ĐÒN BẨY THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ VÀ GIẢNG DẠY

ĐÒN BẨY THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ VÀ GIẢNG DẠY

(GDTĐ) – Tham gia Ngày hội CNTT ngành GD&ĐT Hà Nội lần thứ III được tổ chức tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, không ít người cảm thấy choáng ngợp trước quy mô của Ngày hội và thán phục kỹ năng CNTT của các nhà giáo Thủ đô. Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng sự kiện “3 năm mới có 1 lần” đã thu hút hơn 20 nghìn lượt người đến tham quan, học tập. Ngày hội không chỉ mang đến một bức tranh rực rỡ, tươi sáng về sự phát triển của CNTT trong toàn ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô mà còn mở ra cơ hội cho các cán bộ, giáo viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để họ tiếp tục phát triển kỹ năng ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.

Lễ khai mạc Ngày hội CNTT Ngành GD&ĐT Hà Nội lần thứ III

Hội tụ, lan tỏa những giải pháp ứng dụng CNTT

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Ngày hội CNTT là hoạt động cao trào để các tập thể và cá nhân trong ngành thể hiện trí tuệ, tài năng, ý tưởng sáng tạo trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với định kỳ 3 năm tổ chức một lần, Ngày hội CNTT là nơi hội tụ để lan tỏa những giải pháp, biện pháp, những bài giảng ứng dụng CNTT hiệu quả trong Ngành GD&ĐT Hà Nội từ năm 2012 đến 2015, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và sự cần thiết của CNTT trong giáo dục, tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong các hoạt động giảng dạy, quản lý của mỗi đơn vị giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đi tham quan gian hàng trong Ngày hội CNTT

Là sự kiện CNTT lớn nhất của ngành GD&ĐT Hà Nội nên Ngày hội CNTT luôn được cán bộ, giáo viên mong chờ. Từ đầu năm học 2014 – 2015, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã tổ chức ngày hội cấp trường, cấp cụm trường, cấp quận, huyện, thị xã với hơn 1.400 gian trưng bày, hơn 6.000 sản phẩm trong đó có gần 3.500 bài giảng E-learning, gần 7.000 giáo viên và nhân viên đã tham dự cuộc thi kỹ năng CNTT cấp cơ sở. Ngày hội cấp cơ sở đã có hơn 30.000 lượt người đến tham quan học tập. Ngày hội cấp Thành phố thu hút gần 20.000 lượt người tham dự. Như vậy, ngày hội CNTT toàn ngành GD&ĐT Thủ đô năm 2015 đón tổng số hơn 50 nghìn lượt người tham gia.

Hoạt động trung tâm của Ngày hội là triển lãm các sản phẩm, giải pháp CNTT đã được áp dụng thành công tại các đơn vị. Hơn 57 gian trưng bày của các đơn vị trực thuộc Sở đã giới thiệu hàng chục nghìn sản phẩm, sáng kiến ứng dụng CNTT chất lượng của cán bộ, giáo viên Thủ đô. Ngoài ra, gian hàng của 16 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực CNTT đã giới thiệu những giải pháp công nghệ, sản phẩm mới và những ưu đãi cho giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các đơn vị giáo dục trên địa bàn toàn thành phố tiếp cận với những thành tựu mới về CNTT.

Các cuộc thi xây dựng bài giảng E-learning, thi các sản phẩm CNTT, thi kỹ năng CNTT đã tạo cơ hội cho các giáo viên, nhân viên được thể hiện tài năng, đồng thời tôn vinh những tấm gương điển hình trong công tác ứng dụng CNTT. Cuộc thi kỹ năng CNTT cấp Thành phố quy tụ hơn 500 thí sinh tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng từ các hội thi cấp cơ sở tham gia thi. Bên cạnh đó, Ngày hội cũng có hơn 500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia thi các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: bài giảng điện tử E-learning, phần mềm ứng dụng, Kho học liệu, trang tin điện tử và giải pháp CNTT.

CNTT – Trợ thủ đắc lực của đổi mới giáo dục

Một trong những hoạt động điểm nhấn của Ngày hội CNTT lần thứ III là các hội nghị, hội thảo về CNTT, có thể trong đó phải kể đến hội nghị “Định hướng ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo Hà Nội giai đoạn 2015-2018”, 5 hội thảo của các cấp học, ngành học. Các hội thảo đã thu hút sự quan tâm và đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý và giáo viên. Những ý kiến nhiều chiều với hiểu biết sâu sắc, trải nghiệm thực tiễn sinh động về ứng dụng CNTT sẽ giúp ngành đưa ra phương hướng phát triển CNTT trong những năm tới.

 

Thầy giáo Nguyễn Thế Hùng – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết: Những thí nghiệm ảo, những tài liệu được cung cấp với hình ảnh, âm thanh sống động làm cho học sinh dễ tiếp thu, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của các em. E-learning đã làm tăng gấp bội những ưu việt của các bài giảng powerpoint truyền thống, giúp xóa bỏ hoàn toàn giới hạn về không gian và thời gian trong dạy học theo cách truyền thống.

Để ứng dụng CNTT hiệu quả, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã khuyến khích giáo viên viết phần mềm phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học theo từng bộ môn. Trường còn mời các chuyên gia và các thầy cô giáo có kinh nghiệm hướng dẫn cho giáo viên nhà trường, đồng thời thường xuyên tổ chức hội thảo để giáo viên có cơ hội chia sẻ cũng như học hỏi các kiến thức, công nghệ mới, những cách làm hay. THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng bước đầu sử dụng mạng lan nội bộ thực hiện kiểm tra đánh giá trên máy vi tính.

Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã xây dựng cổng thông tin điện tử tích hợp nhiều chức năng (quản lý, điều hành, tổ chức đào tạo, quảng bá – marketing, phát triển quan hệ đối tác…), áp dụng phần mềm quản lý công việc, sử dụng hệ thống email nội bộ để trao đổi công việc, dữ liệu. Trường cũng đã tự xây dựng phần mềm quản lý học phí. Đặc biệt, không chỉ ứng dụng CNTT trong quản lý học sinh, Trung cấp KTKT Bắc Thăng Long còn sử dụng CNTT thu thập ý kiến phản hồi từ người học dựa trên các phiếu nhận xét sau mỗi môn học, tin nhắn hoặc email, đảm bảo tính khách quan. Thầy Phạm Quang Vinh – Hiệu trưởng nhà trường nhận định: CNTT là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, giúp cho việc thông tin nhanh chóng, chính xác, khoa học, giảm nguồn chi phí, nhân lực.

Đến nay, tất cả các trường trong quận Long Biên đều triển khai hệ thống các phần mềm quản lý và dạy học. 100% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đều có kỹ năng cơ bản về CNTT, thường xuyên sử dụng phần mềm soạn bài giảng điện tử và các phương tiện kỹ thuật số hỗ trợ cho hoạt động dạy và học. Trong năm học, mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 5 bài giảng có ứng dụng CNTT, trong đó có ít nhất 1 bài giảng E-learning đóng góp cho kho dữ liệu chung. Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên Lưu Thị Bích Hằng cho biết ngành GD&ĐT quận đang đề xuất các cấp phê duyệt đề án thí điểm triển khai mô hình trường học điện tử vào năm học 2015 – 2016.

Theo lộ trình phát triển CNTT giai đoạn 2015 – 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng thông tin và đầu tư có trọng điểm, đồng bộ, đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, hiệu quả trong ứng dụng, tiết kiệm và an toàn. Ngành sẽ trang bị máy tính đến từng tổ bộ môn trong các đơn vị trường học, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên và phấn đấu đạt 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học tin học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: CNTT đóng vai trò đặc biệt quan trọng, như người thầy thứ hai hỗ trợ, cung cấp thông tin, kiến thức cho học sinh. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các cơ sở giáo dục khai thác và sử dụng các phần mềm quản lý một cách hiệu quả. Các nhà giáo bằng những việc làm thiết thực, tích cực ứng dụng CNTT để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục Thủ đô, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo.

Tổng kết Ngày hội CNTT lần thứ III, ngành GD&ĐT Hà Nội đã trao Giấy khen cho 485 giáo viên, nhân viên đạt giải trong các phần thi bài giảng E-learning, thi sản phẩm CNTT, kỹ năng CNTT, trong đó có 50 giải Nhất, 99 giải Nhì, 151 giải Ba và 185 giải Khuyến khích. Ngành cũng tặng Giấy khen cho 63 tập thể đạt thành cao, trong đó có 7 giải Nhất, 10 giải Nhì, 14 giải Ba và 32 giải tập thể có gian trưng bày hiệu quả.

Hùng Sơn – Hồng Hà – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 64 (tháng 4/2015)