Bồi đắp lòng nhân ái cho học sinh qua tác phẩm văn học

Bồi đắp lòng nhân ái cho học sinh qua tác phẩm văn học

(GDTĐ) – Nhằm nâng cao chất lượng trong việc dạy và học môn văn, hướng học sinh có thái độ sống đúng đắn và hành động thiết thực thể hiện tình yêu thương con người trong cuộc sống, tổ Ngữ văn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy đã thực hiện chuyên đề “Bồi đắp lòng nhân ái cho học sinh qua hoạt động dạy học tác phẩm văn học trong chương trình ngữ văn THPT”.

Từ chuyên đề này, giáo viên tổ Ngữ văn của trường đã tìm tòi những phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động để gửi đến học sinh thông điệp về lòng nhân ái một cách nhẹ nhàng và truyền cảm.

Tiết dạy đọc văn tác phẩm “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) của cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã gây xúc động mạnh cho học trò và các đồng nghiệp. Khi dạy về những cảnh đời bất hạnh nơi phố huyện nghèo, cô đã tạo một “đường link” đến cuộc sống thực tại bằng một tiểu phẩm xúc động được xây dựng dựa trên tinh thần của truyện ngắn “Hai đứa trẻ” nhưng mang hơi hướng của cuộc sống hiện tại do học sinh tự diễn. Hình ảnh cha con người hát rong mù bệnh tật đáng thương, vừa hát vừa xin những đồng tiền lẻ của khách qua đường và thái độ của mọi người đối với tình cảnh của họ: có người thờ ơ, có người xúc phạm, nhưng cũng có người chạy lại giúp đỡ…  Tiểu phẩm khép lại, một câu hỏi được mở ra: “Các con nhận xét gì về cách ứng xử của mọi người đối với cha con người hát rong. Nếu con gặp trường hợp như thế con sẽ ứng xử như thế nào?”. Từ đó học sinh sẽ rút ra cho mình bài học về tình yêu thương.

Khi dạy tác phẩm này, giáo viên không hướng cho học sinh hiểu những người dân phố huyện là những kiếp người tàn mà để học sinh nhận thấy rằng: Tuy cuộc sống của họ tăm tối, nghèo khổ, bế tắc và buồn tẻ nhưng họ vẫn có ước mơ dù ước mơ đó mơ hồ, xa vời. Đặt điều đó vào trong hiện tại với một bộ phận học sinh Thủ đô có đầy đủ điều kiện vật chất nhưng thiếu lý tưởng sống, bài giảng của cô đã thức tỉnh các em sống cần phải có lý tưởng, có ước mơ để thực hiện những hoài bão cao đẹp trong cuộc đời.

Với bài đọc văn Tấm Cám, cô giáo Lan Hương cũng đã đề xuất về hướng dạy và học chi tiết “Tấm hóa thân thành quả thị”. Theo cô, dạy để học sinh nhận ra được: Tấm hóa thân thành nhiều kiếp, mỗi kiếp hóa thân chính là sự sáng tạo tuyệt vời của nhân dân ta nhưng Tấm chỉ thực sự hồi sinh khi nhận được sự yêu thương, nâng niu của bà lão nghèo. Từ đó, các em sẽ nhận ra được sức mạnh hồi sinh con người, lòng người của tình yêu thương.

Tấm hóa thân từ tro bụi thành quả thị vàng thơm chỉ đến với bà lão khi bà cụ thốt lên những lời dịu dàng: “Thị ơi thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Hàng ngày bà nâng niu, yêu quý quả thị. Tấm đã đền đáp ơn nghĩa ấy bằng tấm lòng thơm thảo của một người con gái đối với người mẹ hiền. Học sinh hiểu tình yêu thương luôn đem lại những điều tuyệt vời cho cả người cho và người nhận. Cho đi yêu thương chắc chắn sẽ nhận lại yêu thương.

Đối với chi tiết Tấm vì sự chăm chỉ, thơm thảo của mình nên bà hàng nước mới nhận ra điều khác lạ từ quả thị và đã xé vỏ quả thị để Tấm trở lại làm người xinh đẹp hơn xưa. Từ đó học sinh thấu hiểu một triết lý sâu sắc mà ông cha ta gửi gắm: cái thiện là gốc của cái đẹp và cái đẹp khi được tôi luyện qua gian khó sẽ càng tỏa sáng rực rỡ hơn giống như cô Tấm. Khép lại bài giảng, giáo viên cho HS xem một clip đầy cảm động: “Sức mạnh của tình yêu”. Clip kể về một người mẹ trẻ khi được bác sĩ thông báo trái tim của một đứa con song sinh của chị sắp ngừng đập, người mẹ bế đứa con bé bỏng lên đôi tay run rẩy của mình, che chở sinh linh bé nhỏ bằng tình yêu thương mẫu tử vô bờ… và điều kỳ diệu đã xảy ra, đứa bé đã cất tiếng khóc. Âm thanh tiếng khóc của trẻ thơ vang lên giữa một không gian tĩnh lặng đến nghẹt thở cùng những giọt nước mắt lăn trên má người mẹ đã làm cả căn phòng vỡ òa lên sung sướng.

Với bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, cô giáo Lê Hằng đã nêu bật được nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người trong quan niệm của nhà thơ chính là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Nó cũng như sóng, mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu. Với con người, tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi. Tác giả tin vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”. Thông qua tác phẩm, cô giáo đã giúp học sinh hiểu: yêu thương là cội nguồn của cái đẹp, làm học sinh cảm nhận tình yêu giúp con người hoàn thiện bản thân, hạnh phúc, yêu đời hơn…

Em Phạm Thị Thảo Vân – Lớp 12 chuyên Anh của trường đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi được học về các tác phẩm nói trên: “Yêu thương bắt đầu từ những rung động hồn nhiên, ngọt ngào như nỗi thương cảm của hai chị em An và Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của tác giả Thạch Lam. Hình ảnh những đứa trẻ nghèo cúi lom khom nhặt nhạnh thanh tre, thanh nứa trên nền đất chợ tàn khiến chúng con động lòng trắc ẩn, thương cảm cho số phận cũng như ước mơ nhỏ bé của hai chị em. Hoặc là bài “Sóng” của Xuân Quỳnh đã khiến người ta được bừng tỉnh trong cảm xúc tình yêu lứa đôi và lòng yêu thương con người… Một giờ học văn hiệu quả nhất là giờ học mà các thầy cô thu hút được hứng thú của học sinh, lôi cuốn chúng con đến được với cuộc sống thực tế… Thầy cô đã giúp chúng con biết sống nhân ái, yêu thương, con đường khơi dậy nhân ái trong chúng con chỉ có thể đi từ trái tim đến trái tim. Lòng nhân ái đó sẽ giúp chúng con sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn trên đường đời sau này.

Th.S Võ Quốc Hiển, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 70+71, tháng 11/2015