Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia năm 2016

Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia năm 2016

(GDTĐ) – ính đến ngày 15-9, các trường ĐH, CĐ đã công nhận 554.953 thí sinh trúng tuyển, đạt 85,74% chỉ tiêu (năm 2014 là 505.000 thí sinh), trong đó ĐH là 415.870 thí sinh (đạt 97,6%), CĐ là 139.083 thí sinh, đạt 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định.

Đó là con số được Bộ GD&ĐT nêu ra trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9-2015 về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015; công tác xét tuyển ĐH, CĐ cùng những tác động tích cực và hạn chế của kỳ thi này.

Theo đó, kỳ thi quốc gia THPT quốc gia 2015 được tổ chức tại 99 cụm thi với khoảng 1 triệu thí sinh tham gia. Trong đó có 728.830 thí sinh (chiếm hơn 72%) thi tại 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì; 276.796 thí sinh (chiếm gần 28%)  thi tại 61 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.

Trên phạm vi cả nước có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 91,71% (năm 2014 là 99,09%), trong đó khối giáo dục THPT  là 93,57%, khối giáo dục thường xuyên là 69,92% (năm 2014 lần lượt là 98,07% và 89,01%).

Trong công tác xét tuyển ĐH, CĐ, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 là 647.222, bao gồm 396.810 chỉ tiêu ĐH và 250.412 chỉ tiêu CĐ. Còn số chỉ tiêu đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ từ kỳ thi THPT quốc gia khoảng hơn 516.000 (gồm khoảng 366.000 chỉ tiêu ĐH và 156.000 chỉ tiêu CĐ) và số chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ, theo đề án tự chủ tuyển sinh là 130.000.

Kết quả, tính đến ngày 15-9, các trường ĐH, CĐ đã xét trúng tuyển 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu (năm 2014 là 505.000 thí sinh), trong đó ĐH là 415.870 (đạt 97,6%), CĐ là 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định.

Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận về những sự cố, bất cập liên quan đến sử dụng cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung, cũng như quy chế đăng kỹ xét tuyển đợt 1, thay đổi nguyện vọng bổ sung… Bộ GD&ĐT đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục, đào tạo.

Theo Pháp luật và xã hội