Nói thật hay nói dối đều phải mang tính nhân văn

Nói thật hay nói dối đều phải mang tính nhân văn

(GDTĐ) – Ngay từ nhỏ, con em chúng ta được dạy phải thật thà, có sao nói vậy, nói dối là hư. Nhưng trong cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực tâm lý, tình cảm, văn hóa ứng xử, nhiều lúc “thật thà là hư”. Nói dối hay nói thật không quan trọng bằng việc nói để làm gì, nói như thế nào, có mang lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống hay không.

Thật thà như thế có nên?

Chúng ta đã từng được nghe câu chuyện hài hước kể rằng một người cha không muốn tiếp một ông khách lạ nên bảo con nói dối khách rằng “bố cháu đi vắng”. Khi khách đến, cậu bé lon ton chạy ra lễ phép chào và nói: “Bố cháu dặn cháu nếu bác đến thì cứ nói bố cháu không có nhà”. Sự thật thà ấy của cậu bé đã đẩy người bố vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Nhưng dù sao đấy cũng chỉ là một đứa trẻ, điều đáng nói là nhiều khi người lớn cũng muốn ghi điểm “thật thà” mà làm tổn thương người khác, nhất là những người thân yêu của chính mình.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Gia đình nọ có cô con gái mới lớn rất lo lắng và mặc cảm về thân hình “hơi quá khổ” của mình, cô lo lắng tới mức dành nhiều thời gian chạy, nhảy, nhịn ăn, uống dấm, uống chanh để giảm cân. Cô hỏi người bố xem có cách nào giảm cân nhanh hơn nữa không. Giá người bố hiểu những lo lắng của con, nói tránh, nói giảm đi rằng con không phải là người béo phì, chỉ “có da có thịt” hơn mấy cô bé gầy nhẳng thôi, nhưng bố thấy như thế có sức sống hơn. Giá bà mẹ biết nhắc con rằng giảm cân là một quá trình lâu dài, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, vừa điều chỉnh ăn uống, luyện tập thường xuyên, vừa phải duy trì sức khỏe để học tập, không nên nhịn ăn. Nhưng đáng tiếc họ đã không làm thế mà ông bố lại thật thà nói: “Con không những béo, mà là quá béo”. Người mẹ cũng buông một câu rằng: “Nhìn con như “thùng phi di động”. Nghe những lời nói của cha mẹ, cô bé lao vào phòng mình, ngã vật ra giường, khóc tức tưởi. Không phải việc em gái đó thừa vài cân là nỗi bất hạnh lớn nhất, mà chính những lời nói thật thà của cha mẹ đã “giết chết” tâm hồn non nớt của em.

Một phụ huynh học sinh lo lắng về học lực của con mình, đến gặp giáo viên hỏi xem liệu con có thi đỗ vào trường công lập không. Tất nhiên, đây không phải là học sinh xuất sắc, nhưng giá giáo viên biết chia sẻ với phụ huynh rằng tuy cháu không xuất sắc, nhưng nếu gia đình nhắc nhở, kèm cặp, động viên con cố gắng hết mình, con vẫn có thể thi đỗ, đạt kết quả cao. Còn nếu như không đỗ công lập, thì cũng có thể vào các trường ngoài công lập ở nhóm đầu. Tiếc thay cô giáo đã nhận định rất thật rằng: “Nói thật với anh chị, đừng trông mong gì ở con, nó hổng kiển thức rồi, có thi thì thi cho vui, chứ không đỗ đâu. Đừng mất công ôn làm gì, cứ cho nó nghỉ ngơi thoải mái, sau này vào học trường ngoài công lập hoặc học ở trung tâm giáo dục thường xuyên là xong”. Kết quả, ông bố tím mặt vì xấu hổ, vì tức giận, phi vội xe về nhà, lôi con ra đánh…

Nói thật cũng phải học!

Nhà có khách, cô con gái 5 tuổi của chị Hòa nhanh nhảu chạy ra chào. Lát sau, cháu nhìn chằm chằm vào mặt người khách, rồi phá lên cười, gọi mẹ và bảo: “Mẹ ơi, mấy cái răng của cô ấy buồn cười không mẹ kìa, nó chìa hết ra ngoài”. Người mẹ quát con, nhắc “không được hư”. Con bé cãi lại rằng con có hư đâu, con nói đúng mà, mẹ nhìn kìa, cô ấy lúc nào cũng cười, không biết khi đi ngủ, cô ấy có ngậm được miệng lại không hả mẹ. Xấu hổ với khách, giận con, chị Hòa tát con một cái, con bé khóc thét lên, bỏ vào buồng. Khách thấy khó xử, xin phép ra về.

Sau khi người khách về, chị Hòa vào nhà bế con ngồi lên lòng, dỗ cho con nín, rồi bắt đầu “dạy dỗ”. Chị bảo, khách đến chơi nhà, con không được chê người ta, mà phải khen. Nếu khách da đen, con đừng bảo là đen, phải khen trắng. Khách thấp, lùn, con cứ khen là cao. Có như thế khách mới vui lòng, mới khen mẹ biết dạy con, mới khen con là ngoan ngoãn, nghe chưa. Cô bé 5 tuổi chẳng hiểu sao mẹ lại bắt mình nói ngược, nhưng cũng sợ mẹ mắng, nên đành “vâng ạ”.

Mấy hôm sau có một ông khách là bạn của bố cháu đến chơi. Ông này bị thọt chân. Cháu nhìn thấy, chạy ngay vào kéo tay bố mẹ khoe: “Bố mẹ ơi, bác ấy không thọt chân bố mẹ nhỉ, bác ấy đẹp nhỉ”. Lần khác, có một cô hàng xóm đang mang thai sang chơi. Cháu cũng khen trước mặt bố mẹ rằng “cô ấy không phải bụng to đâu, chắc cô ấy ăn no thôi bố mẹ ạ”. Hai vợ chồng anh chị Hòa lại xấu hổ với khách, dù lần này con anh chị không nói thật, mà khen khách theo kiểu “ngược lại”.

Như vậy, nói thật cũng phải học, mà nói dối cũng càng phải học, bởi nếu nói dối xoen xoét sẽ thành ra người lươn lẹo, mưu mẹo. Nhưng nói dối sống sượng, sẽ bị “lộ tẩy”, bị người khác “bắt vở”, càng tệ hại hơn.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Nghệ thuật nói dối

Nói dối được gọi là nghệ thuật cũng không ngoa, đó là nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật mở cửa trái tim, dẫn đường đi vào lòng người.

Trước tiên, muốn quyết định nói dối hay nói thật, hãy tự trả lời câu hỏi “nói để làm gì?”. Hãy lường trước những phản ứng của phía bên kia. Nếu nói thật về chuyện đã qua mà khiến người kia bận lòng, bị tổn thương hoặc mang lại hậu quả xấu cho mối quan hệ thì không nên nói.

Điều thứ hai, nên nhớ rằng con người không ai muốn bị chê, dù là chê đúng. Đôi khi được người khác khen, thậm chí là “khen lấy lòng”, biết vậy mà người khen cũng “mát ruột mát gan”. Nếu có định chê ai đó để họ rút kinh nghiệm, hãy nhớ tìm nhiều điểm mạnh để khen trước, nâng cao người ta lên, sau đó mới đề cập đến cái chưa được thì việc chê dễ được chấp nhận hơn là chê tuốt tuồn tuột theo kiểu “sổ toẹt”. Định chê da vợ  đen, hãy khen mái tóc cô ấy hợp khuôn mặt, cái miệng tươi, có duyên, tính tình xởi lởi, chăm chỉ, nữ tính… Rồi cuối cùng bảo “giá da em sáng hơn một chút thì em trở thành người tuyệt mĩ”. Định chê chồng có dáng đi lòng khòng, đừng quên khen anh ấy thật thà, chân thành, giàu lòng vị tha, nam tính, hào phóng…

Điều thứ ba đừng quên làm giảm nhẹ lời chê bằng việc chọn từ “có tính xây dựng”. Đừng nói thẳng là đen, mà hãy nói “chưa sáng lắm”, đừng chê ki bo, mà chỉ nói “hơi căn cơ quá”, chớ bảo “ngu” hay “lù đù”, mà chỉ nhắc “nhanh nhẹn lên chút nữa thì hay!”.

Điều cuối cùng, dù nói thật hay nói dối cũng phải mang tính nhân văn, vì con người. Dù người ta có bị bệnh hiểm nghèo, thập tử nhất sinh, cũng đừng nói thẳng rằng “về chuẩn bị lo hậu sự là vừa” mà có thể nói rằng “còn nước còn tát”, “nhờ ơn trời đất, nhờ hồng phúc tổ tiên, biết đâu qua khỏi cơn vận hạn này?”.  Cũng là vì con người, vì tính nhân văn, ngày nay người ta không nói hai chữ “vô sinh”, mà chỉ nói “hiếm muộn”, không nói “thất bại” mà nói “chưa thành công”.

Hãy nhớ rằng nghệ thuật giao tiếp không phải là “uốn ba tấc lưỡi”, mà là nghệ thuật “đắc nhân tâm”. Hãy học cách nói dối đúng lúc, đúng hoàn cảnh, đúng cách để cuộc sống của chúng ta nhẹ nhàng hơn, tránh những tổn thương không đáng có.

Đinh Thủy (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)