Dạy tích hợp bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội

Dạy tích hợp bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu SKKN của cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh – trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đoạt giải B cấp ngành với đề tài “Dạy tích hợp bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội để nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm”.

Dạy tích hợp bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội để nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm là cách thức hiệu quả giáo dục mỗi học sinh cách sống, cách làm người; xây dựng một lớp học xuất sắc, có môi trường học tập tiến bộ. Từ đó, thầy cô giáo chủ nhiệm giúp học sinh biết chăm ngoan, học giỏi, đạt kết quả tốt trên hai mặt giáo dục: Học lực và đạo đức. Xứng đáng là người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, người giáo viên được thường xuyên rèn luyện, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân mình để quá trình dạy học đạt kết quả cao.

Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp tích hợp: Kết hợp, đan lồng dạy bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội vào các bài học của môn Ngữ văn và công tác chủ nhiệm lớp.

– Phương pháp quan sát: Quan sát hành động, diễn biến tâm sinh lí của học sinh lớp chủ nhiệm, quan sát cách giao tiếp của học sinh với bạn bè, với cha mẹ và với thầy cô…

Phương pháp điều tra: Trò chuyện, trao đổi với giáo viên bộ môn của lớp, học sinh và phụ huynh thông qua nhiều hình thức (gặp trực tiếp, gọi điện thoại, tin nhắn, tin nhắn điện tử…).

– Phương pháp thử nghiệm: Thử nghiệm các giờ dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội và giáo dục học sinh lòng nhân ái để nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm.

– Phương pháp phân tích, tổng hợp khái quát: Nghiên cứu kĩ và thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản về nội quy, thông tư, công văn của Bộ, ngành GD&ĐT một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm học sinh lớp chủ nhiệm; Theo sát kế hoạch giáo dục của Ban giám hiệu nhà trường; Tiếp thu ý kiến của các đồng nghiệp, phân tích biểu hiện của học sinh để đưa ra các biện pháp giáo dục hiệu quả.

– Phương pháp so sánh: So sánh kết quả học tập và rèn luyện của từng học sinh, của lớp chủ nhiệm qua từng học kỳ và từng năm học.

Các biện pháp tiến hành

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và phân loại học sinh theo nhóm

Trên cơ sở tìm hiểu về gia đình và bản thân của học sinh, giáo viên phân loại học sinh thành các nhóm:

Nhóm 1: Học sinh có hoàn cảnh bình thường: Đây là những học sinh mà gia đình có mức thu nhập trung bình khá trở lên. Các con được sống trong một tổ ấm hòa thuận. Bố mẹ yêu thương và quan tâm chăm sóc đến con cái.

Nhóm 2: Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: Đó là những học sinh thuộc gia đình thiếu bố (mẹ) hoặc cả hai. Do bố mẹ li hôn nên các con có thể chỉ ở với mẹ hoặc với bố, cũng có những con ở với ông bà hay cô, dì, chú, bác. Đa số các con đều có hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn về mặt tình cảm. Các con được ông bà hay bố (mẹ) chiều chuộng, có lẽ là để bù đắp những thiệt thòi, nên có lối sống tự do, tính khí nóng nảy, lười học, mải chơi, không vươn lên trong học tập.

Ngoài ra có những học sinh sống trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc thiệt thòi về tình cảm nhưng các con luôn chăm ngoan, nghe lời thầy cô giáo, cố gắng học tập tiến bộ.

Nhóm 3: Những học sinh có hoàn cảnh gia đình tốt, thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách nhưng các con không chăm.

Nhóm 4: Một số học sinh ngại khó khăn, không nỗ lực học tập.

Tìm hiểu tâm lí lứa tuổi và phân loại học sinh theo nhóm

Dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi, giáo viên tìm hiểu kĩ lưỡng đặc điểm tính cách của học sinh lớp mình chủ nhiệm, tổng kết và phân chia học sinh theo một số nhóm tính cách nhất định:

Nhóm 1: Bản lĩnh, nghị lực, nhân hậu, dịu dàng.

Nhóm 2: Nhân ái, chan hòa.

Nhóm 3: Thông minh, nhanh nhẹn, cá tính.

Nhóm 4: Trầm lặng, ít bộc lộ mình nhưng có một sức mạnh tiềm ẩn.

Giáo dục học sinh lòng nhân ái, cách sống chia sẻ, yêu thương để tạo nền cho các bài học thanh lịch, văn minh

Tình yêu thương, lòng nhân ái là một biểu hiện đậm nét của nếp sống thanh lịch văn minh. Tình yêu thương, lòng nhân ái không chỉ có ở tấm lòng, lời nói mà còn được bộc lộ qua những hành động cụ thể. Vì vậy giáo viên chủ nhiệm luôn dạy và cùng học sinh sống nhân ái, từ những việc làm nhỏ nhất như tham gia tích cực, nhiệt tình các hoạt động từ thiện; sẻ chia khó khăn với bạn học cùng lớp, cùng trường.

Dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sng thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội vào các bài học Ngữ văn

Gắn việc học nếp sống thanh lịch, văn minh vào mỗi bài đọc văn thông qua mục Bài học cuộc đời.

Dù thời gian dành cho phần Bài học cuộc đời trong mỗi bài chỉ khoảng từ 5 – 7 phút, nhưng hiệu quả đạt được nhiều hơn dung lượng trong khoảng thời gian ngắn đó. Học sinh rất hào hứng, đào sâu suy nghĩ, gần và nhớ tác phẩm văn học hơn. Đây cũng là cơ hội tốt để học trò cùng cô giáo được trải nghiệm nhiều hơn. Cô giáo hiểu những suy nghĩ của học sinh, được động viên, khen ngợi khi các em có phát hiện tinh tế, kịp thời bàn luận để học sinh tự nhận ra lẽ phải nếu có một vài suy nghĩ còn chưa đúng hướng; học sinh có cơ hội được bộc lộ mình, được phản biện các ý kiến của bạn bè, được tranh luận với cô giáo… Không khí học tập và hiệu quả của các giờ dạy – học Ngữ văn được nâng cao. Đây không chỉ là điều kiện tốt làm cho lớp học thân thiện mà còn có vai trò quan trọng, hữu ích khi giáo viên dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội vào các bài học Ngữ văn để nâng cao chất lượng bộ môn và nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm.

Dưới đây là một số mục Bài học cuộc đời:

– Bài “Tây Tiến” của Quang Dũng: Tự hào về vẻ đẹp của tâm hồn người Hà Nội: Yêu nước, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; anh hùng nhưng rất lãng mạn, hào hoa. Bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước. Nỗ lực học tập, rèn luyện để bảo vệ và xây dựng đất nước.

– Đoạn trích “Việt Bắc” của Tố Hữu: Bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao ý chí cách mạng. Sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước. Sống tình nghĩa, thủy chung với quá khứ và lí tưởng cách mạng. Luôn biết ơn nhân dân, đất nước. Phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nhân ái, chan hòa, yêu mến, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

– Đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm: Bồi dưỡng tình yêu nước từ tình yêu những gì gần gũi, bình dị nhất trong cuộc sống. Yêu mến, tự hào về nhân dân, đất nước. Nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

– Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo: Bồi dưỡng lòng yêu nước. Ngưỡng mộ, biết ơn những người đi trước mở đường, những bậc anh hùng hy sinh vì lí tưởng, vì cuộc sống tốt đẹp của con người. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân và văn hóa dân tộc. Không ngừng ước mơ, khát vọng và nỗ lực phấn đấu để đạt được khát vọng chân chính…

Mỗi Bài học cuộc đời trong các giờ học Ngữ văn là một phương diện thể hiện của nếp sống Thanh lịch văn minh.

Dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sng thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội vào một số bài học Ngữ văn cụ thể.

Chương trình Ngữ văn THPT có không ít bài học có thể dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội. Phương pháp tích hợp này trong mỗi bài học đang là cách đi đúng hướng, gắn học văn với học làm người nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong sinh hoạt, đời sống, trong công việc và vui chơi, trong ẩm thực, trang phục và trong giao tiếp ứng xử …

Để việc dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội vào một số bài học Ngữ văn cụ thể đạt kết quả cao, người giáo viên cần có sự liên hệ khéo léo và linh hoạt trên từng đơn vị kiến thức của bài học. Chẳng hạn như khi dạy bài “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ. Kiến thức bộ môn là: Tiểu sử, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ. Thể loại ca trù. Ý nghĩa nhan đề “Bài ca ngất ngưởng” và quan niệm sống tích cực của Nguyễn Công Trứ: trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến, đề cao bản thân. Nội dung tích hợp là giáo dục văn hóa nghề nghiệp: làm việc gì cũng tốt, miễn sao phải làm giỏi và giúp ích nhiều cho nhân dân đất nước; giáo dục ý thức bảo vệ các di sản văn hóa, nhất là những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ca trù; giáo dục nếp sống cộng đồng và văn hóa học đường; giáo dục truyền thống yêu nước, nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Bài Tây Tiến của Quang Dũng, kiến thức bộ môn là: Hoàn cảnh xuất thân của người lính Tây Tiến. Sự hy sinh cao cả mang tầm vóc sử thi của người lính Tây Tiến. Bức tượng đài của hình tượng người lính Tây Tiến. Nội dung tích hợp là vẻ đẹp thanh lịch của các chàng trai Hà Nội đi chiến đấu: đời sống tâm hồn lãng mạn, cốt cách hào hoa; lý tưởng sống cao đẹp, sự hy sinh cao cả với phong cách thanh lịch, văn minh của người Hà Nội; người Hà Nội yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân và cả đời mình cho Tổ quốc.

Dạy các bài học thanh lịch, văn minh cho học sinh một cách hiệu quả nhất

Để đạt hiệu quả cao, với mỗi bài học cụ thể về kỹ năng sống, hay mỗi bài học trong bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội được dạy trong chương trình của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm luôn cần tìm phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhất. Muốn như vậy, công tác chuẩn bị luôn được coi trọng. Giáo viên chủ nhiệm suy nghĩ để vận dụng phương pháp dạy học đạt hiệu quả cao nhất: thuyết trình, vẽ tranh, dạy học theo góc, hoạt động nhóm, hùng biện… để phát huy năng lực của học sinh. Thầy cô là người thiết kế bài học, giao và kiểm tra việc chuẩn bị trước bài học của học sinh. Để từ đó, các con được khám phá, trải nghiệm, tự nhận ra lẽ phải, hiểu biết về suy nghĩ, việc cần làm của mỗi người ở mọi lúc, mọi nơi. Những suy nghĩ, việc làm ấy là biểu hiện của nếp sống thanh lịch, văn minh.

Dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sng thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội thông qua các hoạt động tập thể

Thông qua các hoạt động tập thể như kỷ niệm các ngày lễ lớn, giờ học chung cho học sinh toàn trường có sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô trong Ban Giám hiệu cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm của trường góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh.

Dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sng thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội thông qua đổi mới tiết sinh hoạt lớp

Các tiết sinh hoạt lớp luôn được đổi mới để thu hút sự hứng thú của học sinh. Giúp các con phát huy sức sáng tạo của bản thân mình. Từ đó, các con sẽ tiếp thu được những bài học về cuộc sống một cách vui vẻ mà sâu sắc. Đây cũng là một phương diện của nếp sống thanh lịch, văn minh. Để chuẩn bị cho những giờ sinh hoạt lớp này, giáo viên chủ nhiệm thường đưa ra chủ đề, lên kế hoạch thực hiện, phân công công việc dựa vào khả năng của học sinh. Sự hướng dẫn, tổ chức ban đầu của cô giáo đã tạo nên ở học sinh một tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Sau khi thực hiện các biện pháp Dạy tích hợp bộ Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội, những học sinh nòng cốt phát huy được vai trò cá nhân, các học sinh yếu kém tiến bộ về mọi mặt. Tập thể lớp gắn bó, yêu thương, đoàn kết, phong trào của lớp ngày càng đi lên.

 

Trên đây là một số nét chính của đề tàiDạy tích hợp bộ tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sng thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội để nâng cao chất lượng lớp chủ nhiệm” của cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh – trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://e-learning.hanoiedu.vn.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 76, tháng 4/2016