzen – Trưởng khoa Giáo dục Trường Đại học Waikato đúc rút kinh nghiệm từ 13 năm làm hiệu trưởng cho biết: “Dù hiệu trưởng có tham vọng đổi mới tới đâu, một ngôi trường chỉ có thể phát triển với tốc độ bằng tốc độ trung bình của đội ngũ giáo viên. Nếu người hiệu trưởng đi quá nhanh, ông ta sẽ đơn độc một mình để lại đằng sau một đội ngũ rời rạc, thiếu kết nối và một ngôi trường trì trệ, thiếu bản sắc. Vì vậy, bí quyết thành công là phải nhận diện cho được những giáo viên sáng tạo, phát triển bồi dưỡng họ thành nhân tố chủ chốt, trao quyền và cơ hội để họ có thể phát huy năng lực cá nhân. Ai không theo kịp sẽ phải tự điều chỉnh hoặc ra khỏi tổ chức”.
Bà Phan Hà Thủy – Tổng Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Vinschool chia sẻ: “Vinschool đang nỗ lực học tập và áp dụng kinh nghiệm quản lý theo hướng quốc tế như: lấy học sinh làm trọng tâm; quản lý theo mục tiêu KPIs; phân quyền cho hiệu trưởng và các cấp quản lý; thiết kế “hộ chiếu đào tạo chuyên môn” và xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho từng giáo viên. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý và giáo viên của Vinschool đều ý thức được tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi, vừa làm vừa học, tự làm mới mình để đáp ứng kỳ vọng của xã hội và yêu cầu của đổi mới giáo dục”.
Tại hội thảo, Đại học Waikato và Hệ thống giáo dục Vinschool đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ thống nhất hướng hợp tác cụ thể trong việc xây dựng khung năng lực sư phạm, sát hạch kỹ năng, tổ chức đào tạo và trao đổi giáo viên, đồng thời thiết kế nội dung đào tạo, các chương trình học bổng để chuẩn bị cơ hội cho các học sinh trung học Việt Nam du học tại các trường hàng đầu của New Zealand.
PV