Hoài niệm làng tằm, nương dâu

Hoài niệm làng tằm, nương dâu

(GDTĐ) – Chiều bên sông, nắng đã ngả màu vàng, mặt trời đã bớt chói chang, ráng chiều vàng vọt khi hoàng hôn đang chìm vào chạng vạng. Tôi đi trên con đường chạy dọc triền sông ngắm nhìn mọi thứ.

Tôi nghe trong làn gió thổi như có tiếng xào xạc của mùa thu chênh vênh, chấp chới… Chính nơi đây, ngày xưa tôi cùng với đám bạn đã từng chạy thả diều, cánh diều vút bay cao trong gió. Con đường làng ấy chạy dọc theo triền sông mùa hạ nước đã dâng đầy. Dòng sông nước đỏ nặng phù sa, mát lịm như làn nước mùa thu lững lờ êm trôi…

Ảnh minh họa, nguôn: internet

Tôi, một người sinh ra và lớn lên từ làng! Mùi của đất, mùi nương dâu, bãi mía và cỏ cây như thấm đẫm vào da thịt, vào hơi thở và giọng nói của tôi. Bởi thế, tôi rất tự tin khi bước đi trên cỏ, trên con đường làng quen thuộc nơi mình được sinh ra… Ở nơi đó, tôi có thể thoải mái ngắm đồng ngô, nương dâu, vạt vườn mướt xanh sắc cỏ. Ở nơi đó, cỏ ve vuốt, nâng niu bàn chân tôi, cỏ tha hồ níu bám vào ống tay áo, ống quần khi tôi tung tăng một mình trên con đường quê trong chiều hoàng hôn lộng gió… Bước chậm rãi trên con đường nhuốm bụi thời gian trong chiều chạng vạng, nhìn ra sông Hồng nước đỏ nặng phù sa, tôi nhớ ngoại, nhớ da diết tiếng xa quay của cái làng quê nuôi tằm kéo kén ươm tơ. Ngoại thường hát câu: “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ…”. Ngoại ra đi lâu lắm rồi. Đứng trên cây cầu Long Biên hôm nay nhìn về làng tôi, nỗi nhớ đầy vơi, chênh chao khó tả. Ngày ấy, mỗi lần đi học về tôi lại xà vào bếp, ngồi quay tơ với ngoại. Thứ bảy, chủ nhật tôi theo mẹ ra bãi sông Hồng hái dâu. Bước chân thích thú khi được lon ton theo mẹ ra bãi. Trong nương dâu nghe tiếng chim hót, nhìn đàn bướm bay, tiếng nước ì oạp ngoài sông đổ về thân thương và gần gũi. Mùa hạ nước sông Hồng dâng lên một năm mấy lần. Những luống dâu bị ngập thủm trong nước, lá dâu nhuộm một màu phù sa đỏ quạch. Mọi người phải gánh từng gánh nước từ sông về, lấy gáo tưới rửa cho dâu xanh lại.

Ngoại bảo nghề tằm tang của làng tôi có từ cách đây hơn 400 năm. Ngày ấy, có nàng công chúa Từ Hoa về bên hồ Dâm Đàm (nay là hồ Tây), thấy vùng đất bãi hoang vu liền đem cây dâu về trồng, làng tôi có nghề tằm tang từ đó. Dọc triền đê sông Hồng từ chân cầu Long Biên đến làng Nhật Tân (gầm cầu Nhật Tân bây giờ) trên những bãi bồi phù sa, những nương dâu xanh mướt, đường làng ngõ xóm với những nong kén vàng tươi đã làm nên sự trù phú cho mảnh đất, con người nơi đây.  “Làm ruộng ăn cơm nằm – Nuôi tằm ăn cơm đứng” là câu cửa miệng của ngoại nói với con cháu. Bởi nếu tằm chê dâu thì đêm không ngủ, mắc màn che cho tằm khỏi bị ruồi muỗi đến quậy phá. Để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì thường phải đảm bảo 2h cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ. Một khâu không kém phần quan trọng đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để tằm tránh khỏi cay mắt.

Chiều quê hương nhẹ nhàng đưa tôi trở lại ngày xưa… Làng tằm ngày ấy nay nhà cao tầng mọc lên nguy nga, nương dâu xưa cũng thành phố thành phường tráng lệ… Lớp trẻ hôm nay đi giữa đô hội phồn hoa liệu còn nhớ đến làng tằm, nương dâu không nhỉ? Phút tĩnh lặng trôi đi, tôi tự hỏi mình, đã bao mùa hạ vụt qua trong nuối tiếc? Tự nhiên thấy nhấp nhói nơi lồng ngực trái… bao bâng khuâng, khắc khoải… Mùa nhớ lại ùa về… Những đêm hè trăng sáng, ánh trăng vàng dịu mơ màng trải khắp làng quê cũng làm tan bớt đi cái nóng nồng oi ả. Làng tằm quê nghèo, những đêm trăng sáng lũ trẻ lại gọi nhau í ới ra bờ đê ngồi hóng gió mát từ phía nương dâu bên dòng sông thổi tới. Bọn trẻ chúng tôi cũng tập hát, tập hò, học lỏm người lớn những câu hò quen thuộc, để rồi hò trêu ghẹo nhau, đấm nhau thùm thụp, đuổi nhau chạy dọc con đê cười nghiêng ngả cho đến tận đêm khuya…

Tháng tư về lòng tôi quay quắt nhớ… Nhớ cơn mưa đầu hạ, nhớ về tuổi thơ nhuộm đầy sắc màu ở một làng tằm, nương dâu xanh bát ngát ven đô, thanh bình yên ả. Nơi đó thấm đượm giọt mồ hôi nước mắt, sự vất vả của ngoại, của mẹ cha tháng ngày mong con khôn lớn… Nơi đó có ước mơ, có tiếng khóc, tiếng cười, có buồn vui sâu lắng như tiếng xa quay của ngoại và dòng chảy của con sông Hồng đỏ nặng phù sa…

Lệ Huyền – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017