Nhiều trường giảm chỉ tiêu đại học

Nhiều trường giảm chỉ tiêu đại học

(GDTĐ) – Mùa tuyển sinh 2016, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần, tuy nhiên, những ngành nghề đang thu hút nhiều nhân lực, lượng tuyển sẽ tăng.

Tăng chỉ tiêu ngành kỹ thuật, môi trường

Thực hiện Thông tư mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH dựa trên 3 tiêu chí, năm nay, một số trường dự kiến tăng số lượng xét tuyển các ngành ĐH và giảm dần hệ CĐ chính quy nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển 7.900 chỉ tiêu, giảm 1.500 so với năm 2015, trong đó, hệ ĐH giảm 200 chỉ tiêu. Rất nhiều ngành kỹ thuật được trường dự tính tuyển số lượng lớn như Quản trị kinh doanh (780 chỉ tiêu); Kế toán (720 chỉ tiêu); Công nghệ kỹ thuật Điện tử, truyền thông (490 chỉ tiêu); Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (450 chỉ tiêu); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (450 chỉ tiêu)… Những ngành này được nhà trường xét tuyển theo 3 tổ hợp môn Toán – Vật lý – Hóa học; Toán – Vật lý – Tiếng Anh; Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh.

Thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển tại Học viện Ngân hàng năm 2015. Ảnh: Phạm Hùng

Tương tự, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH tại cơ sở chính Hà Nội từ 2.850 xuống 2.220 cho 28 ngành. Ông Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, những ngành được nhà trường tuyển sinh nhiều là: Quản lý tài nguyên rừng (200 chỉ tiêu); Khoa học môi trường (170 chỉ tiêu); Quản lý đất đai, Lâm sinh, Kỹ thuật công trình xây dựng cùng tuyển 150 chỉ tiêu. Nếu năm ngoái trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn thi, thì năm nay bổ sung hình thức xét tuyển học bạ vào một số ngành. Đối với các ngành năng khiếu, khối V và khối H, trường xét tuyển môn thi THPT quốc gia và tổ chức thi môn năng khiếu cũng như xét tuyển từ các trường ĐH tổ chức thi.

Tuy nhiên, cũng có những trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng tăng. Cụ thể, ĐH Tài nguyên môi trường Hà Nội dự kiến tuyển 2.880 chỉ tiêu, tăng 680 so với năm 2015; ĐH Hà Nội dự tính xét tuyển 2.130 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm trước… Song các trường này đều thực hiện giảm dần chỉ tiêu CĐ. Có lẽ đây sẽ là cơ hội để các trường CĐ có nguồn tuyển khả quan hơn.

Thêm tiêu chí môn chính

Bên cạnh việc đưa ra hình thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 do các trường ĐH chủ trì, nhiều trường còn có quy định riêng để lựa chọn thí sinh có học lực tốt. TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin: Tại trụ sở Học viện Ngân hàng có 3.850 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo. Nhà trường đưa tiêu chí phụ môn chính Toán học khi xét tuyển cho ngành Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý. Môn chính Tiếng Anh áp dụng xét tuyển sinh ngành Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh. Trường cũng dành 10% chỉ tiêu xét tuyển thẳng ĐH căn cứ kết quả học tập THPT. Theo đó, đối với học sinh các trường THPT chuyên quốc gia, một trong các môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp xét tuyển của trường đạt từ 7,0 trở lên trong 3 năm THPT được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp. Đối với học sinh trường THPT chuyên các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có kết quả các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 trở lên, trong đó môn Toán học thuộc 4 ngành đầu tiên tính hệ số 2, 2 ngành còn lại môn Tiếng Anh nhân hệ số 2.

Để có cơ hội học ĐH, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, ĐH Hà Nội quy định chi tiết, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia 2016 đạt từ 15 điểm trở lên (theo thang điểm 10) chưa nhân hệ số mới được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trừ ngành Công nghệ thông tin, những ngành còn lại đều có môn thi chính là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hệ số 2. Còn ĐH Xây dựng dự tính lấy môn chính Toán, Vẽ mỹ thuật cho ngành Kiến trúc; đối với 12 ngành khác, Toán là môn chính, nhân hệ số 2… Những trường có đề án tuyển sinh riêng cũng quy định ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với ĐH là 16,5, CĐ là 15.

Theo Kinh tế và Đô thị