Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng: Vừa dễ sản xuất vừa nhanh… kiếm lời

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng: Vừa dễ sản xuất vừa nhanh… kiếm lời

(GDTĐ) – Lẽ ra thực phẩm chức năng (TPCN) phải được quản lý và kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ. Thế nhưng, trên thực tế, sản xuất mặt hàng này dễ chưa từng thấy…

 

Sản xuất TPCN trên mặt bằng… 9m2
Không chỉ đau đầu bởi vấn nạn TPCN giả mà những sản phẩm được đăng ký, sản xuất và gia công cũng đang có nhiều vấn đề về chất lượng khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi. Một dẫn chứng được các cán bộ quản lý thị trường đưa ra trong thời gian gần đây là trường hợp của công ty CP KingPhar Việt Nam. Qua kiểm tra 5 mẫu sản phẩm thì có tới 3 mẫu: True Lady Kingphar, Kingphar Baby, Viên xương khớp Kingphar không đạt yêu cầu chất lượng; có những loại sản phẩm còn không có cả hoạt chất chính. Từ kết quả này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông báo yêu cầu tạm dừng lưu thông và buộc thu hồi hàng hóa đối với 3 loại sản phẩm trên. Tuy nhiên, khi lệnh thu hồi được phát ra thì đã có khoảng 2.000 hộp TPCN kém chất lượng đã được bán cho người tiêu dùng…
Làm việc với cơ quan chức năng, công ty CP Kingphar Việt Nam cho rằng, sản phẩm kém chất lượng là do nhà sản xuất. Lỗi được “đẩy” cho nhà sản xuất là công ty CP Hóa dược Việt Nam nhưng lỗi lại tiếp tục được nhà sản xuất “đẩy” cho nhà phân phối, khâu vận chuyển, bảo quản không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến sản phẩm kém chất lượng (!?). Trong khi “quả bóng” trách nhiệm bị đá đi đá lại thì chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt khi bỏ tiền mua hàng không xứng với chất lượng như nhà sản xuất công bố.

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng TPCN tại các nhà thuốc

Đây không phải là trường hợp vi phạm đầu tiên bị phát hiện. Thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm, trong những tháng qua, đơn vị này đã xử lý gần 200 doanh nghiệp có vi phạm về TPCN. Song, số lượng này chưa phản ánh đúng thực tế sản xuất và kinh doanh TPCN bởi số lượng thanh tra viên chỉ có 7 người trong khi chúng ta đang có hơn 3.500 cơ sở sản xuất kinh doanh với 6.851 sản phẩm TPCN.
Với số lượng cơ sở lớn như vậy mà đến năm 2015 chúng ta vẫn chưa ban hành được một tiêu chuẩn nào về TPCN, các văn bản quản lý chưa đầy đủ và còn khiếm khuyết quá nhiều thực tế quản lý trong lĩnh vực này – TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN cho biết. Theo TS Trần Đáng, bất cập nhất hiện nay là  điều kiện đủ để đăng ký sản xuất TPCN quá dễ. Giống như các cơ sở kinh doanh thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là có thể “nhảy vào” lĩnh vực sản xuất TPCN.
Đáng nói, những điều kiện để xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm rất dễ dàng. Vì thế, dù đơn vị nào có đầu tư tiền tỷ cho dây chuyền sản xuất hiện đại hay cơ sở thủ công, tiềm lực kinh tế hạn chế thì đều giống nhau khi chỉ cần trải qua một bài kiểm tra chung và được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là xong.

Vì quá dễ dàng như vậy nên qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua, có những doanh nghiệp sản xuất TPCN chỉ mặt bằng khoảng… 9m2. Sau đó doanh nghiệp này đi thuê các nhà máy khác gia công sản xuất. Khi sản phẩm có vấn đề, cơ quan quản lý tìm theo địa chỉ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp nhưng đến nơi, doanh nghiệp đã rời đi từ bao giờ không ai biết cả. Không chỉ tình trạng hiện ai sản xuất TPCN cũng được, một vấn đề khác, TS Trần Đáng lo ngại là tình trạng công thức, thành phần TPCN còn tùy tiện; một số sản phẩm đưa cả thành phần tân dược, chất cấm và độc chất làm thành phần TPCN.

Siết chặt quản lý chất lượng: chờ đến năm 2018?!
Những bất cập trong việc cấp phép, quản lý khiến chất lượng TPCN bị thả nổi. Nếu những tồn tại trên không được khắc phục thì dù có ra quân kiểm tra rốt ráo đến mấy thì cũng không giải quyết được tận gốc. Khi đó, tiêu dùng TPCN, bỏ ra một số tiền lớn, khách hàng như “nắm đằng lưỡi”, gánh chịu đủ thiệt hại. Từ thực trạng này, TS Trần Đáng kiến nghị, ngoài những quy định như thực phẩm thông thường, trong sản xuất TPCN cần có thêm quy định về quy trình công nghệ, cơ sở thí nghiệm; công bố tác dụng với sức khỏe của sản phẩm như cấm với trẻ em dưới 2 tuổi theo quy định của Codex, Mỹ, Canada, Pháp ….
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm băn khoăn, hiện thế giới chưa có quy chuẩn chung về sản xuất TPCN nên cần thời gian, lộ trình cụ thể. “Dự kiến nếu thuận lợi, quy chuẩn chung về sản xuất TPCN sẽ được áp dụng vào năm 2018”. Như vậy, nếu nhanh và thuận lợi thì người tiêu dùng phải chờ ít nhất là 3 năm nữa mới yên tâm về chất lượng TPCN.
Trong thời gian chờ đợi, không có cách nào khác, TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo người tiêu dùng nên hiểu đúng để dùng đúng. “Trước hết cần phải hiểu đúng thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng không phải thuốc giúp trị bệnh. Người tiêu dùng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở bộ phận cơ thể nào thì mua đúng sản phẩm thực phẩm chức năng đó để sử dụng. Không nghe quảng cáo thái quá, tin đồn dẫn đến dùng sai, dùng không đúng thực phẩm chức năng”.

 

Theo Phụ nữ Thủ đô