Một mùa thi yên bình

Một mùa thi yên bình

(GDTĐ) – Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, học sinh Thủ đô đã trải qua hai kỳ thi quan trọng là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi THPT quốc gia vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Những kỳ thi này được đánh giá là khá căng thẳng, tạo bước ngoặt đầu đời cho học sinh trong việc xác định tiếp tục học tập lên cao hơn hoặc định hướng chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Nhờ những đổi mới trong cách thức tổ chức nên hai kỳ thi này tại Hà Nội đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, thuận lợi cho thí sinh không tạo ra nhiều sự xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.

Thi THPT Quốc gia: nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tổ chức thi 8 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ; diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4/7. Để được xét tốt nghiệp, thí sinh phải thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, các em dự thi bốn môn như trên và thi thêm các môn tự chọn phù hợp tổ hợp các môn thi.

Thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2016

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 887.400 thí sinh đăng ký dự thi ở 120 cụm thi, trong đó 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, dùng kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ; 50 cụm thi do các sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) chủ trì, chỉ dùng để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT.

Điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là cụm thi do các trường ĐH chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, vẫn có cả cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Việc mỗi địa phương đều tổ chức từ 1 đến 2 cụm thi tạo thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh, giảm hẳn nỗi lo đường xa, ở trọ. Đối với cán bộ coi thi, nhiều thầy cô phải về các địa phương làm công tác thi nhưng đều rất trách nhiệm và phấn khởi thực hiện với mục tiêu tất cả vì thí sinh.

Ở cụm thi của các trường ĐH, các trường đã xét đến mọi tình huống nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Đơn cử như tại cụm thi của trường ĐH Thủy lợi, trường đã huy động 1.060 cán bộ, sinh viên làm công tác thi, trong đó có 950 là nhân sự của trường; lực lượng công an, y tế luôn “đóng chốt” với 110 người; chưa kể 250 sinh viên của trường được huy động làm công tác tình nguyện, hỗ trợ kỳ thi. Bên cạnh việc liên hệ với doanh nghiệp cung cấp nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà, trường ĐH Thủy lợi sẵn sàng mở cửa hội trường để phụ huynh đợi con nghỉ ngơi tránh nắng nóng.

Hà Nội là địa phương có lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 76.137 thí sinh. Cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có 31 điểm thi với số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất cả nước, bao gồm 16.442 thí sinh. Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra nghiêm túc, yên bình. Thành phố đã hạn chế mức thấp nhất tình trạng tắc đường đến mức nhiều người dân thậm chí còn không biết có một kỳ thi quan trọng ở cấp quốc gia đang diễn ra.

Đặc biệt, trong kỳ thi năm nay, các thí sinh có thể xem điểm thi THPT Quốc gia tại hệ thống tra cứu điểm thi của tất cả 120 hội đồng thi (bao gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì) thay vì chỉ có một số hội đồng thi lớn như năm trước. Tình trạng nghẽn mạng được hạn chế tới mức thấp nhất đã tạo thuận lợi và tinh thần thoải mái cho các thí sinh. Ngoài ra, theo quy chế, có ba hình thức đăng ký xét tuyển gồm: đăng ký trực tuyến trên mạng, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường, thí sinh thấy thuận tiện theo hình thức nào thì đăng ký. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa hai ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2 và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển. Điều này cũng đã giải quyết được “cuộc chạy đua” rút, nộp hồ sơ như kỳ thi năm trước.

Thực hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, đây là lần thứ hai kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng được tổ chức. So với năm trước, nhiều hạn chế đã được khắc phục và được nhân dân đánh giá cao. Kỳ thi cho thấy những nỗ lực thực hiện đổi mới của ngành GD&ĐT cũng như các địa phương trong cả nước.

Tuyển sinh vào 10: nhanh chóng và thuận lợi cho thí sinh

Cũng trong mùa hè này, hơn 75.000 học sinh Thủ đô đã trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT trên địa bàn Thành phố. So với năm 2015, số học sinh từ lớp 9 thi lên lớp 10 năm học 2016 – 2017 giảm khoảng 4.000 học sinh. Do vậy, sự cạnh tranh tuyển sinh vào các trường THPT ở Hà Nội năm nay bớt “gay gắt” hơn, sức ép vào các trường THPT công lập giảm hơn so với năm ngoái nên số lượng, cơ hội để học sinh vào các trường công lập sẽ nhiều hơn vì số chỉ tiêu vào các trường công lập là không thay đổi.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 được học sinh đánh giá cao vì sự rõ ràng, chính xác

Năm học này, Hà Nội tiếp tục thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Phần xét tuyển là kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở cấp THCS. Phần thi tuyển do Sở GD&ĐT tổ chức chung vào ngày 8/6 cho HS trên địa bàn thành phố với hai môn: Ngữ văn và Toán.

Với việc xét tuyển, các trường THCS khi tính điểm xét tốt nghiệp bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đáng chú ý, ngành GD&ĐT Thủ đô nghiêm cấm các trường THCS không vì thành tích mà ép buộc hoặc vận động học sinh không tham gia đăng ký dự thi vào lớp 10. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 phải có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh…

Với kỳ thi tuyển, Hà Nội tổ chức tại 154 điểm thi, 3.166 phòng thi trong đó có 49 điểm thi ở các trường THCS, huy động gần 10 nghìn cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia tại các điểm thi. Việc tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội đã được triển khai thuận lợi, nghiêm túc, công bằng, tạo mọi điều kiện để các nhà trường tuyển sinh theo đúng nguyện vọng, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Quá trình phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tại đơn vị bảo đảm đúng người, rõ việc và có kiểm tra, giám sát. Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường an toàn phòng thi và phương án phòng chống cháy nổ, mưa lũ, ngập lụt…

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2016 – 2017 cũng được giáo viên, học sinh đánh giá cao vì sự rõ ràng, chính xác, mang tính thực tiễn cao, đồng thời có tính phân hóa học sinh. Đơn cử như đề thi môn Văn năm nay được nhiều học sinh thích thú khi đề cập đến vấn đề học tập, lối sống và phong cách của Bác Hồ, suy nghĩ của thế hệ trẻ về lối sống hiện nay, về việc giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị cội nguồn là gia đình quê hương đất nước. Nội dung đề thi nằm hết trong chương trình sách giáo khoa và trước đó các em đã được ôn luyện khá kỹ. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, lượng kiến thức trong đề thi tương đối bao quát buộc học sinh phải có tư duy và sự vận dụng linh hoạt kiến thức ngữ văn nói chung, chứ không phải chỉ của lớp 9. Câu hỏi chạm vào từng vấn đề nhỏ nhưng đòi hỏi có vốn sống, vốn hiểu biết không chỉ ở mỗi môn Ngữ văn. Vì vậy, vấn đề vừa lớn lại vừa gần gũi.

Rõ ràng, nói đến thi cử, tức là sẽ có sự cạnh tranh giữa các thí sinh và nảy sinh áp lực. Tuy nhiên, với những thay đổi trong cách thức tổ chức, việc ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành GD&ĐT Hà Nội đã cố gắng hết sức để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng giữa các thí sinh, tạo thuận lợi và giảm tối đa áp lực không đáng có trên vai của các sĩ tử. Đồng thời, kỳ thi cũng tổ chức đúng tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT đang được ngành tích cực triển khai.

Vân Anh – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)