Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Sẽ được trình bày đầy đủ, chi tiết trong sách giáo khoa mới

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Sẽ được trình bày đầy đủ, chi tiết trong sách giáo khoa mới

(GDTĐ) – Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mà Bộ GD&ĐT công bố vào cuối năm 2018, môn Lịch sử sẽ được thiết kế lại với nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Theo đó cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979) sẽ được đưa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) mới một cách đầy đủ hơn…

 

Giới trẻ cần hiểu rõ giá trị của hòa bình

Tại một hội thảo mới đây, PGS.TS Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) bày tỏ: Sau 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 kết thúc, vì những lý do “nhạy cảm” khác nhau, cuộc chiến tranh này tuy không hoàn toàn bị quên lãng, nhưng rất ít khi được nhắc đến. Theo PGS.TS Đinh Quang Hải, nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, với quá nhiều hy sinh, đau thương và mất mát không phải là để khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát, mà chính là để làm sáng rõ sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh này.

Do đó, PGS.TS Đinh Quang Hải mong rằng, chương trình SGK phổ thông mới sẽ có một dung lượng đầy đủ để trình bày một cách khách quan, trung thực về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Không chỉ cần được đề cập đầy đủ, toàn diện, trung thực ở trong SGK phổ thông mới mà còn phải tuyên truyền rộng rãi cho toàn thể nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập, tự do và hòa bình. Giá trị của từng tấc đất biên giới lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc có được như ngày hôm nay là do sự hy sinh, đổ biết bao xương máu của cha ông mới giữ gìn được.

Còn GS Sử học Phạm Hồng Tung – Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình GDPT mới khẳng định: Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới môn Lịch sử sẽ viết chi tiết, đầy đủ và cẩn trọng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc cũng như các cuộc chiến có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Theo GS Phạm Hồng Tung, nội dung về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1976-1991”.

Riêng ở cấp THPT, Lịch sử được tổ chức dạy và học với tư cách là một môn học độc lập. Các nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chủ đề và chuyên đề. Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)”. Chủ đề này sẽ được tổ chức dạy và học ở lớp 12. Ngoài ra, lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông cũng sẽ được trình bày kĩ hơn trong ba chủ đề: “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” (lớp 11); “Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” và “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (lớp 12). Như vậy, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đề cập đến ít nhất là 2 lần ở cấp THCS và THPT với mức độ và cách tiếp cận khác nhau. Theo cách này, học sinh sẽ được tìm hiểu lịch sử thuận lợi, sâu sắc hơn.

Giáo viên phải thay đổi cách dạy

Như vậy, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc không thể mờ nhạt trong SGK Lịch sử mới nên giáo viên phải thay đổi cách dạy để học sinh hiểu rõ về sự kiện này. Ở góc độ là một giáo viên đã qua 25 năm giảng dạy môn Lịch sử phổ thông và là thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện Chương trình môn Lịch sử cho Bộ GD&ĐT, thầy giáo Trần Trung Hiếu – trường THPT chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đưa vào chương trình và SGK mới với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.

Trong các cuốn SGK, giáo trình lịch sử từ phổ thông đến đại học từ xưa đến nay, nội dung kiến thức về các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc luôn chiếm một thời lượng lớn. Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam sau năm 1975, bên cạnh nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc 1945-1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 -1989) là một nội dung lớn, một sự kiện lịch sử dù không muốn nhưng nó đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả như thế nào thì chúng ta luôn cần phải tôn trọng sự thật.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2/1979-18/3/1979 nhưng trên thực tế, cuộc chiến tranh không dừng lại ở đó mà kéo dài đến năm 1989. Khi SGK Lịch sử phổ thông hiện hành trình bày quá sơ sài, mờ nhạt sự kiện này, khi những kiến thức của sự kiện đó đã bị “giảm tải” tối đa, giáo viên không phải dạy, học sinh không phải học. Và tất nhiên cũng không có kiến thức này trong các đề thi THPT quốc gia, thi tuyển sinh vào đại học, thi chọn học sinh giỏi các cấp thì trách nhiệm dạy như thế nào lại thuộc về cái tâm với nghề, khả năng và sự linh hoạt của giáo viên dạy Sử.

Điều quan trọng đối với các giáo viên dạy Sử khi truyền đạt những kiến thức như thế này là để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên hiểu phiến diện, không đầy đủ về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao, những lời tuyên bố của các chính khách. Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, học sinh chán học lịch sử là lỗi của thầy cô giáo, chứ không nên đổ lỗi cho SGK. Có thể cách thức giảng dạy của các thầy cô chưa thuyết phục, chưa đầy đủ nên chưa thu hút được học sinh hứng thú với môn học này.

Trong thời gian gần đây, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo và học sinh nhìn nhận lại lịch sử. Vì vậy, các thầy cô giáo cần phải cập nhật thêm kiến thức để giảng dạy hấp dẫn hơn để giáo dục cho học sinh và thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Cũng theo thầy Hiếu, từ những hạn chế của sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1979), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989), sự kiện Gạc Ma (14/3/1988)… nên khi đề cập đến kiến thức này, sách giáo khoa mới cần thể hiện rõ những vấn đề như: trình bày đúng và đủ sự thật khách quan của lịch sử về đối tượng, thời gian, không gian, bắt đầu và kết thúc của sự kiện đó; nêu rõ nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến sự kiện đó; mục đích của kẻ xâm chiếm, từ đó rút ra tính chất của sự kiện, cuộc chiến tranh đó; khi các sự kiện, các vấn đề lịch sử được viết đầy đủ, khách quan hơn nó sẽ có tác dụng sâu sắc hơn trong việc giáo dục cho học sinh biết trân trọng và ghi ơn những người đã chiến đấu và hy sinh vì cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thầy Hiếu nhấn mạnh: “Theo tôi, sách giáo khoa mới về môn Lịch sử khi trình bày các kiến thức, sự kiện lịch sử cần phải trung thực, khách quan và rút ra được bản chất của vấn đề. Nếu lịch sử không đầy đủ, nó không còn là một môn khoa học và khi đó lịch sử sẽ mất đi tác dụng trong việc giáo dục con người. Cái đích cuối cùng của nghiên cứu và giảng dạy lịch sử không phải chỉ để biết, hiểu quá khứ mà phải trên cơ sở đó để tìm ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy, khi đã hiểu biết cơ bản, đầy đủ, đúng đắn về cuộc chiến tranh này thì trách nhiệm của các giáo viên dạy Sử phổ thông là tạo nên sự chuyển biến về nhận thức hướng đến giáo dục các giá trị lịch sử để thế hệ trẻ biết trân quý cuộc sống đang có và học hỏi từ quá khứ để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai”…

Đồng tình với quan điểm trên, GS Vũ Dương Ninh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cũng bày tỏ, nhiều năm qua, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác”. Ông Ninh đề nghị, sách giáo khoa và các bộ sử đều phải viết khách quan về những sự kiện này, phân tích đầy đủ bản chất để rút ra bài học kinh nghiệm như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Tất cả người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu…

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và rút quân. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, thường xuyên gây xung đột vũ trang. Đến năm 1989, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược mới kết thúc.

Nguyễn Mỹ