Phổ điểm tiếp tục tăng cao

Phổ điểm tiếp tục tăng cao

(GDTĐ) – Chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào ĐH, CĐ. Song ghi nhận của phóng viên ngày 18/8 tại các trường, thí sinh (TS) vẫn tiếp tục nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Thí sinh chờ rút hồ sơ tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trưa ngày 18/8

Bố trí nhân lực, giải quyết nhanh
Thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các trường đều bố trí thêm nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ tuyển sinh trong 3 ngày “nước rút”. “Đối phó với tình hình TS rút và nộp hồ sơ quá đông, chúng tôi đã lên kế hoạch bố trí đủ đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để giải quyết nhanh, gọn. Ngoài ra là đội ngũ sinh viên tình nguyện làm công tác tư vấn, hỗ trợ. TS đến rút hồ sơ, chỉ cần đọc mã số của mình sẽ lấy được ngay” – ông Lê Quốc Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho biết.

Đến thời điểm này, ĐH Hà Nội nhận được khoảng trên 3.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi tổng chỉ tiêu là 1.900. Mỗi ngày, lượng hồ sơ rút ra là vài trăm và nộp vào cũng chừng ấy. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, tính đến sáng 18/8 cũng đã nhận được gần 4.000 hồ sơ, trong khi số chỉ tiêu là 3.500.
Thông tin từ các trường top trên cho thấy, số lượng hồ sơ nộp vào đều cao hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu. Những ngày cuối, hồ sơ đăng ký thường có điểm cao hơn trong danh sách TS đã nộp. Đây là tình hình chung ở cả 4 NV ngành đăng ký của TS, cũng như các ngành của trường. Ví dụ, TS đạt 32 điểm mới đỗ vào ngành Ngôn ngữ tiếng Anh, những bạn 31 điểm của ngành này bị đẩy sang NV2 ngành Ngôn ngữ tiếng Pháp và những bạn nằm ở top cuối ngành Ngôn ngữ tiếng Pháp bị đẩy sang ngành đăng ký NV3. Với sự biến động liên tục của hồ sơ nộp vào – rút ra, các trường rất khó dự kiến điểm chuẩn cho từng ngành. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Hạnh cho biết: “Ngày 17/8, có người lấy bảng danh sách thống kê điểm của trường trên website, sau đó dùng một công cụ tính toán đưa ra thông số điểm không đúng với thực tế. Điều này khiến nhiều TS điểm cao đến rút hồ sơ. Chúng tôi đã yêu cầu chủ nhân của facebook này đóng bài viết đó lại và hôm nay tình hình trở lại bình thường. Mỗi ngày có khoảng 50 – 100 em rút hồ sơ, nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Không biết nộp hồ sơ vào đâu
Chiều 18/8, đã có thêm một số trường công bố phổ điểm chuẩn dự kiến so với chỉ tiêu của từng ngành. Qua đây, TS có thể biết mình nằm trong top an toàn hay nguy hiểm để đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi thế, sáng qua, tại ĐH Thăng Long có những phụ huynh đến tìm hiểu ngành, điểm TS đã nộp để tính “đường lui” cho con nếu ngày 19/8 không nằm trong top an toàn của trường top trên. Song lại có nhiều phụ huynh không biết “cho con đi đâu”. Gần 12 giờ trưa ngày 18/8, một phụ huynh đến từ huyện Mê Linh (Hà Nội) ngồi ở khu vực đăng ký xét tuyển của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết: “Cháu nhà tôi được 21,5 điểm, đăng ký vào ngành Kỹ thuật điện – điện tử, nhưng trượt rồi. Bố con tôi đang ngồi chờ rút hồ sơ, nhưng không biết sẽ nộp vào đâu”. Mẹ con TS Nguyễn Thị Huyền thì lại “quyết định liều” cho xong việc. Huyền được 23 điểm, lúc đầu đăng ký ngành Công nghệ thông tin (CNTT) (không đăng ký NV 2, 3, 4) nhưng điểm trúng tuyển tạm thời lên tới 23,25, nên phải rút hồ sơ và sẽ tiếp tục phải chạy nước rút…
Theo PGS Lê Hữu Lập – người phát ngôn báo chí của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, những TS nộp hồ sơ vào ngày áp chót có điểm cao hơn hẳn. Các trường top trên, phổ điểm sẽ tiếp tục tăng thêm, những trường top dưới sẽ đón những TS từ trường top cao “chảy” xuống. Những TS có số điểm 19, 20, 21, 22 có điểm gần nhau sẽ rất vất vả trong cuộc chạy đua cuối cùng, nhất là khi năm nay điểm xét tuyển được tính đến 0,25. Nhiều chuyên gia dự đoán, 2 ngày cuối, số hồ sơ nộp và rút sẽ ngang nhau. Đưa ra lời khuyên chính xác cho TS ở thời điểm này vô cùng khó. Ông Hạnh cho rằng, TS đừng quá nặng nề vào trường ĐH là con đường sống còn của cuộc đời. TS đã đăng ký vào trường nào thì hãy yên tâm với 4 NV đó. Trong trường hợp tự mình nhận thấy khả năng trúng tuyển quá thấp thì rút sớm để nộp sang trường khác trong cùng một ngày. Nên làm như thế để tránh thời tiết nắng nóng, ốm đau, tai nạn trên đường đi. Nếu không trúng tuyển NV1, TS vẫn còn có 3 NV xét tuyển bổ sung để có cơ hội vào ĐH.

Theo Kinh tế và Đô thị