Cách mạng công nghiệp và cơ hội hội nhập của giáo dục Việt Nam

Cách mạng công nghiệp và cơ hội hội nhập của giáo dục Việt Nam

(GDTĐ) – Cách mạng khoa học – kỹ thuật (hay gọi khác đi là cách mạng công nghiệp) là tiến độ thay đổi hệ thống kiến thức khoa học kỹ thuật trong quá trình phát triển của xã hội chúng ta. Xã hội loài người đã trải qua hai giai đoạn Cách mạng khoa học – kỹ thuật lớn: Cách mạng khoa học – kỹ thuật gắn với phát triển công nghiệp vào thế kỷ XVIII – XIX và Cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại diễn ra từ năm 1940 đến nay. Hai giai đoạn lớn này đạt được nhiều thành tựu, tác động mạnh mẽ đến đời sống và kinh tế – xã hội của thế giới, đặc biệt là cuộc Cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại từ năm 1940 đến năm 1970 và tiếp theo từ năm 1970 đến nay. Thực tế chứng minh, cách mạng công nghiệp là một cuộc thay đổi toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, từ điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và kỹ thuật.

Mục tiêu mới cho sự phát triển của đất nước

Tác động của cách mạng công nghiệp là vô cùng sâu rộng. Không chỉ làm thay đổi cuộc sống con người, các cuộc cách mạng công nghiệp còn dẫn tới sự thay đổi toàn diện hình thái kinh tế – xã hội. Sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, chủ nghĩa tư bản đã thắng thế chế độ phong kiến. Sau cách mạng công nghiệp lần thứ hai, chủ nghĩa tư bản độc quyềnthay thế chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, đồng thời chủ nghĩa xã hội hình thành. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Và cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn sẽ làm thay đổi hình thái kinh tế – xã hội của nhân loại thêm một lần nữa. Các hệ thống trí tuệ thông minh nhân tạo dần thay thế con người trong nhiều hoạt động sản xuất, những vật liệu mới được phát minh đã cải tiến được các sản phẩm và nâng cao mức sống. Các phát minh mới về năng lượng giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ cũng như mô hình sản xuất điện năng truyền thống.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Cách mạng công nghiệp hay cách mạng khoa học – kỹ thuật các giai đoạn (như chúng ta đã quen thuộc với thuật ngữ“cách mạng công nghệ 4.0” hiện nay) đều nhằm thúc đẩy xã hội phát triển cao hơn.Toàn thế giới đang hướng tới xã hội 5.0. Để có thể phát triển một xã hội “siêu thông minh” 5.0 thì đòi hỏi đầu tiên là trình độ phát triển của quốc gia đó đã đạt ở một mức độ nhất định, điều này phù hợp với các nước phát triển cao như Nhật Bản, các nước khối EU, Mỹ… Nói cách khác, muốn xây dựng một “xã hội 5.0” thì phải thực hiện thành công cuộc “cách mạng công nghệ 4.0”.Cách mạng trong sản xuất công nghiệp là cách mà chúng ta chuẩn bị để hướng tới phục vụ lợi ích cho con người ở mức độ cao nhấtvà “đỉnh cao” của cuộc cách mạng công nghiệp đó là sự ra đời của một “xã hội mới”. Đây là thách thức vô cùng lớn cho các nước đang phát triển và kém phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam nói riêng và nhiều nước nói chung, không hẳn là không có cơ hội.

Theo thống kê năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có đến hơn 50 triệu người dùng internet, đạt trên 53% tổng dân số, trong khi con số trung bình của thế giới chỉ là 46,64%. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi cho Việt Nam, vì đối với một xã hội “thông minh”, các cơ sở cho sự kết nối phải phát triển ở mức độ cao, đặc biệt là internet. Internet là một trụ cột tối quan trọng trong nội dung phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Đây là một thuận lợi đầy “may mắn” cho Việt Nam tại thời điểm này.

Thời gian gần đây, Việt Nam đã đầu tư rất lớn cho mạng lưới viễn thông hiện đại với mức độ bao phủ hầu như toàn lãnh thổ, (điển hình mạng viễn thông 3G, 4G – 3th, 4th generation – đã phủ sóng 99% quận huyện và Việt Nam là một trong những nước triển khai phủ sóng quy mô lớn và sớm nhất), các nguồn năng lượng như mạng lưới điện quốc gia, hệ thống các nhà máy thủy và nhiệt điện… cũng đảm bảo được an ninh năng lượng cho các nhu cầu sản xuất ngày càng lớn của đất nước. Cơ sở giao thông có sự phát triển vượt bậc và ngày càng hiện đại, đồng bộ… Toàn bộ các yếu tố trên sẽ là cơ sở để chúng ta thực hiện một cuộc “cách mạng” mới trong sản xuất và cả bộ mặt xã hội.Đặc biệt, Việt Nam rất nhạy bén với hướng phát triển mới, từ chính phủ đến các doanh nghiệp, từ viện nghiên cứu đến các giảng đường đại học đều cố gắng nắm bắt cơ hội.Khái niệm cách mạng công nghiệp và song hành với đó là thành quả về mộtxã hội tiến bộ đang được phổ biến rộng rãi. Chúng ta cũng bắt đầu đưa ra những chiến lược phát triển mà trọng tâm là các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ cao, thúc đẩy các lĩnh vực của nền kinh tế tri thức như công nghệ điện tử, vật liệu mới… Đây là ưu thế “tiên phong” lớn so với nhiều nước khác. Điều này thể hiện rất rõ ở việc thu hút đầu tư vào trong lĩnh vực giá trị lớn và khó khăn như công nghiệp chế tạo ô tô, hàng điện tử, điện thoại, phần mềm máy tính…

Sự quyết tâm của Việt Nam thể hiện rõ trong việc đẩy mạnh thực hiện song song chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đồng thời đi tắt đón đầu những hướng phát triển có tính thời đại để tự tạo ra cơ hội phát triển cho chính mình.Dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trình độ phát triển còn lạc hậu so với nhiều nước, chúng ta đang nỗ lực cơ hội nắm bắt xu hướng phát triển một cách hiệu quả và nhanh nhạy. Đất nước sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0 trong niềm tự hào và thành quả mà nhân dân thụ hưởng sẽ là “xã hội 5.0” – đỉnh cao của sự nỗ lực to lớn đó.

Cách mạng khoa học – kỹ thuật với nền giáo dục

Giáo dục Việt Nam hiện đang đồng hành cùng các lĩnh vực khác trong sự phát triển chung của xã hội. Trước đây, ngànhGiáo dục quan tâm nhiều việc dạy, thầy dạy là trung tâm, trò quen học theo mô hình đọc chép thì nay, các thầy cô đã thực hiện bài giảng linh hoạt hơn. Số lượng giáo viên tham khảo tài liệu qua kho dữ liệu google rất nhiều.Các thầy cô tham gia giảng trên TV, đưa bài giảng lên YouTube và số lượng người học online tăng nhanh.

học sinh tiếp cận giáo dục STEM

Nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21, chúng ta chứng kiếnsự chuyển mìnhcủa cải cách giáo dục theohướng “lấy học trò làm trung tâm”, tập trung chuyển từ việc “dạy” sang việc “học”. Các lớp học tương tác nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, học sinh đã tích cực chủ động hơn. Nhưng do nhiều nguyên nhân về chi phí, môi trường sư phạm hạn chế về công nghệ nên lớp học vẫn theo dạng một thầy nhiều trò, chung một chương trình.Giáo dục trong cách mạng công nghệ 4.0 sẽ hướng sự tập trung đến việc học cá nhân hóa triệt để hơn.Với sự ra đời của hàng loạt nội dung học tập số hóa, học sinh và sinh viên có thể lựa chọn nội dung học tập cho phù hợp với mục tiêu của mình. Các hệ thống học tập số hóa cũng giúp việc đánh giá có tính thích ứng hơn, cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp theo.Trí tuệ nhân tạo được đưa vào sẽ giúp thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho người học và người dạy.Mỗi học sinh, sinh viên sẽ có lộ trình học tập riêng. Thầy cô giáo sẽ dịch chuyển vai trò, từ người thuyết giảng sang nhiệm vụ hỗ trợ học tập và huấn luyện (coach) là chính, giúp người học phát triển năng lực hữu ích phục vụ mục tiêu học tập của từng người.Các công nghệ thực tế ảo sẽ giúp người học được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng tốt hơn trước. Trong một tương lai không xa, nền giáo dục 4.0 sẽ hiện thực hóa mong ước mỗi người một chương trình, nền giáo dục cho một người (Education of One) giống ngày nay người ta hay nói về thị trường một người (Market of One).

Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ không bắt đầu ở Việt Nam nhưng thế giới ngày nay đã kết nối chặt chẽ nên giáo dục Việt Nam hoàn toàn có cơ hội hội nhập và cùng phát triển, phạm vi tác động của 4.0 đến với chúng ta nhanh và trực tiếp hơn.

TS.Trần Chi Mai – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019