Đánh giá kỹ năng Tự quản lý bản thân của học sinh Trung học phổ thông Dân tộc nội trú

Đánh giá kỹ năng Tự quản lý bản thân của học sinh Trung học phổ thông Dân tộc nội trú

(GDTĐ) – Theo kết quả khảo sát, phân tích sự tham gia học tập và rèn luyện kỹ năng Tự quản lý bản thân của học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú (THPT DTNT) ở ngoại thành Hà Nội cho thấy, giữa nhận thức và thực tế rèn luyện kỹ năng Tự quản lý bản thân của học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú còn là một khoảng cách xa đòi hỏi các em phải được rèn luyện tốt hơn để thích ứng với hoàn cảnh “dân tộc nội trú” của mình.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Khái niệm Kỹ năng tự quản lý bản thân

Đối với học sinh THPT DTNT kỹ năng tự quản lý bản thân được bố mẹ, thầy cô và cộng đồng coi là quan trọng và cần thiết nhất trong chương trình giáo dục các kỹ năng sống cho HS THPT của Bộ GD&DT. Bởi các em phải sống xa gia đình, sống tự lập trong ký túc xá. Mọi vấn đề của cuộc sống từ học hành, chi tiêu tài chính, giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro, những thói hư tật xấu trong xã hội, hay bảo vệ bản thân mình tránh những rủi ro khi lao động và học tập, vạch kế hoạch cho cuộc sống hiện tại và tương lai… đều là những kỹ năng các em cần phải có để đối phó với cuộc sống.

Khái niệm kỹ năng tự quản lý bản thân là một kỹ năng sống cơ bản và bao trùm nhất trong những nhóm kỹ năng sống của con người. Dưới góc độ xã hội học, kỹ năng tự quản lý bản thân được nhìn nhận như khả năng cá nhân tự nhận biết được vị thế của mình để biết mình là ai và từ đó xác định được vai trò của mình cần phải làm gì, cư xử như thế nào để bảo vệ được vị thế mình đang có. Khi cá nhân xác định được vị thế mình là học sinh THPT DTNT từ đó xác định vai trò mình phải sống, học tập, làm việc, cư xử sao cho phù hợp để tồn tại và thích nghi tốt với cuộc sống nội trú thì cá nhân đó có kỹ năng tự quản lý bản thân.

Đối với các em học sinh THPT DTNT, khi sống xa gia đình, để học cách tự quản lý bản thân, các em cần nhận biết rõ những điểm chưa hoàn thiện của bản thân và phải biết cách thể hiện điểm mạnh của mình, tin vào giá trị của bản thân mình. Muốn thế các em cần thường xuyên rèn lòng tự trọng của bản thân. Đó là sống có ý thức, tự nhận biết bản thân, có tinh thần trách nhiệm cao, quyết đoán, thể hiện mục đích sống rõ ràng và biết sắp xếp kế hoạch bản thân.

Quá trình chuyển hóa từ nhận thức sang hành động, từ học hỏi sang thực hành kỹ năng là quá trình quan trọng trong tiến trình xã hội hóa cá nhân con người. Do ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống nên hàng ngày ngoài ước muốn được học tập một cách bài bản, các em cũng tự rèn luyện kỹ năng sống cho mình khi gặp những tình huống khó khăn qua học hỏi lẫn nhau giữa các nhóm bạn bè và qua những chia sẻ kinh nghiệm của những người lớn tuổi hơn.

Sự tham gia học tập và rèn luyện các kỹ năng tự quản lý bản thân của học sinh THPT DTNT ở ngoại thành Hà Nội

Quản lý bản thân qua rèn luyện kỹ năng học và tự học: Quan tâm đến vấn đề học tập cần phải rèn luyện cho mình một kỹ năng rất thiết yếu đó là kỹ năng học và tự học. Tìm hiểu sâu về kỹ năng học và tự học cho thấy 96% các em được hỏi đều đã từng nghe đến kỹ năng này. Và nguồn nghe được là từ phía các thầy cô giáo (72,8%), bởi người sát sườn quản lý các em về học lực chính là thầy cô giáo nên chính thầy cô giáo đã nhắc nhở các em thường xuyên. Mặc dù vậy nhưng khi hỏi Em tự học bài theo cách thức nào?” thì học tùy hứng là phương án được lựa chọn nhiều nhất chiếm 49,1%, phương án tự học vì thầy cô yêu cầu được lựa chọn nhiều thứ 2 chiếm 35,2%. Điều này phản ánh đúng tâm sinh lý lứa tuổi các em đó là tư tưởng tự do, thoải mái khi không có áp lực nào bủa vây hàng ngày, ở môi trường nội trú các em có cùng trình độ và lứa tuổi nên yếu tố tùy hứng được lựa chọn cao hơn yếu tố thầy cô yêu cầu. Một kết quả phản ánh chân thực nữa là các em tự học vì bố mẹ giục giã chỉ chiếm 12,6%, điều này chứng tỏ mỗi khi các em tự học bài là có vai trò rất lớn của các thầy cô giáo nhắc nhở trước đó.

Hầu hết các em học sinh THPT  DTNT ở ngoại thành Hà Nội có bố mẹ làm ruộng, trồng trọt nên kinh tế gia đình không mấy khá giả. Khi đi học xa nhà bố mẹ cũng nhắc nhở và khi đến trường cũng được thầy cô nhắc nhở nên động lực để các em học và tự học xuất phát từ lý do các môn em tự học nằm trong khối em sẽ thi vào đại học chiếm số lựa chọn tới hơn một nửa 55,2%, học vì các môn đó sẽ thi tốt nghiệp 17,8% và học vì thấy hứng thú là 23,8%. Một cách lý giải là các em biết tự xác định giá trị bản thân mình, các em biết đầu tư rèn kỹ năng học và tự học vì những lý do rất thực tế. Đa phần các em lựa chọn thời gian tự học của mình vào buổi tối 57,5%. Các em học chính khóa buổi sáng sẽ tự học vào buổi chiều 26,5% và các em học chính khóa buổi chiều sẽ tự học vào buổi sáng 13,7%. Điều này cũng phản ánh đúng quỹ quản lý thời gian của các em.

Trao đổi về kinh nghiệm học để đạt hiệu quả cao trên lớp qua bảng hỏi cho thấy chủ yếu các em chú ý nghe giảng trên lớp 67,6% để kết quả học tập tốt hơn, nếu chưa hiểu các em thường tìm đến bạn bè để trao đổi 45,3%, vì ở nội trú nên trao đổi với các bạn cùng phòng hoặc gần phòng ở là điều rất thuận tiện.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Quản lý bản thân qua việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe: Quan tâm đến sức khỏe của bản thân là lựa chọn thứ hai, sau vấn đề học tập. Tuy nhiên để chăm sóc bảo vệ cho sức khỏe của bản thân, thay vì nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm do nhà trường tổ chức thì phần lớn các em lại chỉ đi khám sức khỏe khi bị ốm 74,8%. Chỉ có 20,6% đi khám sức khỏe theo định kỳ, trong khi khám sức khỏe theo định kỳ là việc rất đơn giản. Điều này cho thấy từ nhận thức đến hành vi còn là một khoảng cách đối với các em học sinh THPT DTNT.

Việc biết cách tự quản lý bản thân có ý nghĩa rất quan trọng. Khi các em làm chủ được mình, các em có thể hướng bản thân đến những điều tốt đẹp và tránh xa những cám dỗ, những sai trái trong cuộc sống để trở thành một người chín chắn và mẫu mực. Hơn lúc nào hết, cuộc sống, định mệnh của các em là do cách các em tự quản lý chính bản thân mình. Bởi thời gian này ông bà, bố mẹ, anh chị em không thể thường xuyên có mặt để chỉ bảo các em nhiều. Sự tham gia rèn luyện kỹ năng sống để tự quản lý bản thân mình còn được thể hiện ở việc các em biết tránh những vấn đề có khả năng gây rủi ro như: tránh đi chơi về khuya 60,5%, tránh đi với người lạ 59%, tránh đi chơi một mình 53%, tránh thân mật với người khác giới 37,5%, tránh đi chơi xa lâu ngày 34,9%. Đây cũng là điều mà thầy cô cũng thường xuyên nhắc nhở các em bởi các em chưa có nhiều kinh nghiệm sống và còn chưa quen với môi trường nội trú mới.

Quản lý bản thân qua việc sử dụng tài chính: Các em học sinh THPT DTNT  không chỉ quan tâm đến học tập và sức khỏe, các em còn quan tâm đến việc sử dụng tài chính, cách tiêu tiền của mình sao cho hợp lý. Là đối tượng chính sách nên các em được nhà nước tài trợ tiền học tập, không phải đóng học phí, được phát miễn phí sách giáo khoa, được miễn phí ăn ở theo tiêu chuẩn của nhà nước… nên các em được bố mẹ cho thêm rất ít tiền. 92,2% các em được hỏi cho biết chỉ được bố mẹ cho dưới 500 nghìn đồng/ tháng. Với số tiền khiêm tốn đó các em phải chi tiêu khéo léo cho những nhu cầu phát sinh mà không nằm trong sự tài trợ của nhà nước. Việc ưu tiên dùng tiền để chi cho những nhu cầu hàng ngày cũng là một kỹ năng không kém phần quan trọng. Với những em được bố mẹ cho ít tiền thì các em phải tính toán trước sau, nhưng với những em được bố mẹ cho nhiều tiền trên 1 triệu đồng/tháng, có 4,6% các em có thể sẽ dùng đồng tiền của mình vào những việc vô bổ, thậm chí sa vào tệ nạn xã hội nếu không có bố mẹ và thầy cô nhắc nhở thường xuyên. Thật đáng mừng là có tới 53,4% các em ưu tiên dùng tiền của mình vào việc mua sách, truyện; có 44,1% các em ưu tiên dùng tiền vào mua các món ăn thêm; và 31,1% dùng tiền để mua quần áo. Đó cũng là những nhu cầu thiết yếu của các em khi xa gia đình.

Quản lý bản thân qua việc rèn luyện kỹ năng an toàn lao động phòng tránh rủi ro: Học sinh THPT DTNT ở ngoại thành Hà Nội thường có rất nhiều các hoạt động lao động tập thể. Do đặc thù ở tập trung trong ký túc xá nên nhà trường thường huy động các em có các hoạt động lao động như tổng vệ sinh trường, tổng vệ sinh ký túc xá, hoạt động trồng rau, ươm cây, đóng bầu giống cây. Khi được hỏi “Nếu gặp rủi ro các em thường làm gì?” phương án “báo với người phụ trách” chiếm cao nhất 54,2%, sau đó là nhờ bạn bè 32,5% và cuối cùng là tự xử lý 29,2%. Điều này phản ánh phần lớn các em rất biết lo cho bản thân mình khi không có gia đình bên cạnh, các em biết tìm đến những người có trách nhiệm và bạn bè xung quanh giúp đỡ khi gặp rủi ro. Tuy nhiên qua phỏng vấn kỹ một số em về những kỹ năng cụ thể trong tình huống cụ thể thì các em rất lúng túng.

Như vậy, từ khảo sát trên cho thấy các em HS THPT DTNT ngoại thành Hà Nội về lý thuyết đều có ý thức phòng tránh các tai nạn rủi ro nhưng thực sự khi phải xử lý những tình huống cụ thể thì các em đều lo sợ, hốt hoảng, lúng túng không có kỹ năng xử lý. Rõ ràng, trong điều kiện sống xa gia đình đây là một điều khá nguy hiểm và cần có những giải pháp tác động kịp thời nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cụ thể để xử lý những tình huống tai nạn rủi ro.

Nhận thức của các em HS THPT DTNT ở ngoại thành về kỹ năng Tự quản lý bản thân là khá tốt, nhưng từ nhận thức đến hành vi rèn luyện thực tế của các em còn là một khoảng cách lớn. Đa số các em đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tự quản lý bản thân nhưng các em thường lúng túng trong cách xử lý các tình huống thực tế. Thực trạng trên đòi hỏi các em cần được gia đình và nhà trường trang bị tốt hơn các kỹ năng sống, cho các em tham gia học tập và rèn luyện các kỹ năng sống thiết yếu để quản lý bản thân tốt hơn, hòa nhập với cuộc sống rất đặc trưng là “dân tộc nội trú” của mình tốt hơn và xa hơn là thích nghi với cuộc sống đầy biến động hiện nay.

TS Vũ Thị Hồng Khanh

Học viện Hành chính Quốc gia

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Thị Hồng Khanh (2012), Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Trường Đại học Lâm nghiệp – Thực tiễn và kinh nghiệm, Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và an sinh xã hội”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Phạm Vũ Kích (chủ biên), (1997), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Lê Nguyên Quang (chủ biên), (2012), Hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa xã hội trong trường phổ thông Dân tộc nội trú, NXB Giáo dục, Hà Nội.

(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)