Sáng tạo bảo tồn nét đẹp tinh hoa

Sáng tạo bảo tồn nét đẹp tinh hoa

(GDTĐ) – Đến thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vào những ngày cuối năm, thấy vui lây niềm vui của những người dân nơi đây. Không khí Xuân đã lan tỏa khắp trong làng, ngoài ngõ. Các gia đình hối hả chuẩn bị hàng phục vụ Tết. Đôi bàn tay khéo léo tài hoa của những người thợ đang trau chuốt cho từng sản phẩm thêm đẹp đẽ, tinh tế với ước nguyện làm sao để làng nghề được bảo tồn và ngày càng phát triển.

 

Độc đáo những sản phẩm từ mây tre

Theo truyền thuyết, thủa xưa Phú Vinh có rất nhiều cò tụ tập, sinh sống thành đàn. Lông cò rụng trắng xóa một vùng nên có người đem nhặt về tết thành mũ, nón để dùng. Sản phẩm mũ lông cò vừa bền lại đẹp nên được nhiều người ưa chuộng tìm mua và dần dần phát triển thành nghề đan mũ lông cò. Về sau khi lông cò ít dần, người đan mũ chuyển sang các nguyên liệu khác như mây, tre để đan thành nhiều mặt hàng như rổ, rá, làn… Từ đó (khoảng thế kỷ 17), ở Phú Vinh đã hình thành nên làng nghề mây, tre đan.

Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay. Để sản xuất các sản phẩm mây tre, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều bước từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu đến chế tác sản phẩm. Nếu nguyên liệu là tre thì phải được phơi tái sau đó cho vào bể ngâm hóa chất chống mối mọt trong 10 ngày rồi vớt ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi khô. Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu. Sau khi hun, tre được đưa ra khỏi lò, để nguội rồi uốn thẳng và chuốt nan tre. Nếu nguyên liệu là mây thì phải trải qua 2 công đoạn trong kỹ thuật chế biến là phơi sấy và chẻ mây. Công đoạn phơi sấy mây phải đúng kỹ thuật nếu không mây sẽ bị đỏ và mất vẻ óng mềm. Sau khi phơi sấy, mây được cắt thành từng đoạn dài 3m, nắn thẳng rồi được chẻ thành các sợi đều nhau để đan. Màu sắc của các sản phẩm mây tre đan rất phong phú, có thể là màu nguyên thủy của mây tre hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU.

Từ những sản phẩm đơn giản ban đầu để phục vụ nhu cầu cuộc sống như rổ, rá, làn… theo thời gian, với sự tâm huyết, óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, các nghệ nhân trong làng đã sáng tác thêm được nhiều sản phẩm làm phong phú bộ sưu tập của làng nghề truyền thống. Hiện nay, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh có tới gần 300 trăm mẫu mã, chủng loại khác nhau từ đĩa mây, lẵng mây, chậu mây, bát mây, những đồ vật như bàn ghế, bình hoa, đến các sản phẩm đồ lưu niệm, trang trí, có loại đòi hỏi kỹ thuật cao như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây – sự kết hợp giữa tinh hoa của gốm sứ Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới và rất được các du khách đến từ Nhật, Mỹ, Đức, Pháp… ưa thích.

Tâm huyết của những nghệ nhân nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

Đầu năm 1988, nghề mây tre đan ở Phú Vinh đứng trước nguy cơ suy thoái, nhiều người đã bỏ nghề vì không có công ăn việc làm. Nhờ có sự nỗ lực của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, những năm đầu thế kỷ 21, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã thực sự khởi sắc.

Căn nhà của gia đình nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh nằm trong một con ngõ nhỏ giữa làng nghề Phú Vinh. Trên diện tích chưa đầy 200m2, đây vừa là nơi sinh sống của cả gia đình ông, vừa là xưởng sản xuất của công ty. Công ty được ông và con trai -nghệ nhân trẻ Nguyễn Phương Quang thành lập với gần 20 lao động. Cũng tại nơi này, nhiều sản phẩm, mẫu mã mây tre đan được gia đình nghệ nhân Tĩnh lưu giữ, trưng bày, giới thiệu tới du khách gần xa.

Cần mẫn sấy khô những chiếc giỏ mây, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: với bất kỳ một công việc gì, một công đoạn nào, từ đơn giản đến khó nhất của một sản phẩm mây tre đan, chúng tôi đều phải làm với sự say mê và cẩn trọng, có như vậy, thì mới truyền dạy cho người khác được. Từ những sợi mây óng chuốt, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã kết nên biết bao tác phẩm tuyệt diệu, thể hiện sinh động cảnh sóng nước, mây trời, chim bay, cá lượn, cây cỏ, hoa lá… Theo ông, nghề mây, tre cũng như các nghề thủ công khác, chỉ thành công khi nào làm ra những sản phẩm có hồn. Khi cần sợi mây đan đôi chim bay, chợt nhìn thấy chim vỗ cánh bay. Càng ngắm càng thấy chim đang vỗ cánh bay cao dần. Với hoa cũng vậy, làm sao để người ta nhìn, càng nhìn càng thấy hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung đang trau chuốt sản phẩm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tâm sự: Hơn 40 năm trong nghề, suốt những năm qua, không lúc nào ông thôi trăn trở không chỉ vì sự phát triển sản xuất kinh doanh của gia đình mà còn vì sự trường tồn của làng nghề trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế. Vì vậy, ông đã phải bỏ rất nhiều công sức cho việc tìm tòi làm thế nào để sáng tạo ra những sản phẩm vừa độc đáo, vừa mang đậm nét văn hóa Việt Nam đồng thời phải có tính ứng dụng cao. Chính vì vậy có những sản phẩm của ông, từ lúc ấp ủ ý tưởng sáng tạo đến lúc thành thành phẩm thường phải mất hàng năm trời. Thậm chí có bộ sản phẩm ông làm trong hơn 2 năm như sản phẩm “Gia đình nhà ốc” gồm có 6 con ốc đã được trao giải nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ  5…

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi làm nghề mây tre đan Phú Vinh từ nhỏ, đam mê nghề truyền thống, với mong ước để gìn giữ và phát triển làng nghề, năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1953) đã mạnh dạn thành lập công ty, đầu tư nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung sản xuất những mặt hàng thiết yếu, những sản phẩm mỹ nghệ trang trí tinh xảo đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, đưa máy móc vào sản xuất để giảm ngày công lao động, giúp làng nghề đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, các sản phẩm mây tre đan của công ty còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Đức… Đơn hàng ngày một nhiều, mỗi năm mang lại cho công ty thu nhập trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng và khoảng 300 lao động thời vụ. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, để phát triển bền vững, định hướng phát triển của công ty là hướng tới những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, chất lượng cao.

Không dừng lại ở đó, năm 2007, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung tiếp tục thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh nhằm đào tạo ra những người thợ có tay nghề cao. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đào tạo miễn phí cho gần 5.000 lao động ở Hà Nội và các tỉnh khác như Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Tuyên Quang… trong đó có hơn 1.000 người bị khuyết tật. Nhiều người đã thành nghề, có công ăn việc làm với thu nhập ổn định, có nhiều người thành đạt, làm giàu từ nghề mây tre đan.

Khi được hỏi về những mong muốn của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Hiện nay khâu khai thác chế biến nguyên liệu đã được áp dụng công nghệ mới là những thiết bị bán công nghiệp hỗ trợ đảm bảo năng suất, vì vậy, làng nghề rất cần những công nghệ mới. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn các cơ quan nhà nước có chính sách xúc tiến thương mại, có kênh thông tin thị trường và chú trọng trong phát triển du lịch làng nghề. Còn nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh bày tỏ, mong ước của ông là sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh luôn được ưa chuộng trên thế giới. Ông cũng mong rằng thế hệ thanh niên trẻ của Phú Vinh gắn bó say mê và có tâm huyết gìn giữ và phát triển nghề. Tuy nhiên, để mong ước đó trở thành hiện thực, không chỉ là trách nhiệm của cá nhân ông mà còn cần có sự chung sức của các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh.

Nhờ có nghề truyền thống, Tết của người dân Phú Vinh ngày càng tươm tất, đủ đầy hơn… Mong sao ước nguyện của những nghệ nhân nơi đây thành hiện thực để làng nghề truyền thống của dân tộc mãi được bảo tồn và phát triển.

Võ Long – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 97+98, tháng 1,2/2017