Tiếp tục đổi mới kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT
(GDTĐ) – Mới đây, Thanh tra Bộ GD&ÐT đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT những năm gần đây (2015, 2016, 2017). Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của kỳ thi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người; Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), năm 2016 có 7 người… là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn nhưng cũng tham gia ôn luyện học sinh giỏi. Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi học sinh giỏi quốc gia lại khá ít như môn Ngữ văn (2 đề), Tin học (3 đề), Tiếng Pháp (4 đề)… Như vậy, với việc số lượng đề đề xuất ít, trong khi người liên quan ra đề lại đi tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển một số tỉnh, thành phố rất dễ dẫn đến việc lộ bí mật, thiếu khách quan trong kỳ thi.
Đồng thời, Thanh tra Bộ GD&ÐT chỉ rõ, danh sách người ra đề đề xuất không bảo đảm thể thức văn bản “tối mật” theo quy định. Danh sách người ra đề đề xuất không ghi ngày, tháng ban hành. Người ký không quy định về độ mật, số lượng in, phạm vi lưu hành, hình thức sao chụp, nhân bản, không đánh số trang, không đóng dấu độ mật… Cục Quản lý chất lượng cũng bị chỉ ra có hàng loạt thiếu sót, sai phạm trong tham mưu, ban hành văn bản. Trong đó, năm 2017, Cục đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GD&ÐT ban hành quyết định thành lập Hội đồng ra đề và Hội đồng chấm thi chung một quyết định, điều này không đúng với quy chế thi học sinh giỏi quốc gia. Ngoài ra, thành phần chấm thi cũng không đúng theo quy chế, có giám khảo chấm thi đồng thời lại tham gia chấm phúc khảo. Như vậy, các thầy vừa ra đề, vừa luyện thi, vừa chấm thi, vừa chấm phúc khảo… Thêm nữa, kế hoạch chấm thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016 không có số, không có ngày, tháng ban hành, chưa được Bộ trưởng GD&ÐT phê duyệt. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng ký quy định chấm thi ngày 16/1/2017 với chức danh Chủ tịch hội đồng chấm thi không đúng thẩm quyền…
Nhiều bài thi được nâng điểm
Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra hàng loạt sai sót khác như giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Kiểm tra xác suất chấm lần một của 27 bài thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017 cho thấy nhiều bài được nâng điểm. Quá trình chấm thi, trong “phiếu thống nhất” không có điểm của giám khảo 1 và giám khảo 2 nhưng lại có điểm thống nhất của hai giám khảo. Điểm trên phiếu thống nhất không giống như điểm được nhập vào máy tính. Quá trình chấm phúc khảo cũng không minh bạch, có sai phạm. Qua kiểm tra xác suất 4 bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo (2 bài môn Hóa học, 2 bài môn Sinh học) cho thấy không có biên bản mở, kiểm tra túi bài thi theo quy định; biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi.
Cụ thể, bài thi mã phách 04363402 của thí sinh tỉnh Thanh Hóa từ không có giải, sau khi phúc khảo được tăng điểm và đoạt giải ba (từ 11,5 điểm tăng lên 12,5 điểm). Trong biên bản chấm phúc khảo, việc tăng điểm được lý giải do cộng nhầm điểm nhưng khi kiểm tra thì không phải cộng nhầm mà do giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm thành phần vào bài thi bằng mực tím, trong đó riêng câu 6 tăng 0,5 điểm mà không rõ tăng thành phần nào.
Trở lại kì thi vừa qua, ngay sau khi kết thúc các môn thi, một số ý kiến cho rằng đề thi năm 2019 không được đầu tư kỹ, không phù hợp kỳ thi… Đề thi Toán được xem là quá khó, làm nản lòng người tài… Việc cán bộ hội đồng ra đề thi đi dạy bồi dưỡng, ôn luyện cho một số địa phương tiềm ẩn khả năng lộ bí mật, gây nên sự thiếu công bằng vẫn được xì xào từ nhiều năm qua. Hơn nữa, hệ thống văn bản của Bộ GD&ÐT ban hành không đúng với quy chế thi HSGQG. Đơn cử, điểm b, khoản 1, điều 38 của Quy chế thi HSGQG quy định chỉ lưu trữ bài thi của thí sinh và hồ sơ của hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo trong thời hạn 12 tháng liệu có hợp lý. Với quy định như trên thì sau thời gian 12 tháng, bài thi và một số văn bản coi, chấm, phúc khảo… sẽ được hủy thì sẽ chẳng còn gì để hậu kiểm việc coi thi, chấm thi nếu có nghi ngờ, phát hiện, tố giác sai phạm?
Sẽ không mời thầy ra đề luyện thi?
Trước thông tin về những sai phạm trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc tổ chức thi chọn HSGQG các năm qua vẫn còn hạn chế. Tuy vậy trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn HSGQG được Bộ triển khai thực hiện với nhiều đổi mới, kết quả phản ánh đúng chất lượng dạy học. Cụ thể, khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế được Bộ GD&ĐT triển khai với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan. Các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hằng năm làm tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong 5 năm liên tục (từ năm 2014 đến năm 2018), các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đã có tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.
Dù vậy, theo Cục Quản lý chất lượng, khâu tổ chức kỳ thi vẫn còn hạn chế, như một số đơn vị mời các thầy, cô giáo hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra những băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Nhận thấy những bất cập này, Bộ GD&ĐT đã đổi mới việc tổ chức kỳ thi, nhất là ở các năm 2017, 2018, 2019 bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi. Hạn chế tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề thi đề xuất và tham gia hội đồng ra đề thi, chấm thi. Khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc mời chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi tham gia ra đề thi, mở rộng thành phần ra đề đề xuất. Khâu soạn thảo đề thi và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để bảo đảm khách quan, công bằng; các đề đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân. Các khâu coi thi, làm phách, chấm thi, nhập điểm, xét giải… đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đơn cử như khâu chấm thi, tổ trưởng chấm thi của mỗi môn điều hành chấm bài thi phải thực hiện theo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập. Phiếu chấm cá nhân đều được gửi đến bộ phận thư ký photocopy niêm phong lưu giữ để xử lý khi có nghi vấn bất thường. Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để bảo đảm độ chính xác, khách quan của kết quả chấm thi.
Khâu soạn thảo đề và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để đảm bảo khách quan, công bằng. Các thành viên hội đồng ra đề tại khu vực cách ly biến đổi ít nhất 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Việc chấm thi các môn được thực hiện tập trung, có gắn camera giám sát 24/24. Dữ liệu được lưu 12 tháng, cần thiết có thể xem lại toàn bộ quá trình chấm. Cán bộ công an và thanh tra giám sát liên tục quá trình chấm thi.
Nguyễn Mỹ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 111, tháng 3/2019