GS.TS Đinh Quang Báo: Phải đổi mới đồng bộ để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
(GDTĐ) – Theo GS.TS Đinh Quang Báo -nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học. Theo định hướng đó, chương trình sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Điều đó đòi hỏi các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm phải đổi mới một cách đồng bộ để đáp ứng chương trình GDPT mới.
Xây dựng chương trình giáo dục nhà trường
*Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp, GS có thể nói rõ hơn về hai giai đoạn giáo dục này?
– Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam tới đây vẫn là 12 năm: 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT. Tuy nhiên có khác trước ở chỗ 9 năm đầu được thiết kế theo mục tiêu giáo dục cơ bản, ở giai đoạn này học sinh được giáo dục những tri thức phổ thông cơ bản và nền tảng nhất đảm bảo cho học sinh có một hành trang tương đối trọn vẹn về tri thức mà bất kỳ một người công dân nào cũng cần phải có.
Sau giai đoạn giáo dục cơ bản là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Ở đó, học sinh sẽ được học sâu hơn những kiến thức gắn với từng lĩnh vực ngành nghề. Vì gắn với lĩnh vực ngành nghề để chuẩn bị cho học sinh học tiếp sau phổ thông cho nên học sinh được lựa chọn những tổ hợp môn học phù hợp với từng lĩnh vực. Đây thực chất là mục tiêu phân hóa định hướng nghề nghiệp nhưng khác với chương trình phổ thông trước đây. Trước đây, chúng ta thực hiện phân hóa theo ban như ban kỹ thuật, ban KHTN, KHXH… Đây được coi là phân hóa cứng, còn theo chương trình mới học sinh sẽ được lựa chọn tổ hợp các môn học linh hoạt hơn để có thể dễ chuyển đổi, sát với ngành nghề trong tương lai. Và để thực hiện được điều đó, thì chương trình phải thiết kế một hệ thống các môn học giúp các em được lựa chọn theo các cách khác nhau.
Ở THPT, ngoài các môn học mà tất cả đều phải học như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng an ninh, học sinh phải chọn 5 môn theo nguyện vọng của mình trong những môn học còn lại. Các môn còn lại được chia thành 3 nhóm: nhóm KHXH, KHTN và nhóm Nghệ thuật – Công nghệ. Nhóm KHXH bao gồm những môn như Sử, Địa, Kinh tế và Pháp luật…; nhóm KHTN là Vật lý, Hóa học, Sinh học.. và nhóm thứ 3 bao gồm các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ, Tin học… Học sinh chọn 5 môn trong 3 nhóm này với nguyên tắc bắt buộc mỗi nhóm phải chọn 1 môn, 2 môn còn lại là tùy chọn. Việc bắt buộc đó nhằm mục đích để đảm bảo mặt bằng kiến thức rộng để cùng với 2 môn còn lại sẽ giúp cho việc định hướng ngành nghề trong tương lai. Và kèm theo các môn đó sẽ có các chuyên đề học tập. Với các chuyên đề học tập, học sinh sẽ được học sâu hơn những vấn đề chiết ra từ một môn học. Các em phải chọn 3 chuyên đề một năm học. VD môn Vật lý lớp 10 sẽ có 3 chuyên đề sâu hơn những nội dung liên quan đến vật lý 10, tương tự như vậy với lớp 11 và lớp 12.
*Khi chương trình phân hóa định hướng nghề nghiệp ở THPT bằng hệ thống các môn học lựa chọn, các chuyên đề học tập sẽ nảy sinh những thách thức gì cho các nhà trường, thưa GS?
– Phân như vậy thì số học sinh lựa chọn môn học theo từng nhóm khác nhau, linh hoạt. Vì vậy, việc quản lý ở trường phổ thông phải rất linh hoạt. Sĩ số học sinh lớp học không cố định như hiện nay, dẫn tới việc, hàng năm nhà trường phải thay đổi kế hoạch giáo dục, về cơ sở vật chất như lớp học, phòng thí nghiệm… Số học sinh chọn môn không cố định, năm nay thế này, năm sau lại khác vì vậy kế hoạch cũng phải thay đổi hàng năm. Đã thay đổi như thế thì cơ cấu phân công giáo viên cũng sẽ thay đổi.
Tất cả điều đó dẫn tới việc quản lý nhà trường sẽ phức tạp hơn đòi hỏi hiệu trưởng phải điều hành nhiều công việc khác trước. Đó chính là những thách thức của các nhà trường.
*Vậy theo GS, chúng ta cần làm gì để giải quyết các thách thức trên?
– Để khắc phục điều đó, trước tiên phải bồi dưỡng Hiệu trưởng để điều hành nhà trường theo chương trình giáo dục mới. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị một chương trình bồi dưỡng trước khi chương trình mới ban hành. Thứ hai, phải có chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý để đáp ứng với đổi mới trong đó có phần phát sinh do việc học các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập.
Sự phân cấp quản lý chương trình cũng phải tăng tính tự chủ cho từng trường phổ thông để mỗi trường tùy theo bối cảnh của mình mà chủ động xây dựng kế hoạch quản lý. Đó là lý do phải bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý năng lực phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
Bồi dưỡng và đào tạo lại để giáo viên có phương pháp dạy tích hợp
*Chương trình được xây dựng theo định hướng tích hợp sẽ tác động đến nhiều yếu tố, trong đó có năng lực giáo dục tích hợp của giáo viên và việc thiết kế các môn học tích hợp, liệu giáo viên được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực khoa học chuyên ngành như lâu nay có thể dạy được các môn học tích hợp không, thưa GS?
– Có thể nói một trong những đổi mới có tác động đến các đổi mới khác đó là chương trình sẽ chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học. Hiện tại chúng ta đang chủ yếu dạy học theo tiếp cận nội dung, nghĩa là một chương trình nặng về dạy kiến thức, dạy để biết. Còn chương trình tới đây sẽ chuyển sang tiếp cận năng lực, nghĩa là dạy học sinh có năng lực hành động, qua đó vừa có kiến thức vừa biết làm. Biết làm có nghĩa là học sinh phải biết vận dụng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau để tổng hợp lại theo logic phù hợp với việc giải quyết những vấn đề nhận thức và thực tiễn. Đó là năng lực. Và quá trình huy động tổng hợp, kết nối nhiều kiến thức ấy gọi là tích hợp. Tích hợp nghĩa là gắn nhiều kiến thức khác nhau theo một logic nhất định. Giáo dục năng lực ắt phải dẫn đến dạy học sinh biết tích hợp. Muốn vậy, tích hợp phải được thể hiện ở việc thiết kế nội dung thuận lợi cho học sinh tích hợp và phương pháp dạy học ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Môn Lịch sử – Địa lý và môn KHTN ở cấp THCS là 2 môn học mới thể hiện tích hợp một cách rõ ràng nhất và tác động đến năng lực dạy học của giáo viên nhiều nhất.
*Giải pháp nào cho việc phân công dạy học các môn đó, thưa GS?
– Trước đây, thường một giáo viên dạy một hoặc hai môn riêng rẽ, nhưng trong chương trình mới, ví dụ, ở THCS có các môn được thiết kế tích hợp nhiều môn vốn trước đây riêng rẽ như môn khoa học tự nhiên được tích hợp với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học: môn Lịch sử -Địa lý tích hợp từ môn Lịch sử và Địa lý trước đây. Về nguyên tắc có thể phân công một hay nhiều giáo viên dạy. Trên thế giới cũng đa dạng cách phân công người dạy theo cách đó tùy thuộc vào đặc điểm đội ngũ giáo viên. Dù một hay nhiều người dạy các giáo viên đó đều phải được đào tạo, bồi dưỡng những tri thức chung nhất về khoa học tự nhiên, đó là những khái niệm có tính nguyên lý xuyên suốt phản ánh bản chất vận động và tồn tại của tự nhiên. Các nguyên lý đó như là hệ quy chiếu để tích hợp kiến thức các chuyên ngành khác. Mặt khác, trên cơ sở đó, giáo viên phải được bồi dưỡng để có năng lực tổ chức học sinh tích hợp kiến thức, kĩ năng từ các chuyên ngành khác nhau để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đối với Việt Nam, theo tôi hiện tại nên hướng theo cách 3 người dạy một môn sau khi giáo viên đã được bồi dưỡng những nội dung nêu trên.
Việc dạy tích hợp có thể xảy ra biến động về cơ cấu, số lượng giáo viên nhưng không đáng kể vì khối lượng từng mạch nội dung chuyên ngành trong chương trình môn học mới gần tương đương với trước đây khi mỗi mạch nội dung đó là một môn độc lập.
*Để đáp ứng chương trình GDPT mới, bên cạnh việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện tại, các trường sư phạm cần phải đổi mới như thế nào trong công tác tuyển sinh đầu vào và đào tạo giáo viên, thưa GS?
– Ở các nước đầu vào sư phạm bao giờ cũng đòi hỏi cao. Ở ta cũng đòi hỏi cao nhưng lực hấp dẫn không cao cho nên không được như kỳ vọng. Về nguyên tắc, để có thể làm thầy giáo phải là những người giỏi. Trên thế giới các nước thường lấy những người giỏi tốp đầu ở phổ thông vào sư phạm. Có nước thì lấy 20% của tốp đầu, có nước thì lấy 30%. Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan hay Nhật Bản là những nước lấy 20% đến 30% của tốp đầu. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều yêu cầu cao hơn về mục tiêu và yêu cầu cần đạt tất yếu đội ngũ giáo viên phải có năng lực nghề nghiệp cao hơn mới đảm bảo chất lượng. Để có được đội ngũ ấy phải có chế độ thu hút người giỏi vào sư phạm. Đồng thời với đó, chương trình đào tạo, phương thức đào tạo của trường sư phạm cũng phải đổi mới theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Chuyển từ việc dạy đơn lẻ từng nội dung, từng môn học sang dạy tích hợp các chuyên ngành khoa học với nhau. Đó là những điểm mới rất mấu chốt trong việc cải cách sư phạm. Có nghĩa là phải đổi mới đồng bộ cả đầu vào, quá trình và đầu ra.
*Xin trân trọng cảm ơn GS!
Kiều Giang – Hồng Hà (Thực hiện) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019