Người Việt trẻ và sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
(GDTĐ) – Họ là những người Việt trẻ sinh sống tại Sydney, Australia. Một ngày, khi những ý tưởng gặp nhau, họ lập ra một kế hoạch dài hơi nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt ra nước ngoài với tên gọi Vietnam Centre. Nhiệm vụ chính của Vietnam Centre là kết hợp với các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trong và ngoài nước quảng bá văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Vietnam Centre sẽ tổ chức các hoạt động như triển lãm, trình diễn, tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc, dạy ngôn ngữ văn hóa…
Đi xa để thêm yêu nguồn cội
Lê Ngọc Linh (sinh năm 1987), đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Vietnam Centre chia sẻ: Lúc còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Tháng 3/2017, Vietnam Centre ra đời với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ban đầu ý tưởng của chúng tôi rất đơn giản là dựng buổi trình diễn trang phục và lễ nghi để mọi người xem ngày xưa ông cha mình ăn mặc thế nào, lễ nghi ra sao. Nhưng bắt tay vào làm chúng tôi thấy cần có mục tiêu lâu dài. Các trung tâm văn hóa Pháp, Hàn Quốc, Nhật… hoạt động rất hiệu quả. Tôi tự hỏi tại sao không có ước mơ lớn hơn là xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở Úc và các nước khác trên thế giới?
Tôi cũng đã trải qua thời đi học nên hiểu việc học thuộc lòng các sự kiện trong quá khứ không hề dễ dàng và rất nhàm chán nếu không có trực quan sinh động. Trước đây, khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Thành Kỳ Ý, tôi nghĩ nhiều chữ như thế không biết mọi người có thích đọc nên tôi kết hợp với một họa sĩ tạo hình nhân vật cho tiểu thuyết. Nhìn tranh đẹp mọi người sẽ dễ bị thu hút và tò mò. Muốn những đề tài lịch sử hấp dẫn cần có sự kích thích. Đây là thời điểm chúng ta làm được nhiều việc mà trong quá khứ khó làm được là mang văn hóa Việt Nam đến với các nước trên thế giới.
Và cũng trong thời gian viết sách đó, Linh đã có dịp làm việc với Phương Đông (người sáng lập nhóm nghiên cứu văn hóa Đại Việt cổ phong). Hai bạn trẻ đều có ý tưởng quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam ra với bạn bè quốc tế qua những sản phẩm cụ thể như: trang phục, phim ảnh, sách truyện, show diễn… Sau khi chia sẻ ý tưởng này với Vũ, một người hoạt động xã hội rất tích cực, cả ba đã quyết định lập nên Vietnam Centre, một tổ chức phi chính phủ (NGO) được Chính phủ Australia cấp phép để hoạt động một cách chuyên nghiệp và bài bản, thay vì tự làm những dự án nhỏ lẻ.
Câu chuyện sẽ còn được viết tiếp…
“Dệt nên triều đại” là dự án mở đầu tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ, từ năm 1437-1471, dưới dạng 1 show trình diễn kéo dài 2 tiếng. Dự án không chỉ đơn thuần là giới thiệu những bộ quần áo, trang phục mà còn là những câu chuyện lịch sử, văn hóa. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ trang phục, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được ở thời đại đó có những sự kiện gì đã xảy ra, ông cha ta sinh sống như thế nào? Trang phục cung đình thì phải đi đôi với nghi lễ. Việc phục dựng và trình diễn các nghi lễ sẽ hấp dẫn và trực quan hơn nhiều so với việc chỉ nói suông về lý thuyết.
Lý do Vietnam Centre chọn thời Lê Sơ để phục dựng, bởi càng về thời đại trước nguồn tư liệu càng hiếm hoi. “Trong khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hai triều Lê và Nguyễn còn tồn tại khá nhiều tư liệu sống như tượng đá, hiện vật trong bảo tàng, tư liệu văn bản… Chúng tôi cảm thấy nên bắt đầu từ nơi mà mình tự tin, có sự chắc chắn, vì thế chúng tôi chọn Lê Sơ”. Theo Ngọc Linh, nhìn một bộ trang phục đẹp, xem một nghi lễ được được đầu tư, mọi người sẽ tò mò, tự đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Vietnam Centre muốn xây dựng niềm đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho tất cả mọi người theo hướng như vậy. Để dựng lại những bộ trang phục cổ, các thành viên của Vietnam Centre nghiên cứu từ sách khảo cứu, tư liệu, tượng, tranh cổ… Với một số hiện vật không được các bảo tàng trưng bày, họ quan sát ảnh trên internet để vẽ lại. Sau đó, các họa sĩ, nhà nghiên cứu sẽ đối chiếu với sản phẩm cùng thời với các nước có cùng nền văn hóa để đưa ra phỏng đoán về kích thước, chi tiết…
Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, dự án “Dệt nên triều đại” còn mang theo cả những kỳ vọng về việc xây dựng một thương hiệu quốc gia. Theo thành viên sáng lập Vietnam Centre Nguyễn Anh Vũ: Những sự kiện của chúng tôi có khả năng thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và du lịch Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư đa phương và củng cố quan hệ quốc tế. Chúng tôi tin rằng, đây cũng là cơ sở để góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhưng ít tiêu hao tài nguyên, ít tổn hại môi trường, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đồng thời nâng tầm hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Là những người sinh sống và học tập ở nước ngoài, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc giới thiệu thương hiệu quốc gia với bạn bè quốc tế. Chỉ khi có những thương hiệu tốt, gây ấn tượng mạnh và tốt đẹp với thế giới về cả kinh tế lẫn văn hóa, các dự án của Việt Nam mới được quan tâm, đầu tư. Như khi nói về Mitsubishi, Toyota hay Samurai, Kimono… là ai ai cũng nghĩ ngay đến Nhật Bản. Quốc gia này đã xây dựng những thương hiệu quá đỗi thành công. Và khi nhắc đến những thương hiệu ấy, bạn bè quốc tế thấy Nhật Bản vừa là một cường quốc phát triển nhưng cũng đậm chất truyền thống.
Chia sẻ về những khó khăn khi giới trẻ ngày nay thờ ơ với lịch sử, Ngọc Linh bày tỏ: Quan trọng là lịch sử được đưa tới các bạn trẻ như thế nào. Nếu hỏi một chị kế toán, một anh lái xe những câu như: Ai làm vua thời này? Ông ta có vai trò gì? Nhiều khả năng họ sẽ không trả lời được. Đừng chê trách vì họ đâu phải là những nhà nghiên cứu. Giới trẻ chưa bao giờ quay lưng với lịch sử nhưng họ thiếu đi những sản phẩm có thể khơi dậy niềm đam mê. Để “dân ta phải biết sử ta” là điều không khó. Bên cạnh việc chuyển tải thông tin qua sách báo như hiện tại, chúng ta cần những kênh thông tin mang tính giải trí như phim ảnh, lễ hội, show diễn. Hãy nhìn sang Trung Quốc, Hàn Quốc… họ có những sản phẩm giải trí đơn thuần nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Và rồi, ai cũng biết rằng nhà Thanh là triều vua cuối cùng của Trung Quốc; Dae Jang Geum là ngự y nữ rất giỏi trong triều đình Triều Tiên…
“Dệt nên triều đại” chỉ là dự án khởi đầu của Vietnam Centre. Xa hơn, trung tâm muốn mang văn hóa Việt Nam giới thiệu với bà con kiều bào, khán giả quốc tế theo những cách thức hấp dẫn. Ngọc Linh chia sẻ thêm: Sau Lê Sơ có thể chúng tôi dựng lại tất cả trang phục triều đại Việt Nam, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Hơn nữa, chúng tôi muốn đem công trình của mình phục vụ cho nhiều ngành, như công nghiệp giải trí. Chúng ta sẽ có những bộ phim cổ trang đúng chất, bộ truyện tranh phản ánh đúng phong tục, lễ nghi đương thời. Những show diễn của Vietnam Center không chỉ dừng lại ở Sydney, mà chúng tôi muốn mang nó tới những thành phố xa xôi, ở nơi nào chúng tôi cảm thấy có thể với tới thì đều muốn mang văn hóa Việt tới đó. Và Linh cũng hy vọng, khi dự án thành công, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm chung tay, góp sức, bởi hiện nay, các bạn trẻ hoàn toàn bỏ tiền túi ra cho những đam mê và khát vọng không hề nhỏ bé và đáng trân trọng…
Nguyễn Mỹ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017