Xây dựng môi trường lớp học thân thiện trong trường mầm non

Xây dựng môi trường lớp học thân thiện trong trường mầm non

(GDTĐ) – Xây dựng môi trường lớp học gần gũi thân thiện theo hướng mở có vai trò quan trọng đối với trẻ em, giáo viên và phụ huynh học sinh, đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trẻ, chất lượng làm việc của giáo viên. Với ý nghĩa ấy, cô giáo Nguyễn Thị Dung, trường Mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy đã viết SKKN: “Một số kinh nghiệm thiết kế, sắp xếp bảng biểu, giá góc và xây dựng môi trường hoạt động thân thiện cho các lớp học trong trường mầm non”. Sáng kiến đã đoạt giải C cấp Thành phố năm 2016.

Ý tưởng thiết kế các loại giá

Đặc thù của lứa tuổi mầm non là “học mà chơi, chơi mà học” nên các loại đồ chơi đồ dùng phục vụ nhu cầu chơi và học của trẻ rất nhiều chưa kể đến các loại tranh truyện, nguyên vật liệu làm đồ dùng đồ chơi, chăn chiếu…. đòi hỏi phải có nơi cất giữ thật gọn gàng. Chính vì thế việc tạo ra các giá để đồ vừa đáp ứng được nhu cầu bày biện vừa để được hết đồ dùng cần thiết của lớp phù hợp với diện tích lớp học và sĩ số trẻ là điều vô cùng quan trọng. Trước tiên cần lên đầu mục các loại giá, kệ tủ cần dùng của một lớp học:

– Giá góc để bày đồ chơi

– Giá treo sản phẩm tạo hình

– Tủ để đồ dùng học tập và sinh hoạt của lớp

– Tủ để ba lô của trẻ

– Giá dép

* Lựa chọn chất liệu sử dụng:

– Chất liệu giá góc và các loại tủ: Có nhiều chất liệu dùng làm giá để đồ dùng, đồ chơi trong các trường học, tuy nhiên gỗ Thông là loại chất liệu nên lựa chọn để đóng các loại giá phục vụ sinh hoạt và vui chơi của trẻ bởi trong gỗ Thông có nhựa, loại nhựa này có thể ngăn cản sự phá hoại của các loại mối mọt. Nội thất được chế tạo từ gỗ Thông có trọng lượng nhẹ, dễ dàng di chuyển trong mọi điều kiện.

Chất liệu giá dép và giá treo sản phẩm tạo hình: Inox là chất liệu phù hợp để làm giá dép và treo sản phẩm. Với giá treo sản phẩn tạo hình, Inox không chỉ mang đến cảm giác an toàn khi treo tường mà còn rất dễ vệ sinh, bền, đẹp góp phần làm nổi bật các sản phẩm của trẻ.

Mẫu mã: Các giá dùng để bày đồ chơi trong lớp phải đảm bảo được các yêu cầu như thiết kế đơn giản, cùng một độ cao nhằm đảm bảo sự đồng bộ và tạo không gian thoáng đãng trong lớp học

Tủ đồ dùng không chỉ đảm bảo đẹp mà còn đảm bảo công năng sử dụng phong phú như: Để chăn, chiếu, đồ dùng dạy học các chủ đề chủ điểm và đồ dùng cá nhân của giáo viên…

Ý tưởng cho hình thức trang trí các nhóm lớp

*Trang trí lớp theo tên và hình ảnh các con vật

Khác với việc chỉ chọn tên lớp bằng các chữ cái A, B, C, D, giáo viên lên ý tưởng lựa chọn cho mỗi lớp học một con vật đáng yêu gần gũi với trẻ. Tên con vật là tên của lớp kèm theo tên tiếng Anh của con vật đó, đồng thời vẫn giữ nguyên các tên gọi A, B, C, D cho thuận tiện với giáo viên và phụ huynh học sinh, nội dung này được thể hiện ở biển lớp của các lớp và phòng chức năng. Hình ảnh con vật đó sẽ xuất hiện ở biển lớp, các biểu bảng và trong tất cả các biển góc chơi trong lớp với nhiều dáng vẻ và tâm trạng khác nhau nhằm tạo hứng thú cho trẻ khi đến lớp cũng như khi tham gia các hoạt động.

*Trang trí lớp theo tông màu

Việc sử dụng các gam màu có tác dụng giúp tinh thần thoải mái sảng khoái. Không phải cứ trẻ con là phải sử dụng màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt mà sử dụng màu sắc cũng cần phải hợp lý, nó không những làm dịu ánh mắt người nhìn mà còn mang đến cho trẻ những bài học đầu tiên về làm quen và cảm nhận cái đẹp qua màu sắc, hay cao hơn là giáo dục thẩm mỹ cho trẻ về cách phối màu, sử dụng màu sao cho nhã nhặn mà vẫn đẹp, trầm nhưng không tối, nổi bật nhưng không màu mè, rực rỡ nhưng không lòe loẹt… Với mỗi lớp học, sử dụng một gam màu chủ đạo nhằm tạo sự khác biệt.

Ảnh minh họa

Lên đầu mục biểu bảng

*Biển lớp: Ghi đầy đủ tên lớp, bao gồm tên chữ cái, tên con vật đại diện cho lớp bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt.

* Bảng tuyên truyền: Là nơi giáo viên giới thiệu cho phụ huynh học sinh các thông tin cần thiết nhất về chương trình học của con với các bài hát, bài thơ, câu truyện, các hoạt động vui chơi sinh hoạt, ăn uống và sức khỏe của trẻ.

*Lô gô của lớp: Là một hình tròn đường kính 30cm, trên lô gô có in ảnh của con vật lớp mang tên, bên dưới là tên của con vật đó cộng với một tính từ chỉ tính cách đặc điểm của con vật một cách đáng yêu để trẻ cảm thấy tự hào về lớp mình, ví dụ: Rùa con kiên trì, Mèo con dễ thương, Thỏ con hoạt bát…

* Hình ảnh con vật đại diện: Là hình ảnh của con vật được thiết kế chiều cao bằng hoặc hơn trẻ với các tâm trạng vui tươi đang giơ tay chào đón trẻ đến lớp, trên tay của mỗi con vật cầm những tấm biển như: Hello, Hi, Xin chào…

*Bảng đánh giá trẻ: Là bảng di động nhưng treo trong lớp học nhằm để đánh giá trẻ theo bộ chuẩn.

*Tên và hình ảnh các góc: Được dán hoặc treo về các góc nhằm giới thiệu tên góc và lôi cuốn trẻ vào hoạt động tại góc chơi đó.

Thiết kế giá, tủ đồ dùng trên bản vẽ

Sau khi lên ý tưởng thiết kế và khảo sát lớp học thô để lấy kích thước chuẩn cho các lớp ứng với mỗi con vật và màu sắc đã định là việc thiết kế mẫu mã các giá đồ chơi đồ dùng và các loại biểu bảng.

*Thiết kế các loại giá – tủ đồ dùng đồ chơi

Việc thiết kế giá, tủ đồ dùng đồ chơi phải dựa trên nguyên tắc phù hợp lứa tuổi, phù hợp với môi trường, diện tích, sĩ số lớp học, mẫu mã đơn giản, đẹp, chất liệu bền, an toàn dễ sử dụng, khoa học, sáng tạo và tiện lợi

*Thiết kế biểu bảng

Theo các đầu mục biểu bảng, ở mỗi nhóm lớp có kích thước giống nhau sẽ có kích thước biểu bảng giống nhau.

Bài trí môi trường lớp học thân thiện

Việc bài trí sẽ tạo cho môi trường lớp học những góc hoạt động sáng tạo, sống động, tươi mới cùng với các đồ dùng đồ chơi trong lớp giúp cho tất cả các góc, các mảng tường, các không không gian hoạt động vui chơi học tập của trẻ trở nên lôi cuốn hơn. Sau khi hoàn tất việc sắp xếp kê đặt các giá- tủ vào vị trí, tiến hành trang trí môi trường lớp. Đối với những lớp mang tên các con vật sống dưới biển, các lớp vận dụng hình ảnh sóng nước, bong bóng, rong rêu, cây dừa, thuyền… đưa vào trang trí các góc. Đối với lớp Chicken- gà con, có thể trang trí lớp theo phong cách dân gian với các đồ dùng trang trí bằng tre nứa, nan, quạt, giỏ cua, bông lau, các hình ảnh lu nước, rơm, cây chuối hay tạo các vật từ gáo dừa, mẹt….

Bài trí sáng tạo các mảng tường

Các mảng tường trong và ngoài lớp là nơi đặt các loại biểu bảng và là nơi lý tưởng để trang trí các bức tranh, giỏ hoa nghệ thuật giúp không gian sinh động hơn đồng thời giúp truyền tải các nội dung giáo dục của giáo viên tới cho trẻ cũng như tuyên truyền hiệu quả tới phụ huynh

Đối với mảng tường ngoài lớp, đây là nơi thu hút ánh mắt và tạo ấn tượng đầu tiên tới mọi người, chính vì vậy nó cần được chăm sóc tỉ mỷ và bài trí thật đẹp mắt. Mảng tường gần cửa lớp nhất là nơi treo bảng tuyên truyền tiện cho việc phụ huynh theo dõi, một số lớp có mảng tường trống rộng ở mặt ngoài, có thể làm góc ảnh đẹp hoặc góc vận động cho trẻ… Mảng tường ngoài lớp còn là nơi trang trí nhân các ngày hội ngày lễ tạo không khí tưng bừng vui tươi cuốn hút trẻ.

Thiết kế và vận dụng sáng tạo các đồ dùng dạy học và sản phẩm của trẻ vào bài trí môi trường lớp học thân thiện

Việc trang trí lớp được tiến hành giữa cô và trẻ. Cô giáo đóng vai trò là người định hướng, trẻ sẽ là người thực hiện và trải nghiệm. Những sản phẩm trẻ tạo ra được các cô lưu lại, bày biện hợp lý trong lớp sẽ giúp trẻ thấy tự hào, có động cơ phấn đấu tốt hay đơn giản chỉ là trẻ thấy vui hơn.

Giáo viên và các đồng nghiệp có thể tạo ra rất nhiều bộ hoạt cảnh dùng phục vụ cho dựng cảnh các giờ hoạt động như cảnh rừng rậm, cảnh làng quê, cảnh núi rừng, đồng lúa vàng, nhà sàn… Việc tạo ra một kho khung cảnh sống động này giúp cho việc dựng cảnh của các tiết học và các hoạt động thêm hấp dẫn và tiết kiệm.

Môi trường lớp học thân thiện khiến trẻ hứng thú đến trường, đến lớp, tâm trạng vui tươi thoải mái hơn. Trẻ được hoạt động trong môi trường tiện nghi, lớp học sáng sủa, giúp trẻ phát triển hơn về mọi mặt: thể lực, thẩm mĩ, nhận thức, tình cảm.

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số kinh nghiệm thiết kế, sắp xếp bảng biểu, giá góc và xây dựng môi trường hoạt động thân thiện cho các lớp học trong trường mầm non” của cô giáo Nguyễn Thị Dung – trường MN Hoa Hồng. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 101+102, tháng 5-6/2018