Định hình chân dung của hiệu trưởng trong thời đại mới
(GDTĐ) – Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT về quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là văn bản mới nhất đề cập đến những phẩm chất, năng lực mà hiệu trưởng cần đạt được để lãnh đạo và quản trị nhà trường.Chính vì vậy, ngay sau khi thông tư được công bố, các hiệu trưởng và những người đang phấn đấu để trở thành hiệu trưởng đã tự “soi gương” bản thân theo 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí của bộ chuẩn xem mình đang đứng ở đâu và cần làm gì để trở thành một hiệu trưởng tốt trong kỷ nguyên 4.0
Chuẩn không phải để xếp loại thi đua
Quy định chuẩn hiệu trưởng trong Thông tư 14áp dụng đối với hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.
Nói về sự ra đời của chuẩn hiệu trưởng, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục, Trưởng nhóm nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng phổ thông cho biết: “Nếu hiệu trưởng không thay đổi thì chúng ta không thay đổi được gì. Giáo viên có đổi mới đến mấy mà hiệu trưởng không đổi mới thì giáo dục không thể đổi mới được. Trên thực tế, hiệu trưởng không thay đổi thì mọi thứ trong nhà trường vẫn vậy, văn bản chính sách không được triển khai thực tế”.
Phân tích những điểm mới của bộ chuẩn này tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB hiệu trưởng các trường THPT thành phố Hà Nội, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: “Chuẩn không phải để xếp loại thi đua, chuẩn là để bồi dưỡng, giúp và hỗ trợ hiệu trưởng chứ không phải để loại bỏ hiệu trưởng. Đây là tư tưởng mới trong quá trình xây dựng chuẩn lần này. Chuẩn hiệu trưởng giúp họ trong năng lực lãnh đạo và quản trị nhà trường. Khi hiệu trưởng thấy rằng mình còn hạn chế ở đâu để phát triển. Nếu một bộ chuẩn đưa ra mà tất cả các hiệu trưởng đã tốt rồi, đạt được rồi thì họ còn gì để phấn đấu và hoàn thiện bản thân nữa. Việc xây dựng chuẩn cũng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”.
Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, chuẩn hiệu trưởng sẽ gồm 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Các tiêu chuẩn bao gồm: phẩm chất nghề nghiệp; quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Nói cụ thể về các tiêu chuẩn và tiêu chí này,PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết: Ở tiêu chuẩn 2 về quản trị nhà trường thì việc Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường là cốt lõi, cũng là ưu tiên trong năm 2019 bởi việc triển khai chương trình phổ thông mới mà vẫn quản lý theo cách cũ là không được. Ở tiêu chí quản trị nhân sự, điểm khác so với bộ chuẩn cũ là hiệu trưởng chủ động đề xuất tuyển dụng nhân sự theo quy định. Hiện một số trường tự chủ có thể tự chủ nhân sự rồi.
Tiêu chuẩn 4 là phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Đây là nội dung mới trong đánh giá chuẩn hiệu trưởng bởi trước đây không có nội dung này. Tiêu chuẩn này có 3 tiêu chí gồm: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
Tiêu chuẩn 5 là sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin đòi hỏi người hiệu trưởng phải có khả năng sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường. Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, tiêu chí về ngoại ngữ không phải đơn thuần là để nói chuyện với người nước ngoài mà là để hiệu trưởng học hỏi kinh nghiệm của các nước, dần tạo môi trường học ngoại ngữ, trong đó ưu tiên tiếng Anh để mở cửa hội nhập với thế giới.
Việc đánh giá và xếp loại theo chuẩn hiệu trưởng thì hiệu trưởng tự đánh giá mỗi năm một lần vào cuối năm học, cơ quan cấp trên đánh giá theo chu kỳ 2 năm một lần vào cuối năm học. Kết quả đánh giá sẽ dựa vào kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng và kết quả nhà trường tổ chức lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong trường với hiệu trưởng.
Khi hiệu trưởng tự soi mình
Bộ chuẩn được đưa ra làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời, nó cũng làm căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường. Chính vì vậy, ngay sau khi Bộ ban hành thông tư, các hiệu trưởng đã nhanh chóng nghiên cứu và tự đánh giá bản thân theo những tiêu chuẩn, tiêu chí được nêu.
Thầy Đàm Tiến Nam – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết thầy tâm đắc với tư tưởng mới trong bộ chuẩn này là lấy học sinh làm trung tâm. Việc mang đến cho học sinh, giáo viên hạnh phúc, cảm hứng để học tập và làm việc là việc quan trọng và đó là điều mà mỗi hiệu trưởng cần hướng tới.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng chia sẻ: “Là thành viên trong hội đồng thẩm định chuẩn hiệu trưởng, tôi tâm đắc với mục đích của bộ chuẩn là để cho hiệu trưởng soi vào. Tôi tự thấy mình còn rất lâu để có thể đạt được. Tôi đã gạch ra vài đầu dòng những việc mình cần làm trong thời gian tới. Đó là tiếp tục học tập từ các trường bạn, từ đồng nghiệp; học ngoại ngữ để tiếp tục học hỏi, mở mang hiểu biết”.
Nói về những tiêu chí khó đạt trong bộ chuẩn, cô giáo Vũ Thị Hậu – Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông tự nhận thấy tiêu chuẩn khó khăn nhất là tiêu chuẩn 4 (phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội). Trong khi đó, cô giáo Tô Minh Thủy –làm công tác quản lý của trường THPT Hồ Tùng Mậu lại thấy tiêu chuẩn khó khăn nhất là quản lý nhân sự bởi muốn phát triển chất lượng giáo dục thì phải phát triển đội ngũ giáo viên. Làm sao quản lý để họ luôn có động lực luôn là câu hỏi mà cô tự đặt ra bởi giáo dục không phải đổ đầy mà thắp lên ngọn lửa.
Thầy Nguyễn Xuân Khang -Hiệu trưởng trường THPT Marie Curierất ủng hộ bộ chuẩn, bởi đưa ra các căn cứ để hiệu trưởng phấn đấu. Thầy đã nghiên cứu kỹ chuẩn hiệu trưởng với 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí vì liên quan trực tiếp tới công việc của mình..
Tuy vậy, để nói về chuẩn hiệu trưởng hiện nay, thầy Khang chọn ba từ: “Công phu, đẹp, lý tưởng hóa”. Lý tưởng hóa tức là giỏi lắm chỉ là tiệm cận, không đạt được. Chuẩn hiệu trưởng này có sự lý tưởng hóa, bởi áp dụng vào thực tế hiện nay, không có hiệu trưởng nào đạt đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí. Tuy nhiên chuẩn mới không phải để đánh giá, công nhận, loại bỏ hiệu trưởng mà giúp hiệu trưởng thay đổi. Nói cho dễ hiểu thì chuẩn hiệu trưởng là “kế hoạch bồi dưỡng để làm hiệu trưởng”, do vậy, chúng ta vừa thực hiện vừa tiến bộ, vừa bổ sung. Ví dụ, để đưa ra đường lối phát triển chiến lược của nhà trường, trường tư có thể thực hiện được, nhưng trường công rất khó bởi liên quan đến nhân lực, kinh phí…“Bản thân tôi mà đối chiếu với chuẩn này có lẽ sẽ “ra rìa” ngay”- thầy Khang dí dỏm.
Nói về tính thực tế của bộ chuẩn này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền ví von: “Chuẩn là chung, từng hiệu trưởng cần chọn phần nào phù hợp với mình để vận hành, thực hiện. Nếu chuẩn mà chúng ta làm được tất cả ngay, 100% đạt được thì không có ý nghĩa, không còn chuẩn nữa. Chuẩn là điều để các hiệu trưởng hướng tới. Tính hiện thực là dấu hỏi lớn. Nếu trước năm 1986 nói khoán mười trong nông nghiệp thì không ai tin chúng ta thành công, mở cơ chế thị trường thì không ai tin doanh nghiệp có thể sống được. Như vậy để thấy, nếu chúng ta quyết tâm làm thì chúng ta có thể làm được, cần đặt ra là chúng ta có muốn đổi mới hay không, quyết tâm đổi mới hay không”.
Hùng Sơn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019