Phần mềm “Ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2”

Phần mềm “Ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2”

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ giới thiệu phần mềm “Ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2” của cô giáo Lê Thị Thu Thủy, Trường Tiểu học Cát Linh – quận Đống Đa. Đây là phần mềm được đánh giá cao tại Ngày hội Công nghệ Thông tin lần thứ 3 của ngành GD&ĐT Hà Nội. Phần mềm mô phỏng kỹ thuật gấp hình giúp học sinh dễ nắm bắt bài học và thực hành trên lớp.

Môn học Thủ công ở cấp Tiểu học nói chung, lớp 2 nói riêng có nhiều kĩ thuật khó diễn đạt một cách tường tận đến học sinh. Để hỗ trợ cho việc dạy học, SGK cũng có các hình ảnh minh họa, giáo viên cũng sưu tầm các tranh ảnh hướng dẫn học sinh. Tuy nhiên, đối với những nội dung khó trong chương I – Kĩ thuật gấp hình mà giáo viên chỉ dùng lời nói kết hợp với tranh và thao tác mẫu của giáo viên để minh họa thì học sinh vẫn rất khó hình dung và thực hiện theo một cách chính xác.

Để các em có thể tiếp cận chương trình học môn Thủ công lớp 2, cụ thể là các bài học gấp hình trên giấy thủ công mà không cảm thấy khó khăn, gò bó và khó tưởng tượng thì việc thiết kế ra một phần mềm dạy các bài học gấp hình thuộc chương Kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2 là rất cần thiết.

Adobe Flash CS6 là một phần mềm đồ họa có thể dùng nó để mô phỏng, biểu diễn các thao tác gấp hình, vẽ hình…. từ đơn giản đến phức tạp bằng các đoạn hoạt hình có tính tương tác cao cùng những hình ảnh, âm thanh sinh động hấp dẫn lôi cuốn học sinh học mà chơi, chơi mà học, tự mình khám phá ra những kiến thức về kĩ thuật gấp hình bằng giấy thủ công nhằm phát triển khả năng tư duy và óc thẩm mỹ của các em.

Các mô phỏng tạo ra từ phần mềm Adobe Flash CS6 hoàn toàn tương thích với các công cụ tạo bài giảng E-learning như Adobe Presenter hay Lecture Maker, Power point … giúp người giáo viên có thể linh hoạt soạn các bài giảng điện tử theo nhiều cách khác nhau.

“Phần mềm ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2” không chỉ giúp cho người giáo viên chủ động, linh hoạt trong dạy học môn Thủ công mà đó còn là một phương tiện trực quan sinh động kích thích hứng thú cho học sinh lớp 2. Hàng ngày, sau những giờ học, bên cạnh những đồ chơi có sẵn, học sinh cũng cần tự mình sáng tạo ra các đồ chơi lý thú cho bản thân. Để làm ra những đồ chơi đó đòi hỏi các em cần hiểu rõ quy trình làm ra sản phẩm, nắm được các kĩ thuật cắt, xé, dán, gấp hình… cơ bản trong môn Thủ công. Từ đó, các em sẽ sáng tạo và gấp được nhiều hình khác nhau.

Cách sử dụng phần mềm:

–         Tìm file có tên “Phần mềm ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2/ TH Cát Linh.swf”.

–         Vào trang chủ để link tới các trang con có chứa nội dung chi tiết.

 

–         Click chuột vào đề mục muốn chọn, nội dung của phần đó sẽ hiện ra.

VD: Chọn mục Bài học về gấp hình, nội dung cơ bản sẽ xuất hiện như sau:

 

– Chọn 1 bài trong các bài học của chương I – Kĩ thuật gấp hình, nội dung các bước trong bài học đó sẽ hiện ra theo thứ tự

Muốn kiểm tra đến bước nào trong quy trình của bài học, GV chỉ cần chọn vào bước thực hiện đó. Khi GV cho HS quan sát đến phần hoàn thiện sản phẩm (phần đã có tranh minh họa và âm thanh), GV có thể nhấn nút Back ở cuối font bên phải để trở lại các bước ban đầu và nhấn vào biểu tượng cây nấm để quay trở lại các bài học trong chương trình.

–         Phần mềm được sử dụng các phím trở đi, trở lại rất linh hoạt và hợp lí theo 3 giao diện lớn:

 

+  Giao diện giáo dục:

  • Nội dung bám sát sách giáo khoa.
  • Cách trình bày, diễn đạt xúc tích, đầy đủ, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. (khi quan sát các bước gấp, HS phải thể hiện được bằng lời các bước gấp đó và ngược lại).
  • GV có thể kiểm tra bài cũ hoặc tổ chức trò chơi học tập cho học sinh thông qua các bước thực hiện. (VD: GV yêu cầu HS nêu quy trình của 1 bước trong bài dạy hoặc yêu cầu HS đoán và thực hành nội dung của 1 bước bất kì.)

+  Giao diện kĩ thuật gấp hình:

  • Mỗi bài học đều có các bước gấp hình cụ thể, có chuyển động phù hợp theo không gian 2D, có các mũi tên chỉ dẫn để học sinh dễ dàng quan sát trực diện.

Sau từng bước gấp hình cụ thể là tổng quan nội dung bài học hoàn chỉnh để học sinh quan sát và nắm được kĩ hơn các bước cơ bản. (Các bước gấp hình trôi liên tục, không dừng lại ở từng bước cụ thể).

Để thực hành hiệu quả hơn, phần mềm cũng thiết kế thêm hoạt động để HS tương tác trên máy. HS có thể thao tác trực tiếp với chuột để tạo ra các nếp gấp cơ bản. Đây cũng là một phần quan trọng giúp các em nắm chắc kiến thức và tư duy tốt hơn trước khi thực hành các nội dung này trên giấy thủ công.

Các bước gấp hình cơ bản đã được thiết kế rõ nét, tường tận thành một quy trình tranh có chuyển động hoàn chỉnh với nhiều chọn lọc hợp lí cùng sự hướng dẫn của GV về các bước thực hiện, đặc biệt là các bước khó tưởng tượng, cần sự tư duy trong không gian. Các em sẽ biết xử lí và thực hiện các thao tác nhanh chóng, có hiệu quả. Thay vì những hình ảnh tĩnh và những dòng chữ hướng dẫn được ghi trong SGK, các em sẽ tự mình quan sát chuyển động của tờ giấy khi gấp và tự mình thử làm theo để xử lí các bước gấp khó một cách đúng và hợp lí nhất .

Có thể nói, đây là một giao diện lớn và quan trọng nhất trong phần mềm vì toàn bộ kiến thức học sinh cần nắm bắt đều được truyền tải trong mục này. Đặc biệt, HS không chỉ được quan sát các thao tác gấp hình mà còn được tương tác để tự sáng tạo ra các nếp gấp.

+  Giao diện hoàn thiện, trình bày sản phẩm:

Lồng ghép tranh cảnh vật xung quanh phù hợp với các sản phẩm đã hoàn thành kết hợp với âm thanh sống động, nhẹ nhàng.

Phần mềm “Ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2” ra đời có vai trò đặc biệt quan trọng, thiết thực trong quá trình hướng dẫn và thực hành tương tác kĩ thuật gấp hình cơ bản cho các em học sinh lớp 2. Sau khi phần mềm này được ứng dụng dạy thử đã đạt được những hiệu quả rất tốt. Học sinh hăng say, hứng thú học tập và bước đầu đã biết sáng tạo làm ra các sản phẩm thủ công dựa trên các kiến thức đã học.

Trên đây là một số nét chính của phần mềm “Ứng dụng kĩ thuật gấp hình môn Thủ công lớp 2” của cô giáo Lê Thị Thu Thủy – Trường TH Cát Linh. Mọi chi tiết xin truy cập vào website: http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 67, tháng 8/2015