Thận trọng khi sử dụng khăn ướt
(GDTĐ) – Sử dụng khăn ướt trong vệ sinh cơ thể là thói quen của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ. Không ít người coi đó là cách dùng thông minh, tiết kiệm thời gian, song không nhiều người biết rằng, lạm dụng khăn ướt vô tình gây các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang lẫn lộn thật, giả như hiện nay.
Lợi bất cập hại
Chị Nguyễn Hồng Nhung (huyện Thanh Trì) cho biết, khăn ướt với chị là vật bất ly thân – dùng lau mồ hôi, tẩy lớp trang điểm, thậm chí dùng cho mỗi lần… đi vệ sinh. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng là đối tượng tiêu thụ một lượng lớn khăn ướt mỗi ngày. Chị Lê Thị Quỳnh (phố Minh Khai) thường xuyên sử dụng khăn ướt để vệ sinh cho cậu quý tử gần 2 tháng tuổi, vì cho rằng mới sinh phải hạn chế dùng nước, và giấy ướt là biện pháp thay thế. Trung bình 2 tuần, chị dùng hết một gói giấy ướt 80 tờ. Chị khẳng định, đây là cách để “giải phóng sức lao động” cho những bà mẹ mới sinh con.
Tưởng chừng những chiếc khăn mềm mịn, trắng và nức mùi thơm như vậy sẽ an toàn tuyệt đối với người dùng. Vậy nhưng không ít trường hợp đã phải đến gặp bác sĩ vì thấy trên da xuất hiện những vết mẩn ngứa, bộ phận sinh dục bị đỏ tấy, thậm chí còn bị viêm đường tiết niệu. Nguyên nhân được phát hiện đều xuất phát từ việc sử dụng khăn ướt không đảm bảo vệ sinh. Hàng ngày, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một số trường hợp trẻ em bị mẩn đỏ ở vùng kín, hoặc dị ứng nhiều nơi trên cơ thể. Có bé gái bị viêm nhiễm vùng kín nặng, bỏ ăn, kêu đau do cha mẹ dùng khăn giấy ướt không đảm bảo trong quá trình dài.
Theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu chứa thành phần chất bảo quản Praben sẽ buộc thu hồi trước 30/7/2015, trong đó có nhiều sản phẩm là khăn ướt như WonderCare, TeenCare, WeCare… Dẫn chất Paraben trong giấy ướt với nồng độ nhất định khi sử dụng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới, gây độc cho gan, ảnh hưởng đến hệ sinh dục, có khả năng gây rối loạn hệ nội tiết, thậm chí gây ung thư vú ở nữ giới. Bên cạnh đó, do các nhà sản xuất thường dùng nhiều chất tạo hương thơm (thường là axít thơm mạch vòng như benzen) để tẩm ướp khăn ướt nên nếu lạm dụng loại khăn này có thể sẽ khiến kích ứng da, nhất là với làn da mỏng và nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Thật, giả lẫn lộn
Biết rõ tác hại của khăn ướt không đảm bảo, muốn tìm được nhãn hàng uy tín, chất lượng nhưng thị trường khăn ướt thật, giả lẫn lộn đang khiến người tiêu dùng hoang mang. Chẳng hạn, với 2 loại khăn ướt BabyCare và BabyWipes được bày bán tại nhiều cửa hàng ở cổng các bệnh viện, chợ cóc, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hình thức bên ngoài gần như giống nhau. Qua tìm hiểu được biết, BabyWipes là sản phẩm nhái của nhãn hàng Baby với giá bán rẻ hơn 2 lần, thậm chí nếu đặt hàng với số lượng lớn sẽ rẻ hơn 3 lần…
Theo các chuyên gia, khăn ướt thật được làm từ sợi bông, mềm, có độ thấm ướt tốt, trong khi hàng giả làm bằng chất liệu pha nilon. Các đơn vị làm nhái thường ăn gian kích cỡ, số lượng nên dù giá có rẻ hơn hàng thật nhưng người mua chẳng lợi về mặt kinh tế. Những vụ sản xuất khăn ướt nhái bị phát hiện gần đây cho thấy, có cơ sở sản xuất ngay tại nhà vệ sinh, tự pha hóa chất trong những thùng phuy lớn, khó mà kiểm soát được đã tẩm ướp những hóa chất gì.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo VSATTP TP Hà Nội mới diễn ra, ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thẳng thắn cho rằng, không chỉ khăn ướt mà giấy cuộn, giấy vệ sinh, ngay cả giấy ăn cũng chủ yếu được sản xuất thủ công, tập trung ở một số làng nghề nên chất lượng không thể đảm bảo. Đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP Hà Nội cũng cho biết, khung hình phạt với các cơ sở sản xuất giấy ăn, khăn ướt giả còn quá thấp, không có tính răn đe nên nhiều cơ sở đã bị xử phạt những vẫn tiếp tục sản xuất.
Cho đến nay, ngành y tế vẫn chưa có một quy chuẩn nào về chất lượng khăn ướt. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người sử dụng nên sáng suốt trong việc lựa chọn khăn ướt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được đăng ký chất lượng và được các bác sĩ khuyên dùng.
Theo các chuyên gia, cách phân biệt khăn ướt thật, giả cần chú ý mép hàn hai đầu bao bì của bịch khăn. Những loại khăn đóng gói trên dây chuyền tự động sẽ có mép hai đầu giống hệt nhau. Loại khăn đóng gói thủ công sẽ có hai mép khác nhau. Đặc biệt ở các cạnh của bịch khăn, nếu loại khăn đóng gói thủ công sẽ có 2 hoặc 4 gờ sắc như nếp gấp của tờ giấy chạy dọc thân bịch khăn giấy. Loại khăn giấy đóng gói tự động hoàn toàn sẽ không hề có nếp gấp 2 cạnh sắc như vậy. |
Trần Nga, Kinh tế và Đô thị