Tín hiệu vui trong lĩnh vực cấy, ghép tạng

Tín hiệu vui trong lĩnh vực cấy, ghép tạng

(GDTĐ) – Nhờ thành công của 2 ca ghép tạng xuyên Việt tại Bệnh viện (BV) Việt Đức đầu tháng 9 vừa qua, ngành y tế nước ta có thêm nhiều tín hiệu vui trong lĩnh vực cấy, ghép các bộ phận cơ thể người.

Trái tim vượt hơn 1.700km cứu người
Câu chuyện một lá gan, một trái tim được mang lên máy bay dân dụng, trải qua hơn 1.700km để cứu sống 2 bệnh nhân đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh” tưởng chừng là hy hữu. Vậy nhưng, với sự vào cuộc và phối hợp nhịp nhàng của 70 bác sĩ (BS) 2 BV Việt Đức và Chợ Rẫy, câu chuyện này đã có một cái kết “cổ tích”. Ngay chính những BS trực tiếp tham gia ghép tạng cũng không nói hết được sự phấn khởi khi bệnh nhân được cứu sống. GS.TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực (BV Việt Đức), người trực tiếp mổ lấy tạng của người cho và ghép chia sẻ, sau trọn một đêm không ngủ để thực hiện ca ghép, niềm vui như vỡ òa khi chỉ sau thời gian ngắn, quả tim đã đập trở lại và gan đã tiết ra mật. Cho đến thời điểm hiện tại, các chỉ số xét nghiệm của 2 bệnh nhân đã gần như bình thường, sức khỏe đã ổn định và có thể xuất viện khoảng 10 ngày tới. Thành công này một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực.

Ca ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức sáng 5/9.

Đáng mừng hơn cả từ thành công này là nhờ đó, ngành y sẽ mạnh dạn hơn cho việc chi ngân sách phục vụ các ca ghép tạng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã không ngần ngại khẳng định: Trong tương lai, khi xã hội phát triển hơn, số người tình nguyện hiến tặng tạng tăng lên, Bộ Y tế sẽ tính đến phương án đưa vào sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển tạng, thậm chí đầu tư cả máy bay trực thăng. Đặc biệt, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai kỹ thuật ghép phổi, đồng thời sẽ xây dựng khung giá về ghép tạng để Quỹ Bảo hiểm y tế cơ sở hỗ trợ người bệnh một phần chi trả. Mặc dù những điều này mới chỉ là kế hoạch đang được xem xét triển khai, nhưng với những bệnh nhân đang cần ghép tạng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp thêm hy vọng sống. Hơn ai hết, chính họ là người mong muốn không lâu nữa, lời của Bộ trưởng sẽ được hiện thực hóa.
Thay đổi nhận thức, nối dài yêu thương
Cách đây không lâu, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Ghép tạng Việt Nam đã được thành lập với mong muốn sẽ trở thành “cầu nối” trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia các hoạt động tuyên truyền vận động hiến tặng mô, bộ phận con người. Trước đó, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại BV Việt Đức (Hà Nội). Trung tâm thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Tại đây có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện.
Tuy nhiên, ngay tại BV Việt Đức, trung bình mỗi ngày có từ 2 – 3 trường hợp chết não có thể cho tạng, nhưng trong 5 năm qua, BV mới chỉ xin được 26 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc BV Việt Đức đã khẳng định, trình độ của các BS Việt Nam hiện ngang bằng với trình độ của thế giới. Tuy nhiên, vì sao ở Việt Nam hiện nay, những ca ghép tạng vẫn chưa nhiều? Đó chính là do tình trạng khan hiếm nguồn tạng cho. Hiện, danh sách chờ được ghép tạng đã rất dài và nhiều trường hợp bệnh nhân đã phải từ giã cõi đời bởi không thể chờ đợi được nguồn tạng.
Theo Phó Giám đốc BV Việt Đức Trịnh Hồng Sơn: “Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh, tuy vậy nguồn cho lại hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao”.
Chính vì vậy, để những người bệnh cần ghép tạng có thêm cơ hội sống, việc thay đổi nhận thức là điều thiết yếu. Như BS Sơn chia sẻ: “Tôi mong người dân hãy có cái nhìn thay đổi về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy biến đau thương thành hành động, hiến tạng để cứu sống nhiều người khác. Bởi dù một người đã mất nhưng một phần của cơ thể của mình vẫn còn có ích, còn được sống trong những người khác như là một sự nối dài yêu thương”.

Theo Kinh tế và Đô thị