Tích hợp liên môn trong dạy thực hành bài làm văn thuyết minh ở lớp 10

Tích hợp liên môn trong dạy thực hành bài làm văn thuyết minh ở lớp 10

(GDTĐ) – Trong số này, Tạp chí GDTĐ trích giới thiệu chuyên đề: “Tích hợp liên môn trong dạy thực hành bài làm văn thuyết minh ở lớp 10 trung học phổ thông” của cô giáo Nguyễn Thu Nga, trường THPT Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội, đạt Giải nhì cấp Thành phố trong cuộc thi dạy học chuyên đề “Tích hợp kiến thức liên môn trong dạy và học nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn” do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

Ảnh minh họa

  • Đề bài:

Bạn Mai, một học sinh ưu tú của Hà Nội được thay mặt cho học sinh Việt Nam tham dự trại hè Thiếu niên Quốc tế tại Đức. Bạn bè quốc tế đều muốn nghe bạn Mai nói về Thủ đô nơi bạn sinh sống. Nếu là bạn Mai, em sẽ giới thiệu gì về Hà Nội. Hãy viết một bài văn thuyết minh về Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu dạy học

Học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học về làm văn thuyết minh để viết được một bài văn nhằm trình bày một cách chuẩn xác, hấp dẫn về một địa danh (danh lam thắng cảnh) theo một hình thức, kết cấu phù hợp. Học sinh cùng hợp tác xây dựng chiến lược để trình bày và thuyết trình về một vấn đề. Kết hợp tốt các thao tác: sử dụng công nghệ khi trình bày, trình bày trước tập thể lớp, lắng nghe, phản biện, đánh giá và rút ra kết luận. Vận dụng các kiến thức liên môn để làm bài:

+ Lịch sử: nguồn gốc, lịch sử đấu tranh và hình thành.

+ Ngữ văn: sử dụng từ ngữ, phương thức biểu đạt phù hợp cho bài văn.

+ Địa lí: vị trí địa lí, địa hình, đặc điểm phát triển kinh tế.

+ Giáo dục công dân: lòng yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, con người.

+ Tin học: dùng CNTT để thực hành cho bài thuyết minh.

Ý nghĩa của chuyên đề

Trong quá trình dạy học tích hợp liên môn vào giờ thực hành làm văn thuyết minh, giáo viên đã có sự lựa chọn chủ đề này để cho học sinh kết hợp được các thao tác thuyết minh đã học ở cấp THCS như các bài lí thuyết về văn thuyết minh lớp 8. Mặt khác, những kiến thức đã học từ cấp THCS mà học sinh đã được tích lũy như địa lí địa phương, lịch sử địa phương lớp 9, học sinh đã được tìm hiểu về Hà Nội nên ở phần làm bài này, học sinh có thể sử dụng để nhớ lại kiến thức.

Bên cạnh việc tích hợp liên môn: Địa lí, Lịch sử, Văn học vào bài, học sinh còn có thể tích hợp phân môn Giáo dục công dân bởi qua bài thuyết minh này học sinh bồi dưỡng thêm lòng yêu thủ đô, niềm tự hào là người Hà Nội với nét văn hóa nghìn năm văn vật. Học sinh cũng có thể liên môn với phần học môn Tin học để phát triển thêm năng lực sử dụng tốt công nghệ thông tin trong việc chuẩn bị bài trình chiếu Power Point và khai thác thông tin trên Internet giúp các em chủ động hơn trong quá trình học tập.

Kiến thức liên môn tạo điều kiện cho học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo; giáo dục thêm những hiểu biết về quê hương đồng thời giúp học sinh ý thức hơn việc học phải đi đôi với hành; rèn luyện các kĩ năng giải quyết tình huống trong cuộc sống và ứng dụng vào thực tế đời sống.

Quá trình kiểm tra đánh giá của giáo viên cũng có sự đổi mới phương pháp, tích hợp hoạt động của giáo viên và học sinh để cùng nhau trao đổi thảo luận về một chủ đề thay vì chỉ kiểm tra viết bài như thường lệ với phần làm văn thuyết minh.

Tiến trình dạy học

  • Giáo viên nêu vấn đề và giao việc cho học sinh:

Hãy thuyết minh về Thủ đô Hà Nội

Nhóm 1- Lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội.

Nhóm 2-  Địa lí Hà Nội.

Nhóm 3 – Kinh tế và văn hóa của Hà Nội.

Nhóm 4-  Con người Hà Nội.

  • Giáo viên: Phổ biến cách thức thuyết trình, các bước thảo luận (5 phút đầu giờ)

* Phần thuyết trình

Từng nhóm cử đại diện thuyết trình về vấn đề đã chuẩn bị (10 phút trình bày).

Một hoặc nhiều thành viên tham gia thuyết trình (khuyến khích sự phối hợp của các thành viên), mỗi nhóm phân công 1 thành viên kết hợp sử dụng công nghệ hỗ trợ cho phần thuyết trình miệng.

Các nhóm khác ghi chép, đặt các câu hỏi thảo luận (Các câu hỏi càng chất lượng càng có điểm cao. Khống chế mỗi nhóm 1 câu hỏi cho nhóm đang thuyết trình).

Nhóm thuyết trình cử thành viên ghi câu hỏi và trả lời (10 phút cho hỏi và trả lời).

* Phần thảo luận:

–      Nhóm 1:

Hỏi: Các mốc son lịch sử ghi dấu tên Thủ đô Hà Nội qua những lần thay đổi có ý nghĩa gì?

Đại diện trả lời: Tên Thủ đô Hà Nội thay đổi qua các thời kì có ý nghĩa đánh dấu bước phát triển của Thủ đô theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn là một mốc son chói lọi ghi dấu sự lớn lên, trưởng thành của Thủ đô đã nghìn năm tuổi.

–      Nhóm 2:

Hỏi: Địa lí Hà Nội có những điều kiện thuận lợi gì cho sự phát triển của thành phố?

Đại diện trả lời: Thành phố Hà Nội có vị trí và địa thế thuận lợi cho một trung tâm chính trị, kinh tế, vǎn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam. Khí hậu Hà Nội khá tiêu biểu cho kiểu khí hậu Bắc bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ấm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít. Hà Nội có đủ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Bốn mùa thay đổi làm cho thời tiết Hà Nội mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng. Mùa tham quan du lịch thích hợp nhất ở Hà Nội là mùa thu.

–      Nhóm 3:

Hỏi: Kinh tế Hà Nội có điểm mạnh gì nổi bật?

Đại diện trả lời: Với sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, Hà Nội chỉ còn giữ vị trí quan trọng thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2010, Hà Nội được xếp thành phố toàn cầu loại gam­ma+.

–      Nhóm 4:

Hỏi: Tại sao xưa ta hay có câu hát “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về người Hà Nội?

Đại diện trả lời: Câu ca có thể được hiểu là thơm như hoa nhài và thanh lịch như người Tràng An, suy ra đức tính thanh lịch của người Tràng An được ví như hương thơm của hoa nhài, là người Tràng An phải thanh lịch, cũng như hoa nhài  phải thơm. Là người Tràng An ở đâu cũng gắn bó mật thiết với đức tính thanh lịch, như một sự tất yếu không thể phủ nhận được, giống như mùi thơm của hương hoa nhài.

*  Sau khi học sinh thảo luận, giáo viên nhận xét, cho điểm.

Sau khi tiến hành thực nghiệm giờ học thực hành làm văn thuyết minh bằng hình thức thảo luận, thuyết trình cùng với các phần phản biện của các nhóm trong một lớp học và kiểm tra đánh giá kết quả sau giờ học, giáo viên đã có sự so sánh giữa bài viết thực hành làm văn thuyết minh tiến hành theo phương pháp cũ, kiểm tra viết và bài thực hành làm văn thuyết minh tiến hành theo phương pháp đổi mới. Kết quả đã có sự khác biệt rõ rệt. Số lượng học sinh làm văn thuyết minh tiến hành theo phương pháp đổi mới đạt điểm giỏi và khá nhiều hơn hẳn so với làm theo phương pháp cũ. Qua đó có thể khẳng định áp dụng dạy học Làm văn lớp 10 nói riêng và môn Ngữ văn nói chung theo quan điểm tích hợp liên môn là cần thiết cho sự đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo chủ trương mà Bộ GD&ĐT đã đề ra cho năm học 2013-2014 và thực hiện trong lộ trình 15 năm tới.

Trên đây là bài giới thiệu sơ lược về chuyên đề vận dụng tích hợp liên môn vào dạy học phần thực hành làm văn thuyết minh trong chương trình Ngữ văn 10. Bạn đọc muốn hiểu rõ hơn về chuyên đề này xin liên hệ với cô giáo Nguyễn Thu Nga, trường THPT Ngọc Hồi – Thanh Trì – Hà Nội.

Ban biên tập (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 55, tháng 8/2014)