Ngành GD&ĐT Hà Nội thông tin về công tác tuyển sinh năm học 2018 – 2019

Ngành GD&ĐT Hà Nội thông tin về công tác tuyển sinh năm học 2018 – 2019

(GDTĐ) – Chiều 10/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có buổi họp cung cấp thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 – 2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội. Tham gia buổi họp có Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng BGĐ Sở; các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, trường THPT, THCS trên địa bàn Thành phố.

Tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 – 2019: ít điểm mới

Theo nội dung được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, tuyển sinh vào mầm non, tiểu học, lớp 6 năm học 2018 – 2019 không có gì thay đổi so với các năm trước, tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định; đồng thời tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trên toàn Thành phố.

Toàn cảnh cuộc họp

Một số điểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 6 tại Hà Nội là: Năm học 2018-2019, Hà Nội có các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cụ thể, thành phố triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE Cambridge tại 7 trường THCS: Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Để học chương trình này, học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực: Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh và bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn IGCSE.

Các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập) sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) báo cáo với phòng GDĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.

Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 tiếp tục ổn định như năm học trước theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Thí sinh thi vào ngày 07/6/2018 (sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Toán). Một số điểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019:

Thứ nhất, thành phố có 2 trường THPT công lập (THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài (học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc). Học sinh đăng ký dự thi học chương trình này sẽ trải qua 3 vòng thi theo quy định. Thứ hai, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019, chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông. Thứ ba, mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5 điểm. Thứ tư, học sinh không dự thi ngày 07/6/2018 được dự tuyển vào các cơ sở giáo dục dùng phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, đó là các trung tâm GDNN-GDTX, một trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập.

Thi vào 10 năm học 2019-2020: dự kiến thí sinh sẽ phải làm bài thi tổ hợp

Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng dự kiến phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020. Theo đó, học sinh thi vào 10 cấp THPT năm học 2019 – 2020 sẽ phải trải qua 3 bài thi, gồm: 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Sở GD&ĐT công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.

Các bài thi Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tổng kết buổi thông tin về công tác tuyển sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi Tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Bài thi tổ hợp không phân chia riêng theo tổ hợp KHTN, KHXH để đảm bảo học sinh học một cách toàn diện, đồng thời đảm bảo công bằng cho các em. Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới đó là “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông.

Giám đốc Chử Xuân Dũng cũng khẳng định, với sự thay đổi này, học sinh và các bậc CMHS không cần quá lo lắng, bởi trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức quán triệt các trường định hướng dạy học, lồng ghép các bài kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan. Thêm vào đó, đề thi sẽ không mang tính đánh đố học sinh. Các em chỉ cần học chăm chỉ, nắm vững kiến thức trong SGK là có thể làm được bài.

Tô An