Làm đồ dùng đồ chơi bằng bìa – giấy xây dựng môi trường hoạt động tích cực cho trẻ
(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu SKKN của cô giáo Triệu Thị Thanh Huyền – trường Mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị, quận Đống Đa đạt giải B cấp ngành với đề tài “Một số kinh nghiệm làm đồ dùng đồ chơi tự tạo bằng bìa – giấy xây dựng môi trường hoạt động tích cực cho trẻ”.
Chương trình chăm sóc giáo dục mầm non đang đổi mới một cách đồng bộ, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa tiếp cận dần trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ cần kết hợp đồng thời với việc tăng cường và nâng cao chất lượng đồ chơi, đồ dùng dạy học để phát huy tính chủ động sáng tạo, linh hoạt của trẻ. Việc sử dụng các nguyên vật liệu dễ kiếm, giá thành rẻ để làm đồ dùng học tập, đồ chơi sáng tạo cho trẻ là hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo.
Biện pháp 1: Lên kế hoạch xây dựng môi trường giáo dục tích cực, làm đồ dùng đồ chơi phù hợp với từng góc hoạt động theo chủ đề
Xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non thực sự cần thiết và quan trọng. Chính vì thế, GV cần lên kế hoạch tạo môi trường giáo dục cho trẻ:
– Bố trí và sắp xếp góc chơi hợp lý và khoa học:
+ Tạo môi trường sạch sẽ, an toàn, có đầy đủ các khu vực chơi trong lớp và ngoài trời phù hợp, đầy đủ ánh sáng, góc động – tĩnh, thuận tiện cho việc sử dụng của cô và trẻ.
+ Trang trí lớp học bằng những đồ dùng đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, có nhiều nguyên vật liệu mở phong phú, đa dạng để cô và trẻ sáng tạo.
+ Tận dụng các nguồn nguyên vật liệu có sẵn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tự nhiên và phế liệu.
– Xác định những đồ chơi, đồ dùng tự tạo cần thiết phù hợp với từng góc chơi:
+ Ngoài những đồ chơi mà nhà trường đầu tư theo chuẩn, GV cần tìm tòi tạo ra nhiều đồ chơi tự tạo bằng bìa – giấy cho trẻ tích cực hoạt động trải nghiệm nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của đồ dùng đồ chơi như: màu sắc chuẩn, tươi sáng, hình dáng ngộ nghĩnh, phù hợp với mục đích sử dụng. Đặc biệt những đồ chơi tự tạo phải được tận dụng từ những nguyên vật liệu dễ kiếm tìm và có chức năng giáo dục.
– Thường xuyên có kế hoạch thay đổi đồ dùng đồ chơi tự tạo vào đầu các chủ đề.
Biện pháp 2: Xác định nguyên tắc, tiêu chí của đồ dùng đồ chơi tự tạo
Làm đồ chơi tự tạo cho trẻ phải đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc giáo dục, thỏa mãn được nhu cầu và ý muốn trong khi học tập và vui chơi của trẻ giúp trẻ phát triển tư duy, trí tưởng tượng, kích thích cho trẻ tính độc lập sáng tạo đồng thời phải phù hợp với từng lứa tuổi. Đồ chơi phải mang tính thẩm mỹ, kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hình khối…. Chính vì vậy, khi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo cho trẻ, giáo viên cần phải nắm được những tiêu chí cơ bản sau:
– Đảm bảo tính phù hợp, an toàn : Nghĩa là đồ chơi đồ dùng có màu sắc, kích thước phù hợp, phải tuyệt đối an toàn về mặt lý – hóa – vi sinh để không gây các chấn thương, nhiễm độc và không nguy hiểm cho trẻ. Cần vệ sinh các sản phẩm trước khi tái chế thành đồ chơi.
– Đảm bảo tính sư phạm: Đồ dùng đồ chơi tự tạo có tác dụng hình thành, củng cố các khái niệm, khám phá khoa học, hấp dẫn, kích thích trí tò mò của trẻ, trẻ có thể thao tác đồ chơi trong nhiều trò chơi, tăng cường thực hành, trải nghiệm.
– Đảm bảo tính thẩm mỹ và sáng tạo: Từ một loại nguyên vật liệu có thể tạo thành nhiều đồ chơi khác nhau, có ý tưởng mới trong khai thác sử dụng, giúp trẻ phát triển óc tưởng tượng và khơi gợi khả năng sáng tạo cho trẻ.
– Đảm bảo tính phổ biến: Nguyên liệu sẵn có, dễ tìm kiếm, có thể sử dụng xuyên suốt vào nhiều nội dung giáo dục khác nhau.
Biện pháp 3: Lựa chọn các nguồn nguyên vật liệu bằng bìa, giấy và sưu tầm sáng tạo mẫu đồ dùng đồ chơi
* Lựa chọn nguyên vật liệu:
– Đối với trẻ MN, những nguyên vật liệu từ bìa – giấy dùng làm đồ chơi tự tạo cho trẻ thường là:
+ Giấy A0, A3, A4, bìa các màu.
+ Bao giấy, túi giấy đựng quà.
+ Các loại hộp đựng giày, hộp bánh, vỏ hộp thuốc.
+ Thùng đựng ti vi, tủ lạnh, thùng sữa, bánh.
+ Lõi giấy vệ sinh, lõi ống đề can – giấy dán.
* Sưu tầm và sáng tạo nguồn mẫu:
– Sưu tầm mẫu trên mạng Internet của các công ty thiết bị đồ dùng đồ chơi giáo dục mầm non của Việt Nam và nước ngoài.
– Mẫu đồ dùng đồ chơi tự tạo trong các hội thi làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ mầm non.
– Trao đổi và cùng phối hợp sáng tạo mẫu đồ dùng đồ chơi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ giáo viên.
Biện pháp 4: Sáng tạo làm đồ dùng đồ chơi nâng cao chất lượng các hoạt động cho trẻ
*Khung rối đa năng hình ngôi nhà
Nguyên liệu: Thùng carton đựng tủ lạnh, bìa màu, giấy màu, keo dán, băng dính, kéo.
Cách làm:
– Dùng kéo cắt theo đường gấp góc của thùng carton, 2 mặt giữa dùng làm mặt trước của khung rối, 2 mặt cạnh gấp vào 2 bên để giữ cho khung rối đứng được. Dùng dao trổ khoét hình chữ nhật phía mặt trước của khung rối tạo thành cửa sổ của ngôi nhà.
– Cắt một miếng bìa carton thành hình tam giác làm mái ngôi nhà. Cắt bìa màu đỏ và trắng dán xen kẽ nhau trang trí mái nhà, dán thêm các họa tiết khác như đồng hồ vào mái nhà. Hai bên tường nhà, cắt những họa tiết hình tròn bằng giấy bìa màu dán từ to đến nhỏ để trang trí. Dùng miếng bìa carton bằng chiều dài của cửa sổ và dán trang trí thảm cỏ bằng bìa màu xanh, cắm hoa giả trang trí bệ cửa sổ. Trang trí các họa tiết khác để cho ngôi nhà thêm ngộ nghĩnh, đáng yêu.
*Siêu thị mini
Nguyên liệu: Hộp carton, bìa giấy màu các loại. Kéo, dao trổ, băng dính, hồ dán.
Cách làm:
– Dùng kéo hoặc dao trổ cắt đi 3 phần nắp phía trước của hộp carton, phần đáy phía sau dán băng dính cố định cho chắc chắn.
– Phần nắp hộp còn lại phía trên cắt hình lượn sóng, dán bìa màu và dùng bút ghi tên hoa quả, nước ngọt….
– Lấy miếng bìa đã cắt rời ra ở phần nắp trước của hộp gắn vào giữa hộp để chia hộp thành 2 phần. Dùng que tre hoặc phần bìa carton còn lại gắn vào phía trong lòng hộp làm các ngăn để đồ.
– Dùng giấy bìa màu cắt các họa tiết trang trí trên bề mặt của hộp tạo thành một giá đựng đồ trong siêu thị.
– Đặt các giá đựng đồ làm bằng hộp carton với nhiều mẫu khác nhau và bày các loại hoa quả, thực phẩm sẽ tạo ra góc siêu thị thật vui mắt.
Biện pháp 5: Phối hợp với các bậc phụ huynh để tìm những nguồn đóng góp xã hội hóa
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhất là tại các thành phố, các nguyên vật liệu phế phẩm từ các gia đình như: các loại thùng carton đựng tivi, máy giặt, máy tính…; các loại vỏ hộp bánh, kẹo, sữa…; lõi giấy vệ sinh, tạp chí …. là một kho nguyên liệu vô cùng phong phú để giáo viên có thể làm được đồ chơi tự tạo cho trẻ. Vì vậy, GV cần hướng dẫn phụ huynh và chính bản thân trẻ cùng tham gia vào quá trình sưu tầm và lựa chọn những nguyên vật liệu mang đến lớp để cô giáo làm đồ chơi bằng nhiều cách khác nhau như: Tuyên truyền cho các bậc phụ huynh và trẻ hiểu được tầm quan trọng và sự an toàn của việc làm đồ dùng đồ chơi tự tạo từ bìa – giấy tạo môi trường hoạt động tích cực cho trẻ; Chụp ảnh dán ở góc tuyên truyền hay tổ chức cho phụ huynh dự các hoạt động chơi tại góc, các nhóm mà đồ chơi chính được làm từ những nguyên vật liệu phế thải để phụ huynh chứng kiến trẻ “chơi mà học” với đồ chơi một cách say sưa và hứng thú, từ đó họ có ý thức sẵn sàng sưu tầm và thu gom các nguyên vật liệu…
Đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ các nguyên vật liệu bằng bìa – giấy có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ. Trẻ rất hứng thú và say sưa chơi với những đồ chơi tự tạo của cô giáo hay của mình làm ra. Môi trường sư phạm trong nhà trường và các lớp học được trang trí đẹp, thẩm mỹ, hình thức đa dạng, phong phú về các chủng loại đồ dùng và đồ chơi, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành học.
Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số kinh nghiệm làm đồ dùng đồ chơi tự tạo bằng bìa – giấy xây dựng môi trường hoạt động tích cực cho trẻ” của cô giáo Triệu Thị Thanh Huyền – trường Mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.
BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017