Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học Lịch sử lớp 4
(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ trích giới thiệu SKKN xếp loại B cấp Ngành năm học 2012-2013 của cô giáo Đào Thị Thúy Nga – Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai với đề tài: “Một số biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh trong dạy học Lịch sử lớp 4 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng”.
Ở lớp 4, học sinh mới được tiếp cận học phân môn Lịch sử nên chưa có nhiều hiểu biết và kiến thức về lịch sử dân tộc. Môn học chưa lôi cuốn, khó với học sinh do có nhiều kiến thức chưa được gần gũi. Để tạo hứng thú học tập cho học sinh thì việc sử dụng bản đồ – lược đồ, việc tổ chức trò chơi học tập sẽ giúp học sinh nhớ lâu những hình ảnh, những kiến thức lịch sử. Không những vậy, nó còn giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ cho học sinh, rèn luyện kĩ năng làm việc với bản đồ – lược đồ, tranh ảnh…
Rèn kĩ năng sử dụng bản đồ – lược đồ thông qua trò chơi học tập
Sử dụng bản đồ – lược đồ:
Giáo viên phải kết hợp chặt chẽ giữa việc giúp học sinh tìm tòi, lĩnh hội kiến thức với việc hình thành phát triển kĩ năng sử dụng bản đồ – lược đồ cho học sinh thông qua bài học. Giáo viên nên sử dụng bản đồ – lược đồ như một nguồn tri thức lịch sử quan trọng để từ đó học sinh khai thác kiến thức, rèn luyện kĩ năng. Đồng thời bản đồ – lược đồ phải được sử dụng thường xuyên trong mọi khâu của quá trình dạy học.
Để giúp học sinh có khả năng làm việc độc lập với bản đồ – lược đồ, trong quá trình dạy học, giáo viên cần chú trọng việc hình thành và phát triển ở học sinh một số kĩ năng sử dụng bản đồ – lược đồ như: xác định phương hướng, tìm và chỉ vị trí của các đối tượng lịch sử trên bản đồ – lược đồ, mô tả một đối tượng lịch sử dựa vào bản đồ – lược đồ.
Rèn luyện kĩ năng xác định phương hướng trên bản đồ – lược đồ:
Giáo viên yêu cầu học sinh thuộc và nhớ các quy định về phương hướng trên bản đồ – lược đồ. Với những bản đồ – lược đồ tỉ lệ lớn, ta thường quy ước: Phía trên bản đồ là hướng Bắc, phía dưới bản đồ là hướng Nam, bên phải là hướng Đông, bên trái là hướng Tây.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc rèn luyện kĩ năng sử dụng bản đồ – lược đồ của học sinh, giáo viên đưa ra các loại bài tập với nhiều hình thức như: Tô màu theo kí hiệu; vẽ mũi tên chỉ đường tiến quân để thể hiện diễn biến cuộc kháng chiến; dựa vào lược đồ thuật lại trận đánh; điền vào chỗ chấm; điền đúng – sai, khoanh vào đáp án đúng với nhiều góc độ khác nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần trên cơ sở yêu cầu học sinh quan sát một bản đồ, lược đồ cụ thể.
Rèn kĩ năng tìm và chỉ vị trí địa lí các đối tượng lịch sử trên bản đồ:
Khi hình thành kĩ năng tìm và chỉ vị trí của các đối tượng địa lí trên bản đồ, giáo viên chỉ cần đưa ra những bài tập yêu cầu học sinh dựa vào bảng chú giải và các kí hiệu, chữ viết trên bản đồ để xác định vị trí của Cổ Loa, Hoa Lư, Chi Lăng, Hội An, Thăng Long, Phố Hiến, ….
Giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách chỉ vị trí một đối tượng trên bản đồ như thế nào là đúng. Chẳng hạn: khi chỉ vị trí một dòng sông và nêu tên đến một dòng sông nào thì học sinh phải chỉ vào vị trí của dòng sông đó phải từ đầu nguồn xuống đến cửa sông, chỉ xuôi theo dòng nước chảy từ thượng nguồn đến hạ nguồn.
Rèn luyện kĩ năng đọc bản đồ – lược đồ:
Đọc bản đồ – lược đồ có 3 mức độ:
– Mức độ 1: Học sinh chỉ cần dựa vào kí hiệu ở bảng chú giải chỉ và đọc tên các đối tượng địa lí trên bản đồ – lược đồ (Ví dụ: Đây là sông Hồng, kia là sông Mã, đây là Thủ đô Hà Nội…..)
– Mức độ 2: Học sinh dựa vào bản đồ – lược đồ để tìm ra đặc điểm của đối tượng lịch sử.
– Mức độ 3: Học sinh vận dụng các kiến thức lịch sử đã có, xác lập các mối quan hệ về lịch sử để rút ra những điều mà trên bản đồ – lược đồ không trực tiếp thể hiện. Khi hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ – lược đồ, giáo viên đã giúp học sinh nắm được các bước tiến hành đọc bản đồ – lược đồ từ đơn giản đến phức tạp.
Rèn kĩ năng sử dụng sử dụng bản đồ – lược đồ trong việc tổ chức cho học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức của bài:
Với mỗi loại bản đồ – lược đồ đều có mục đích sử dụng và cách sử dụng riêng.
+ Lược đồ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
Lược đồ này không chỉ giúp học sinh xác định được địa phận của nước Văn Lang, kinh đô Văn Lang mà còn xác định được nơi đóng đô của nước Âu Lạc.
+ Lược đồ cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (năm 981):
Nội dung của lược đồ diễn tả cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn.
+ Lược đồ phòng tuyến sông Như Nguyệt (Sông Cầu):
Nội dung của lược đồ thể hiện hai nội dung chính: Cách bố trí phòng tuyến của quân ta và quân Tống trên hai bờ sông Như Nguyệt; Diễn tả trận chiến đấu quyết liệt giữa quân ta và quân Tống.
+ Lược đồ chiến thắng Chi Lăng:
Nội dung của lược đồ diễn tả vị trí địa lí hiểm trở của Ải Chi Lăng (Lạng Sơn) và diễn biến cuộc chiến đấu của quân dân ta tiêu diệt cánh quân cứu viện của Liễu Thăng, kết thúc 10 năm cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi.
+ Lược đồ Quang Trung đại phá quân Thanh: Lược đồ diễn tả hai nội dung: Các đạo quân Tây Sơn tiến ra Bắc vào Tết Kỉ Dậu 1789) để tiêu diệt quân Thanh; Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
Rèn kĩ năng sử dụng lược đồ thông qua trò chơi học tập:
Ví dụ: Bài 13: Nhà Trần và việc đắp đê (SGK – trang 39)
Ở bài này, giáo viên làm thêm các bộ thẻ chữ ghi tên các con sông mà nhà Trần đã đắp đê như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu, sông Mã, sông Cả,…
Giáo viên phát cho hai nhóm, mỗi nhóm một Lược đồ trống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, yêu cầu các nhóm điền tên các con sông mà nhà Trần đã đắp đê vào chỗ trống.
Giáo viên treo Lược đồ trống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, gọi hai nhóm (mỗi nhóm 4 học sinh) lên tham gia trò chơi thi tiếp sức trong thời gian 2 phút đính thẻ chữ với vị trí các con sông ghi trên thẻ cho phù hợp. Nhóm nào đính đúng và nhanh là nhóm đó thắng cuộc.
Giáo viên nhận xét và gọi một học sinh khác đọc lại để cả lớp ghi nhớ tên các con sông mà nhà Trần đã đắp đê.
Những phương pháp dạy học đặc trưng đối với những dạng bài cơ bản
Mỗi một dạng bài đều có những cách dạy và phương pháp dạy đặc trưng riêng. Bởi vậy, giáo viên cần tổ chức các hoạt động học tập nhằm tạo điều kiện cho học sinh độc lập suy nghĩ, tự tìm tòi, phát hiện kiến thức chứ không áp đặt những kết luận có sẵn. Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo viên không chỉ sử dụng các phương pháp diễn giải mà tổ chức bài học thành những vấn đề rồi dùng hệ thống câu hỏi, kích thích học sinh tích cực tìm tòi, tự phát hiện kiến thức một cách độc đáo, sáng tạo. Đó là phương pháp vấn đáp – tìm tòi. Phương pháp này giúp học sinh có thể lĩnh hội kiến thức một cách chắc chắn. Muốn sử dụng phương pháp này có hiệu quả, giáo viên xây dựng các câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, tránh những câu hỏi rườm rà, không có tác dụng phát triển tư duy của học sinh.
Ngoài ra, giáo viên còn sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, đưa ra các ý kiến khác nhau để học sinh trao đổi, thảo luận, lựa chọn, nêu ý kiến của riêng mình.
Sử dụng trò chơi trong dạy Lịch sử
Trò chơi đóng vai là một yêu cầu rất quan trọng đối với học sinh tiểu học khi tiếp nhận kiến thức lịch sử. Học sinh sống trong hiện tại, tiếp thu những kiến thức chung quanh mình, lại quá xa vời với sự kiện quá khứ nên các em không thể hình dung, tưởng tượng được những hình ảnh đã qua. Do đó, trong học tập lịch sử, học sinh thường rơi vào bệnh “hiện đại hóa lịch sử” tức là đem hình ảnh con người và sự kiện ngày xưa đặt vào hiện nay, như vậy các em sẽ không hiểu đúng lịch sử như nó đã tồn tại. Trong dạy học Lịch sử phải tìm cách cho học sinh “dường như” đang sống với sự kiện, con người quá khứ, cảm thấy như đang tham gia, chứng kiến sự kiện lịch sử; phải làm cho học sinh nhập “thân” với lịch sử để có những hình ảnh và rung cảm về quá khứ và do đó mới tích cực hành động trong hiện tại (trước hết là học tập, tu dưỡng đạo đức tốt). Việc tham gia trò chơi đóng vai sẽ làm cho lớp học sôi nổi hơn, sinh động hơn, học sinh hứng thú học tập hơn.
Giáo dục bảo vệ các di tích lịch sử cho học sinh
Thiết bị trong dạy học Lịch sử khá đa dạng song thiết bị chứa đựng nhiều thông tin về bảo vệ các di tích lịch sử là các tranh ảnh, băng đĩa hình, lược đồ – bản đồ. Vì nội dung tích hợp giáo dục bảo vệ các di tích lịch sử có thể là toàn bài, bộ phận hoặc liên hệ nên giáo viên đã rất chú ý khi lựa chọn thiết bị dạy học cho phù hợp với nội dung bài học để lồng ghép giáo dục bảo vệ các di tích lịch sử cho học sinh một cách tự nhiên, hứng khởi và gần gũi với cuộc sống của học sinh.
Đối với bản đồ – lược đồ: Tuy chưa có bản đồ – lược đồ riêng về giáo dục bảo vệ các di tích lịch sử nhưng các vấn đề về di tích lịch sử được thể hiện trên bản đồ – lược đồ khá phong phú. Hệ thống bản đồ – lược đồ giúp cho học sinh thấy được sự đa dạng của các di tích lịch sử, các vấn đề có liên quan đến di tích lịch sử (sức ép dân số, diện tích nhà ở tăng lên…).
Bằng những biện pháp cụ thể đã áp dụng như vừa nêu trên cũng như sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, sau một năm học, giáo viên và học sinh đã nỗ lực, hăng say học tập, không ngừng bổ sung vốn kiến thức, trau dồi thực hành rèn kĩ năng, sự hứng thú học Lịch sử của học sinh đã tăng lên rõ rệt. Học sinh thích học Lịch sử hơn, hầu hết các em đều rất hứng thú tham gia vào các tiết học Lịch sử, chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài và tích cực tham gia hoạt động thảo luận nhóm.
Trên đây là giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Đào Thị Thúy Nga – Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Mọi ý kiến đóng góp và thông tin chi tiết xem tại website http://khohoclieu.hanoiedu.vn
BBT (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 56, tháng 9/2014)