Cơ hội việc làm cao với ngành học mới
(GDTĐ) – Quản lý Nhà nước về gia đình là ngành học mới, lần đầu tiên có tại Việt Nam, sau khi toàn bộ các vấn đề về gia đình từ Bộ Y tế được chuyển về Bộ VHTT&DL.;
Theo TS Bùi Thanh Thủy – phụ trách Khoa Gia đình và Công tác xã hội, Đại học (ĐH) Văn hóa Hà Nội, ngành Quản lý Nhà nước về gia đình được xây dựng nhằm đào tạo nguồn nhân lực về gia đình, trước hết cung cấp nguồn cho Bộ VHTT&DL.
3 năm trước, ĐH Văn hóa Hà Nội đào tạo thí điểm chuyên ngành Quản lý nhà nước về gia đình và từ năm 2015 được nâng cấp thành ngành với cấp độ đào tạo chung hơn. Ngành học này không ở phạm vi gia đình mà mang tính xã hội rất lớn. Vì sự cần thiết có “cái gốc” gia đình nên ĐH Văn hóa Hà Nội tiếp cận nhanh với chương trình đào tạo về gia đình của các nước để lựa chọn, tinh lọc, xây dựng ra một sản phẩm phù hợp với Việt Nam và thế giới.
Khung chương trình chi tiết được kết cấu theo cấu trúc khung do Bộ GD&ĐT quy định. Trong đó, nhấn mạnh các môn học có liên quan đến giáo dục gia đình như Tâm lý học gia đình, Xã hội học gia đình và những vấn đề liên quan đến luật pháp… Đặc biệt là mảng kiến thức văn hóa gia đình, lịch sử hôn nhân và gia đình, đặc điểm của các gia đình Việt Nam hiện nay. “Để giúp sinh viên thực hiện tốt công việc sau khi tốt nghiệp, Khoa thiết kế những hoạt động kỹ năng như thuyết trình, tư vấn hòa giải, tư vấn tiêu dùng, hỗ trợ sinh sản, chăm sóc gia đình, chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, còn tổ chức các câu lạc bộ để phục vụ cho việc xây dựng các gia đình” – bà Thủy cho biết.
Bởi mang tính xã hội lớn nên cơ hội việc làm của người học ngành Quản lý Nhà nước về gia đình rất nhiều. Các bạn có thể làm việc tại Sở VHTT&DL; các trung tâm, viện nghiên cứu về giới, gia đình hay các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức phi chính phủ, các bộ có liên quan đến vấn đề xã hội và gia đình (Bộ Ngoại giao) cũng rất cần nhân lực lĩnh vực này. Vì công việc chính yếu của người làm công tác gia đình là hoạt động cộng đồng cho nên rất cần những người học ngành Quản lý Nhà nước về gia đình có tố chất năng động, sáng tạo, hoạt ngôn và kỹ năng tổ chức. “Nhà trường hướng đào tạo ngành Quản lý Nhà nước về gia đình theo hướng chất lượng cao, mỗi khóa học chỉ tuyển sinh tối đa 40 chỉ tiêu. Chắc chắn, học phí có điều chỉnh tăng hơn các ngành khác, nhưng có lợi cho người học. Cụ thể là đảm bảo ra trường có cơ hội, vị trí việc làm vững chắc, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường lao động hiện nay” – bà Thủy khẳng định.
Theo Kinh tế và Đô thị