Thiệt mạng vì tin “thuốc bí truyền”

Thiệt mạng vì tin “thuốc bí truyền”

(GDTĐ) – Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, thời gian gần đây liên tục tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc viêm gan B tự ý bỏ điều trị để sử dụng các bài thuốc bí truyền…

 

Bệnh nhân bị hôn mê sau khi tự ý bỏ điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư

 

Cứ ngỡ gặp được “thuốc tiên”
Bệnh nhân N.V.T (33 tuổi, ở Nam Định) mắc viêm gan B mãn tính, đã tiến hành liệu pháp điều trị được vài năm tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus với mục đích giảm số lượng virus trong cơ thể, ngăn bệnh không tiến triển thành xơ gan. Quá trình điều trị đang dần ổn định, T được chỉ định điều trị ngoại trú.
Nhưng, cách đây 3 tháng, trong một lần tìm kiếm thông tin trên mạng, T bắt gặp một bài thuốc bí truyền về khả năng chữa khỏi bệnh viêm gan B mạn tính của loại sản phẩm nấm lim xanh. Tin theo nội dung quảng cáo của bài thuốc bí truyền đó, T quyết định bỏ điều trị, không uống thuốc kháng virus nữa mà chỉ dùng nấm lim xanh với hy vọng khỏi bệnh.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư), do không tiếp tục dùng thuốc kháng virus nên gan của bệnh nhân bị tổn thương nặng, số lượng virus tăng lên rất nhiều. Cách đây 5 ngày, bệnh nhân T nhập viện trở lại trong tình trạng vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, ăn kém, trướng bụng. Sau 2 ngày nhập viện, T rơi vào trạng thái hôn mê, có nguy cơ tử vong cao.
Không may mắn như T, bệnh nhân T.T.C (ở Hải Phòng) mắc bệnh viêm gan B mạn tính, chuyển sang giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, cũng đã tự ý bỏ điều trị thuốc tây y để dùng theo một bài thuốc bí truyền mà được C tin là thần diệu của một thầy lang ở tận… Campuchia. Bệnh nhân C chỉ mới dùng hết một liều (gồm 3 lọ thuốc bột), bệnh tình đã trở nên trầm trọng, men gan tăng cao hơn bình thường 40 lần dẫn đến suy gan cấp. Bệnh nhân bị vàng da, vàng mắt, lơ mơ và tử vong sau khi nhập viện 3 ngày.

BS Cấp cho hay, hầu như tháng nào BV cũng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tin lời quảng cáo về những phương thuốc bí truyền, dược phẩm thần diệu. Nhưng thời gian gần đây, số lượng này có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của BV đã có hơn 40 bệnh nhân nhập viện do những nguyên nhân nói trên, 1/3 trong số đó đã tử vong.

Đừng quá tin vào quảng cáo thổi phồng
Ngày nay, trên mạng internet nhan nhản các quảng cáo về những phương thuốc bí truyền, dược phẩm thần diệu. Chúng lan truyền rất nhanh như vệt dầu loang thông qua những hành động thích (like), chia sẻ (share) vô thức của người tham gia trên các mạng xã hội như facebook, twitter… Người bệnh khi tiếp cận với những nội dung quảng cáo thổi phồng, không kiểm chứng này dễ dàng bị mê hoặc mà không biết rằng quảng cáo vì những bằng chứng về tác dụng của thuốc bí truyền này đều là “ảo”.
Đơn cử như trường hợp của nhà thơ Trần Đăng Khoa áp dụng liệu pháp detox với mục đích giảm cân, nhưng ngay sau đó, trên một số trang mạng lại xuất hiện các tít bài khác hẳn bản chất liệu pháp như “Nhà thơ Trần Đăng Khoa “tiết lộ” bài thuốc chữa khỏi ung thư” hay “Bài thuốc chữa ung thư “chắc chắn khỏi” của nhà thơ Trần Đăng Khoa”… Một số BS điều trị ở BV cho rằng, hầu hết những bài thuốc bí truyền chưa qua kiểm chứng của cơ quan chức năng mà tự quảng cáo có thể chữa khỏi bệnh viêm gan B mạn tính hoặc ung thư giai đoạn cuối đều là đánh lừa người bệnh.
Cuối tháng 7/2015, trong đợt thanh kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thuốc đông y trên địa bàn HN, lực lượng chức năng còn phát hiện ra các lỗi vi phạm như cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và quảng cáo về sản phẩm đều vượt quá nội dung cho phép. Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người hãy cảnh giác với những quảng cáo thuốc không đúng sự thật đó. “Chúng tôi kêu gọi người dân đừng vội nghe theo những lời truyền miệng về hiệu quả của phương pháp điều trị, bài thuốc chưa được kiểm chứng” – Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường nói.

Lời khuyên của các thầy thuốc, nếu người bệnh mắc bệnh mãn tính cần tuân thủ quy trình phác đồ điều trị của bác sĩ chỉ định, tránh tình trạng tự ý bỏ điều trị, tìm đến những bài thuốc bí truyền, thần diệu được lan truyền trên mạng mà không có kiểm chứng của cơ quan chức năng.

 

Theo Phụ nữ Thủ đô