Xét tuyển đìu hiu, nhiều trường lo lắng

Xét tuyển đìu hiu, nhiều trường lo lắng

(GDTĐ) – Đã quá nửa chặng đường xét tuyển đợt 1 nguyện vọng (NV) bổ sung vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nhưng hiện nay, nhiều trường có rất ít thí sinh (TS) đến nộp hồ sơ.

Trước tình trạng này, lãnh đạo các trường lo lắng nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu, phải kéo dài xét tuyển đến 15/10.
Thí sinh đang ở đâu?
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đợt xét tuyển bổ sung có gần 170 trường ĐH, CĐ ở miền Bắc và miền Nam với hàng trăm ngàn chỉ tiêu. Nhiều trường quy định mức điểm nhận hồ sơ chỉ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ (bậc ĐH là 15 điểm và CĐ 12 điểm), cho nên cơ hội rộng mở đối với những TS trượt ở đợt 1 xét tuyển vừa qua. Thế nhưng, mấy ngày nay, lãnh đạo nhiều trường đang xét tuyển NV bổ sung đặt câu hỏi: “Không biết TS đang ở đâu?”.

Cho đến cuối giờ chiều ngày 1/9, ĐH Lâm nghiệp mới nhận được khoảng 400 hồ sơ. PGS Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo của trường cho hay: “Với số lượng hồ sơ đăng ký thế này cho thấy tình hình không khả quan, trường khó tuyển đủ chỉ tiêu. Chúng tôi thật sự lo lắng, rất có thể trường phải kéo dài xét tuyển đến đợt 3, 4, trong khi năm trước đợt 2 là lấp đầy chỉ tiêu”. Được biết tổng chỉ tiêu của ĐH Lâm nghiệp là 2.950, đợt 1 nhà trường nhận được 1.118 hồ sơ ở 2 miền Bắc và Nam.

Thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Đại học Thăng Long. Ảnh: Trần Oanh


Các trường ĐH ngoài công lập cũng trong tình trạng xét tuyển đìu hiu, hồ sơ đến rất ít. ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội thiếu nhiều chỉ tiêu nhất với khoảng 3.800, vậy nhưng PGS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết mới nhận được hơn 400 hồ sơ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TS đến ít nhưng không biết đâu là nguyên nhân chính. Có lẽ bởi thời gian xét tuyển của các đợt còn dài, một số TS đang đủng đỉnh chọn trường, số khác gửi hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện nên đến chậm. Cho nên, bây giờ chờ đợi là cách duy nhất, nếu TS không đến nữa thì trường phải sa thải bớt giáo viên.
ĐH Phương Đông cũng đang trong cảnh lác đác TS đến đăng ký xét tuyển. Hiện nhà trường vẫn còn rất nhiều chỉ tiêu bổ sung cho tất cả các ngành. PGS Vũ Phán – Phó Hiệu trưởng ĐH Phương Đông than phiền: “Năm nay thay đổi phương thức nên số TS đăng ký đợt 1 rất đông nhưng đợt 2 rất ít, ngược lại với năm ngoái. Tôi phán đoán bao giờ TS chạy cùng sào không vào đâu được thì chạy vào đây. Bây giờ chúng tôi nhờ trời! Thực sự chúng tôi rất lo bởi đã đầu tư nguồn nhân lực để đảm bảo số chỉ tiêu đã đăng ký. Nếu TS đến ít, giáo viên thừa ra buộc nhà trường phải chấm dứt hợp đồng”.
Đau đầu với thí sinh “ảo”
Lượng TS đến đã ít, nhưng không có nghĩa em nào nộp vào là “chắc ăn” người đó. Bởi ở đợt xét tuyển NV bổ sung, mỗi TS được phép nộp đồng thời 3 giấy đăng ký vào 3 trường, mỗi trường tối đa 4 NV cho nên tỷ lệ ảo rất lớn. “Nếu nhà trường gọi nhiều quá, tức là cứ gọi các em từ 15 điểm đến thì rất có thể vượt chỉ tiêu Bộ cho phép. Nhưng nếu nâng điểm trúng tuyển lên, TS đến ít, vô hình chung lại bị thiếu chỉ tiêu. Trước tình hình TS ảo thế này, nhà trường sẽ gọi tất cả TS đăng ký theo điểm sàn của Bộ cũng là điểm chuẩn đã công bố. Vì theo số lượng TS đăng ký đến bây giờ, rất khó vượt qua tầm gọi của mình” – PGS An cho hay. “Để phòng TS ảo, chúng tôi đưa ra phương án gọi nhiều TS hơn số cần thiết. Còn gọi bao nhiêu lại là bài toán đến cuối đợt đăng ký xét tuyển này mới xác định được và phải căn cứ vào cơ cấu điểm cũng như các yếu tố khác” – TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng ĐH Thăng Long đưa ra hướng chống “ảo”.
Bên cạnh thông tin về chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung trên website của trường và các phương tiện thông tin đại chúng, một số trường còn thông báo xét tuyển NV2, 3 đến tận các tỉnh ngoài để hy vọng TS đến đăng ký. “Chúng tôi chắc chắn, số lượng TS chưa đỗ đợt 1 đang rục rịch đi nộp chứ không thể ngồi ở nhà vứt bỏ NV1 để chờ NV2, 3. Sợ nhất là số lượng TS trên sàn không còn. Nếu còn thì chắc chắn các em phải gọi điện đến trường để được tư vấn” – PGS An phán đoán. Mặc dù đã gửi thông báo còn chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung đến các địa phương, nhưng ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không hy vọng nhiều. PGS Vũ Văn Hóa lý giải, hiện có hơn 400 trường ĐH, CĐ cần gì họ phải lên Hà Nội học, bởi học ĐH ở đâu cũng là ĐH, trừ những người có suy nghĩ trường TP có cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy tốt. Hiện mạng lưới các trường ĐH rất lớn, cho nên dẫn đến khó khăn trong xét tuyển sinh.

Theo Kinh tế và Đô thị