Vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy Mỹ thuật

Vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy Mỹ thuật

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Nga– trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa đạt giải B cấp ngành với đề tài “Vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy Mỹ thuật”.

Việc áp dụng vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy môn mỹ thuật là một trong những kỹ năng không thể thiếu của giáo viên để dẫn dắt học sinh khai thác triệt để kiến thức bài học, đồng thời rèn luyện kỹ năng vẽ của cả thầy và trò.

Ảnh minh họa

Phương pháp vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy mỹ thuật

Để có thể vẽ minh họa nhanh cho tốt, giáo viên cần luyện cách quan sát và ghi nhận sâu đặc điểm cơ bản nhất của sự vật trong quá trình quan sát. Mục đích của việc ghi nhận sâu đặc điểm sự vật nhằm giải quyết việc tái tạo lại (vẽ lại).

Luyện tập quan sát: Lấy việc quan sát tổng thể làm trọng tâm.

Quan sát tổng thể một hình, một vật nào đó, ta phải qui được vật đó vào dạng hình gì đó cho dễ nhớ. Khi minh họa nhanh, ta coi như đã thuộc lòng (không cần có tư liệu trước mặt vẫn vẽ được nhanh và giống)

Ví dụ: Con gà, con vịt, con thỏ đều nằm trong hình quả trứng.

Vẽ minh họa nhanh: Vẽ minh họa nhanh bằng đường nét có ba nhóm

+Nhóm 1: Đồ vật có nét thẳng: Vẽ minh họa nhanh bằng nét thẳng

+Nhóm 2: Đồ vật có nét cong: Vẽ minh họa nhanh bằng nét thẳng

+Nhóm 3: Con vật cách điệu: Vẽ minh họa nhanh bằng đường nét

Chú ý:

-Cách vẽ minh họa tốt nhất là phải thuộc hình và nhớ hình. Những đặc điểm chính của đồ vật, con vật là những chi tiết điển hình hóa làm người xem phải công nhận.

-Vẽ minh họa nhanh cần vẽ mạnh dạn, không e dè và phải luyện tập nhiều để có những kỹ năng thành thạo.

*Vẽ minh họa nhanh bằng các hình học: Giáo viên cần vẽ sẵn và ước lượng khoảng cách giữa các hình để vẽ cho giống mẫu. Sau khi vẽ hình học chỉ cần thêm vài nét là giống mẫu định vẽ.

Ví dụ: Vẽ con vật: Xem hình dáng con vật nằm trong hình khối gì? Có đặc điểm gì điển hình nhất, sau đó vẽ phác sơ lược những nét chính.

Vẽ cây cối: Vẽ các nét chính của dáng cây, thân, cành hình chu vi của tán cây, mảng lá.

Vẽ hoa, lá, quả: Tìm dạng hình thích hợp, sau đó vẽ phác hình dạng đại cương rồi vẽ phác các đường viền của hoa, lá, quả.

Vẽ dáng người bằng nét gậy: Vẽ các nét chính của đầu, lưng, tay, chân sau đó vẽ quần, áo, đầu, tóc.

Áp dụng vẽ minh họa nhanh trong trường trung học cơ sở

Hệ thống kiến thức theo yêu cầu nâng cao dần trong từng khối lớp:

Để áp dụng vẽ minh họa nhanh có hiệu quả, trước hết người giáo viên phải hệ thống lại kiến thức theo yêu cầu nâng cao dần trong từng khối lớp. Lớp 6: Bước đầu biết được các dòng mỹ thuật cổ trong và ngoài nước; Hiểu thêm về các công trình mỹ thuật như kiến trúc, điêu khắc… Lớp 7: Sự khác biệt của nền mỹ thuật hiện đại. Sự đa dạng của phong cách, thể loại, chất liệu … Lớp 8: Hiểu biết về các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của Việt Nam và thế giới; Có ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản của nhân loại.

Phân loại các mảng kiến thức:

Sau khi hệ thống kiến thức theo yêu cầu từng khối lớp, phân loại kiến thức theo từng phân môn, định ra những bài nào cần vẽ minh họa và vẽ minh họa hình gì lên bảng.

Một số giáo án minh họa

Ví dụ 1:  Tiết 13, 14- Bài 13,14 Mỹ thuật 6.

Vẽ tranh theo đề tài: Đề tài chú bộ đội.

Giáo viên lựa chọn một số tranh ảnh về đề tài chú bộ đội: Bộ đội biên phòng, bộ đội pháo binh, bộ đội không quân… Mỗi tranh có bố cục và màu sắc, cách diễn tả tình cảm, thái độ, công việc của các chú bộ đội khác nhau: chân dung chú bộ đội, chú bộ đội đang hành quân, chú bộ đội với các em nhỏ, bộ đội về làng….

Phần đầu tiên của bài giảng, giáo viên cho học sinh tiếp xúc với hình ảnh chú bộ đội qua bài hát khởi động: “Vai chú mang súng chú hành quân trên đường xa…” để học sinh được tiếp cận với hình ảnh chú bộ đội ngay từ đầu tiết học. Từ bài hát giáo viên chuyển sang giới thiệu bài học mới, học sinh sẽ có ý thức tư duy bài học ngay.

* Phần quan sát, nhận xét:

Giáo viên chia nhóm, mỗi nhóm 6 em và có một nhóm trưởng. Các nhóm tự phân công công việc trong giờ học. Sau khi hoàn thành tổ chức các nhóm, giáo viên phát cho mỗi nhóm 3-5 tranh vẽ về chú bộ đội, yêu cầu các em quan sát, nhận xét bằng hệ thống câu hỏi giáo viên thuyết trình trước lớp:

+ Em thích nhất bức tranh nào?

+Vì sao em thích bức tranh đó? (Màu sắc, bố cục, hình mảng, đường nét…)

Học sinh thảo luận, chọn tranh xong, giáo viên cho treo tất cả tranh mà các em đã chọn lên để cả lớp cùng quan sát, nhận xét xem nhóm trưởng của các nhóm thuyết minh như vậy đã được chưa? Có đúng với suy nghĩ của mình hay không? (Như vậy phương pháp quan sát đã có tác dụng đến cả lớp. Các em thích học, thích được nêu lên suy nghĩ của mình). Sau khi các nhóm bổ sung ý kiến, giáo viên tiếp tục củng cố lại để các em hiểu bài sâu hơn, kỹ hơn.

*Phần giới thiệu cách vẽ:

Giáo viên đưa ra câu hỏi gợi mở để học sinh củng cố lại kiến thức về cách vẽ tranh đề tài:

-Vẽ một bức tranh đề tài gồm mấy bước?

-Đó là những bước nào?

Giáo viên tiếp tục hướng các em trở lại quan sát giáo cụ trực quan để phân tích tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của tranh vẽ theo đề tài. Lúc này, giáo viên cho học sinh quan sát, nhận xét tranh vẽ của các bạn và các họa sỹ thông qua hệ thống câu hỏi:

+ Bức tranh này vẽ về nội dung gì?

+ Hình ảnh chính được sắp xếp trong hình gì?

+ Hình ảnh phụ trong tranh đang làm gì?

+ Màu sắc trong tranh được vẽ như thế nào?

+ Các bức tranh vẽ về chú bộ đội có gì giống và khác nhau?…

Từ cách hướng dẫn quan sát cùng với việc vừa giới thiệu một số cách chọn nội dung đề tài, bố cục giáo viên vẽ minh họa lên bảng cho học sinh thị phạm trực tiếp, các em sẽ tự mình tìm ra được cách vẽ như thế nào?

*Phần thực hành: (Giáo viên cất tranh mẫu và xóa phần vẽ minh họa trên bảng)

Học sinh làm bài thực hành. Tự giác suy nghĩ tìm hiểu đề tài, chọn nội dung để thể hiện, không gò ép học sinh lệ thuộc vào sự hướng dẫn hay tranh mẫu.

Ví dụ 2:  Tiết 8- mỹ thuật 7.

Vẽ theo mẫu: Lọ hoa và quả (vẽ tĩnh vật màu).

*Phần chuẩn bị: Giáo viên lựa chọn một số tranh vẽ, ảnh chụp về tĩnh vật của họa sỹ và học sinh. Mỗi tranh có mẫu vật, bố cục, chất liệu, màu sắc diễn tả khác nhau.

– Chuẩn bị 2 mẫu vẽ giống nhau đặt trên giá, có vải nền.

-Hình minh họa các bước vẽ theo mẫu.

*Phần trình bày bài giảng:

Giáo viên treo một bức tranh tĩnh vật và một bức ảnh chụp tĩnh vật. Yêu cầu học sinh quan sát và nêu sự giống và khác nhau giữa 2 bức tranh, ảnh trên?

Học sinh quan sát và trả lời theo gợi ý của giáo viên. Giáo viên yêu cầu cả lớp nghe và bổ sung. Cuối cùng giáo viên kết luận, chốt lại kiến thức để học sinh nắm vững kiến thức bài học.

Tiếp theo giáo viên cho 2 nhóm học sinh lên bày mẫu.

Giáo viên gọi 3 học sinh ở 3 vị trí ngồi khác nhau trong lớp lên giới thiệu, nhận xét về đặc điểm của mẫu theo hệ thống câu hỏi gợi ý:

+ Mẫu gồm mấy vật? Đó là những vật nào?

+ Những vật đó được sắp xếp như thế nào? Có nhìn rõ từng vật không?

+ Hình dáng, màu sắc từng vật như thế nào? Chúng được làm bằng chất liệu gì?

+ Tỷ lệ lọ hoa so với quả?…

Học sinh quan sát mẫu và trả lời.

Phương pháp quan sát kết hợp với sử dụng đồ dùng trực quan giúp cho học sinh tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu đặc điểm của mẫu,  Các em nắm bắt đặc điểm của mẫu nhanh, chính xác. Đó là cơ sở để có những bài vẽ đẹp.

Ở phần hướng dẫn cách vẽ giáo viên cho học sinh quan sát tranh minh họa các bước vẽ, sau đó nhìn tranh nêu ra các bước vẽ. Khi học sinh trả lời xong giáo viên củng cố lại kiến thức cũ bằng cách vừa nghe giáo viên giảng, vừa quan sát giáo viên vẽ minh họa trên bảng.

Nhờ áp dụng phương pháp vẽ minh họa nhanh trong dạy học môn mỹ thuật, học sinh hiểu bài và nắm được bài ngay tại lớp. Biết cách làm bài theo yêu cầu của từng phân môn. Các em có nhận thức đúng về môn học trong cuộc sống, biết ứng dụng môn học vào thực tế. Thêm hiểu và trân trọng những tác phẩm, công trình mỹ thuật.

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Vẽ minh họa nhanh trong giảng dạy Mỹ thuật” của cô giáo Nguyễn Thị Nga– trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017