Chủ động sáng tạo, linh hoạt lồng ghép để tiết dạy đạt hiệu quả cao

Chủ động sáng tạo, linh hoạt lồng ghép để tiết dạy đạt hiệu quả cao

(GDTĐ) – Từ năm học 2010-2011, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” đã được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông của Thành phố. Từ thực tế giảng dạy tại các nhà trường cho thấy, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục học sinh thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, trong giao tiếp, ứng xử để trở thành người học sinh thanh lịch, xứng đáng là công dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Để việc giảng dạy bộ tài liệu ngày càng tốt hơn, đạt hiệu quả như mong muốn, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm đánh giá từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu này.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”

Chuyển biến tích cực về ứng xử, giao tiếp

Tại cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” cấp TH, THCS và THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, ý kiến tham luận của các nhà trường đều khẳng định, việc đưa bộ tài liệu vào giảng dạy là điều hết sức cần thiết bởi hiện nay, trong bối cảnh văn hóa ứng xử, đạo đức học đường còn tồn tại những vấn đề nhức nhối. Một bộ phận học sinh chưa cư xử đúng mực với người lớn tuổi, với bạn bè trong nhà trường và ngoài xã hội. Biểu hiện rõ nhất là ở hành vi nói tục, chửi bậy, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang trên đường gây cản trở giao thông…. Vì vậy, giáo dục thanh lịch văn minh sẽ góp phần ngăn chặn đẩy lùi thói hư tật xấu, không để xảy ra bạo lực học đường, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của học sinh với việc giữ gìn truyền thống văn hóa. Sau một thời gian dạy bộ tài liệu này, HS có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, về lối sống, ứng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt tăng ở mỗi cấp học. HS được nâng cao tinh thần tương thân tương ái; ý thức tích cực, tự giác trong học tập; nhiệt tình trong việc tự xây dựng bài; chất lượng văn hóa cũng có sự tiến bộ rõ rệt. Cô giáo Phạm Thị Huyền Nga – Hiệu trưởng trường THCS Thanh Mỹ (Sơn Tây) chia sẻ: “Con gái tôi đang học lớp 8, ở trường được học bài An toàn giao thông, về nhà cháu nói với tôi: Bây giờ được học con mới biết, đi đường tuân theo luật giao thông cũng là thanh lịch, văn minh? Cảm động nhất là bà cụ hàng xóm đã 83 tuổi bảo tôi: Bây giờ nhà trường lại dạy trẻ con cả cách đi đứng, ăn mặc, lời ăn, tiếng nói. Hay quá cô ạ!”.

Em Bùi Thúy Hạnh, lớp 8I, trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) hào hứng: “Sau 3 bài học với 6 tiết vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành đã giúp chúng em có thêm hiểu biết, kế thừa, tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh – nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Trong nhiều bài dạy, khi cô giáo quay những thước phim, thật sự chúng em đã rất xấu hổ khi nhìn quang cảnh phố phường, công viên, đã nhiều lần chúng em ồ lên khi chứng kiến việc đi xe đạp bốc đầu làm xiếc, chở 4 người trên một chiếc xe mini lượn lách trên đường, rồi các hành vi vô ý thức khi dùng bút xóa viết vẽ lên tường ở những di tích…”. Còn em Nguyễn Phương Linh, lớp 2A trường TH Tiền Phong (huyện Gia Lâm) cho biết: Sau khi học bài “Bữa ăn mời khách”, về nhà em đã biết gắp thức ăn mời bà nội. Bà ngạc nhiên nhưng cũng vui lắm khi thấy chúng em được học những điều này”.

Đa dạng các phương pháp giảng dạy

Bộ tài liệu khung “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được biên soạn cho học sinh của ba cấp học phổ thông TH, THCS, THPT. Cùng một nội dung nhưng mỗi nhà trường đã tự tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt kiến thức cho học sinh, lồng ghép, tích hợp các môn học khác nhau, các hoạt động, các phong trào với việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Nằm trong hệ thống các trường THPT của Thành phố Hà Nội, trường THPT Đông Anh trong 5 năm qua đã coi việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh là một nội dung không thể thiếu trong công tác giáo dục đạo đức của nhà trường. Các giáo viên dạy bộ tài liệu này đều là những người đã được nghiên cứu, tìm hiểu và được tập huấn về phương pháp giảng dạy. Trong quá trình dạy, các thầy cô giáo đã sử dụng hiệu quả biện pháp lồng ghép kiến thức trong tài liệu với các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân. Dùng kiến thức thực tế làm sâu sắc hơn bài dạy chuyên môn trên lớp và ngược lại. Đến với hội thảo, cô giáo Nguyễn Phương Anh, trường THPT Đông Anh chia sẻ với các đồng nghiệp một kinh nghiệm đó là Tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Hà Nội trong việc giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh. Cô đưa ra một ví dụ: Khi tổ chức cho học sinh tìm hiểu bài Người Hà Nội ứng xử thanh lịch văn minh nơi công cộng, giáo viên môn Giáo dục Công dân đã tham khảo tài liệu dạy về lịch sử địa phương cùng những tư liệu về di tích lịch sử văn hóa của Đông Anh như Đền Cổ Loa, Đền Sái, Địa đạo Nam Hồng. Những giá trị phi vật thể như: Ca trù (làng Lỗ Khê), múa rối nước (làng Đào Thục). Vì thế, khi dạy cô giáo đã mở rộng không gian công cộng bao gồm những di tích lịch sử và cả không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống của làng quê Đông Anh. Từ đó bồi dưỡng thêm cho các em lòng tự hào về quê hương mình và thấy cần hành động như thế nào để bảo vệ, tôn vinh những di sản tốt đẹp đó. Cô giáo Phương Anh cho biết: trong tiết học này, học sinh đã háo hức tiếp thu và mạnh dạn bày tỏ những hiểu biết của mình về quê hương. Các em cũng đưa ra được những việc cần phải làm như: Giữ gìn vệ sinh, thể hiện sự trang nghiêm thành kính khi vào khu di tích.

Linh hoạt trong các hoạt động giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh là cách mà trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã áp dụng khi dạy bộ tài liệu. Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh việc linh hoạt trong tiến trình tổ chức như phối hợp dạy các bài về giá trị sống và kỹ năng sống cho học trò, các thầy cô giáo giảng dạy và hướng dẫn học sinh thảo luận các bài giảng như Văn hóa giao thông, Văn hóa vỗ tay, Chọn nghề là chọn số phận…, nhà trường cũng linh hoạt tổ chức các tiết học thực tế, đưa các lớp đi học chuyên đề tích hợp liên môn Văn – Sử – Địa – GDCD và GD nếp sống thanh lịch, văn minh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho học sinh đi thăm các cơ quan, đơn vị sản xuất, trường đại học, bảo tàng… Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho biết: Một đặc điểm giúp chúng tôi thành công là nhờ việc chuẩn bị giáo án chung chuẩn nhưng vẫn khuyến khích sáng tạo. Từ “khung” chương trình là bộ tài liệu, nhà trường luôn yêu cầu việc mở rộng và cụ thể hóa nội dung. Nhà trường chuẩn bị đầy đủ giáo án điện tử với nội dung chính xác, hình ảnh và nhạc nền hay, clip sinh động. Ngoài ra, nhà trường khuyến khích GVCN đưa thêm hình ảnh của lớp và nội dung sáng tạo thêm. Nhờ thế giờ học trở nên phong phú và hào hứng với cả thầy và trò.

Từ tài liệu khung, giáo viên có thể hoàn toàn chủ động sáng tạo để bài dạy trở nên sinh động

Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh, nhất là các em học sinh THCS là lứa tuổi chưa phát triển hoàn thiện nhân cách nên các em nhiều khi chưa phân biệt được đúng sai mà làm theo cảm tính, theo số đông và dẫn đến có những biểu hiện lệch lạc trong ứng xử, vì vậy trường THCS Trần Phú (huyện Phú Xuyên) đã tích cực thực hiện giảng dạy bộ tài liệu. Để đạt được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của học sinh, nhà trường luôn luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để khơi dậy sự hứng thú học tập cho các em. Giáo viên ở tất cả các bộ môn của trường đều có thể lấy tư liệu ở bộ tài liệu tích hợp vào bộ môn giảng dạy của mình. Cách giáo dục như vậy nhẹ nhàng, ngấm dần vào các em, giúp các em tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp trong các tiết dạy như: phương pháp đàm thoại; nêu vấn đề; phương pháp kể chuyện bằng kênh hình, kênh chữ, âm thanh; phương pháp thuyết trình…

Xác định giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Tiểu học chỉ đạt hiệu quả khi học sinh hứng thú và tích cực chủ động học tập, các tình huống phải gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày của các em, vì vậy trường TH Gia Thụy (quận Long Biên) đã phát huy tính tích cực của học sinh trong việc thực hành nếp sống thanh lịch, văn minh. Các thầy cô giáo đã tổ chức các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện của trường, của lớp thông qua các hình thức học tập như: Tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm; làm việc cá nhân, nghiên cứu tài liệu; Tổ chức cho học sinh được phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình; Xử lý tình huống bằng cách đóng vai; Tổ chức các trò chơi học tập. Ví dụ ở lớp 5, khi dạy bài “Em yêu thiên nhiên”, trong hoạt động bày tỏ ý kiến đối với tình huống “Đến nhà bạn chơi, em thấy bạn bật nhạc rất to”, giáo viên đã cho học sinh thảo luận nhóm. Mỗi nhóm đưa ra cách giải quyết tình huống khác nhau. Qua đó, các em được học tập lẫn nhau và dễ ghi nhớ. Tuy nhiên, ở tình huống “Đang dạo chơi trong sân trường, em nhìn thấy một chậu hoa bị đổ”, giáo viên lại cho học sinh suy nghĩ và bày tỏ ý kiến cá nhân. Được chủ động bày tỏ ý kiến của mình, tham khảo ý kiến của các bạn, nếp sống thanh lịch văn minh dễ dàng hình thành trong suy nghĩ và thói quen của các em.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được biên soạn phù hợp với từng lứa tuổi, với nhiều trình độ. Nhiều nhà trường đã tổ chức giảng dạy bộ tài liệu một cách linh hoạt. Giảng dạy bộ tài liệu này, đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao hơn về nhận thức về trách nhiệm bởi các thầy cô giáo giáo dục học sinh không phải chỉ bằng chuyên môn mà còn bằng nhân cách của người thầy.

Chủ động sáng tạo để bài dạy bớt khô cứng

Theo đánh giá chung của các nhà trường, bộ tài liệu đã thực sự đem lại những bài học bổ ích cho học sinh Hà Nội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của học sinh, góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy, các nhà trường cũng đưa ra một số đề xuất kiến nghị. Cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết: Qua trao đổi với các thầy cô giáo và lắng nghe ý kiến của học sinh, tôi nhận thấy trong bộ tài liệu có những bài còn nặng về kiến thức, chưa có sự đa dạng, hấp dẫn, sinh động. Thời lượng dạy còn khá khiêm tốn. Ngoài ra, các nhà trường cũng mong muốn Ban biên soạn bộ tài liệu bổ sung thêm một số nội dung về văn hóa điện thoại, văn hóa xe buýt, vấn đề nghiện trò chơi điện tử, bạo lực học đường trong giới học sinh, sinh viên để nội dung thêm phong phú. Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh để giáo viên được trau dồi và nâng cao trình độ chuyên môn…

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” cấp TH và THCS, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng giảng dạy, từ bộ tài liệu khung, các nhà trường hoàn toàn có thể chủ động sáng tạo đưa ra nhiều ví dụ minh họa thú vị, thiết thực, gần gũi với học sinh giúp các em dễ tiếp thu và yêu thích môn học, từ đó có ý thức thực hiện các hành vi ứng xử thanh lịch, văn minh. Các nhà trường cần tăng cường chỉ đạo triển khai giảng dạy bộ tài liệu để lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh đến tất cả các thầy cô giáo và học sinh. Bên cạnh đó cũng cần có kế hoạch cụ thể sắp xếp lịch dạy một cách khoa học. Tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Các thầy cô giáo linh hoạt đưa các tình huống thực tế vào các tiết dạy, tích hợp dạy nếp sống văn minh, thanh lịch với các môn học khác phù hợp để bài giảng thêm phong phú, dễ hiểu.

Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2010. Bộ tài liệu nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho HS phổ thông; định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho HS. Nội dung tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: Khái niệm TLVM/ Phong cách TLVM/ Giao tiếp TLVM/ Ứng xử TLVM nơi công cộng/ Ứng xử TLVM với thiên nhiên môi trường.

Hành vi cần dạy có nhiều cấp độ:

Tiểu học: Tập trung chỉ dẫn hành vi cá nhân cụ thể về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử TLVM. Các nội dung đề cập ở mức sơ đẳng nhất.

THCS: Tập trung hướng dẫn hành vi cá nhân về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử TLVM giữa người với người với thiên nhiên môi trường… Đây là cấp được trang bị kiến thức một cách cơ bản nhất, hoàn chỉnh nhất.

THPT: Đề cập đến khái niệm và giao tiếp TLVM; ứng xử TLVM nơi công cộng và với thiên nhiên môi trường; TLVM trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Cách trình bày có tính tích hợp, vì chủ thể của giao tiếp ứng xử là người trưởng thành với tư cách công dân ở ngoài xã hội, với người nước ngoài trong thời kỳ hội nhập.

Long Hà (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 76, tháng 4/2016)