Hơi ấm chiều ba mươi Tết

Hơi ấm chiều ba mươi Tết

(GDTĐ) – Tạo hóa xoay vần, tháng Chạp lại về bên hiên. Những ngày tháng Chạp cũng hai mươi bốn giờ đồng hồ nhưng sao thấy thời gian trôi gấp gáp quá!

Lòng bồn chồn xuyến xao khi mỗi sáng thức dậy xé tờ lịch cũ. Tấm vé tàu về quê mua sẵn trước hai tháng. Mỗi lần mở ví nhìn thấy chiếc vé lại lấy nó ra ngắm nghía mong đến ngày về. Mấy năm rồi, tôi không có dịp đoàn tụ với gia đình trong cái Tết cổ truyền. Không lâu nữa thôi, mình sẽ được về nhà! Tôi tự an ủi niềm vui ngày mới của mình như vậy. Những ai đi xa, tháng Chạp tới mới hiểu được nỗi lòng nhớ quê, nhớ gia đình. Nhất là mỗi khi trong bữa cơm, xem truyền hình chiếu cảnh chuẩn bị Tết ở quê lại rưng rưng khóc. Cảm giác khi lớn lên đi xa mong ngóng Tết đến Xuân về không phải là niềm háo hức như ngày bé để được mẹ sắm cho chiếc áo mới, đôi dép đẹp hay mong đợi đi chợ ngày giáp Tết. Mà đơn giản là Tết về để được quây quần bên gia đình, bên mâm cơm chiều 30 và những ngày Tết ấm cúng.

Ảnh minh họa

Ba mẹ tôi thường bảo “Mùa xuân là mùa của sum họp. Tết là sự trở về”. Thế nhưng chẳng khi nào gia đình tôi được đủ đầy các thành viên. Vợ chồng anh cả mưu sinh tận miền cực nam của tổ quốc. Chị gái lại cống hiến sức trẻ gieo con chữ ở vùng biên cương xa xôi. Tôi tuy ở thành phố nhưng do tính chất công việc nên có năm ở lại cơ quan trực Tết. Mỗi lần các con không tề tựu đông đủ về chung vui ngày Tết Nguyên đán mẹ tôi buồn lắm. Sau những cuộc gọi điện, thể nào bà cũng rưng rưng nước mắt.

Trong tôi, ngày 30 Tết có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Nhớ ngày 30 Tết xưa, khi còn là cậu bé mười ba mười bốn tuổi, thấy bố lật cánh cửa gian chính làm nơi gói bánh chưng, bánh tét thì hồ hởi vô cùng. Cũng lấy lá, nếp, đậu xanh, thịt, gói gói ghém ghém. Vật lộn cho tới khi lá dong tơi tả cũng không thể ra một chiếc bánh trọn vẹn. Liếc mắt sang những cặp bánh của bố gói. Không cần khuôn, chỉ bằng đôi bàn tay gầy gầy xương xương ấy vậy mà bố đã uốn nắn thành những chiếc bánh vuông vức, trông rất đẹp mắt. Còn mẹ bận bịu với luống rau xanh ngoài vườn cho kịp thời vụ ra năm. Nhìn bóng mẹ xiêu vẹo trong nắng chiều đổ dài trên vạt cải vàng rực mà lòng tôi cồn cào xót thương. Chiều 30 Tết ăm ắp những công việc không tên đổ dồn lên vai mẹ cũng chỉ vì bà muốn năm mới những đứa con của mình được tươm tất, đủ đầy.

Cho dù no đói thế nào, bao giờ ba mẹ tôi cũng lo sắm một mâm cỗ 30 tươm tất để đón Tết và thờ cúng tổ tiên. Và trong chiều 30 trước mâm cỗ tất niên sum họp gia đình bao giờ ba tôi cũng kính cẩn thưa trình mong tổ tiên phù hộ cho con cháu bình an thịnh vượng, luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận. Ba tôi bảo, thật ra lời cầu xin cũng chính là lời hứa, niềm mong mỏi của người sống trước tổ tiên. Những điều đó con cháu khắc ghi phải làm cho tốt. Chiều 30 mươi đã thực sự là Tết bởi không khí gia đình ấm cúng mà bất kỳ ai đi xa dù trăm công ngàn việc cũng cố gắng trở về. Trở về như một lời hẹn, trở về như một trách nhiệm. Thời khắc này mọi sự vất vả nhọc nhằn như tan biến chỉ còn lại tình cảm gia đình ấm áp.

Rồi những ngày sum vầy cũng hết. Vì cuộc sống mưu sinh, mỗi người lại tứ xứ muôn phương, xa quê hương hẹn ngày 30 Tết năm sau. Vẫn còn đó lời căn dặn của những bậc làm cha làm mẹ: “ Mùa xuân là mùa sum họp, Tết là sự trở về”. Tôi chạnh lòng nhớ tới hai câu thơ “Nơi ta về cũng để bắt đầu/Nguồn mạch quê hương cho ta sức mạnh”. Giờ đây, một mình ở phương xa dường như tôi thấy hơi ấm chiều 30 đang lan tỏa.

Cao Văn Quyền, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 73+74, tháng 1-2/2016