Đón Tết ở đâu?

Đón Tết ở đâu?

(GDTĐ) – Anh ấy tuyên bố “Anh quyết rồi, không nói lại nữa. Em muốn đi đâu thì đi. Em mà không đưa con đi cùng, anh sẽ đi cùng bạn gái. Tùy em chọn…”.

??? Hai năm vừa qua gia đình em có nhiều niềm vui. Vợ chồng em cưới nhau xong thì em thi đỗ công chức, được vào biên chế tại một trường mầm non có danh tiếng ở nội thành. Hơn một năm sau, em sinh con đầu lòng. Chính vì thế, dù con em mới chưa đầy 2 tháng tuổi, Tết năm ngoái chúng em vẫn dắt díu nhau về quê chồng ăn Tết dù ăn Tết quê chồng rất mệt. Em tuy có con nhỏ, nhưng vẫn phải làm đầu bếp chính, nấu cơm ngày 3 bữa để mẹ chồng cúng tổ tiên. Bà bảo, nhờ hồng phúc tổ tiên chúng em mới có được nhiều may mắn thế, chứ cả hai vợ chồng đều là “dân tỉnh lẻ”, tự lập, vậy mà “trụ được ở Hà Nội” là quá mừng. Nhưng có lẽ vui nhất là ông bà nội của cháu bé, cháu được ông bà đưa đi khắp xóm để khoe. Đêm đến, do nhà chật, nên em ngủ với mẹ chồng, em gái chồng và con nhỏ. Chồng em đi chúc Tết họ hàng, bạn bè xa gần suốt mấy ngày Tết, chẳng có thời gian cho gia đình, vợ con. Nhưng dù sao em cũng rất hài lòng vì mình đã mang lại niềm vui cho gia đình nhà chồng.

Năm nay, từ hơn một tháng trước, em đã nói với chồng rằng sẽ đưa con về ăn Tết ở quê em, trên Yên Bái. Nhà em neo người, có anh cả lấy vợ ở làng, nhưng đã ở riêng, chỉ còn hai ông bà ngoài 70 tuổi ở với nhau. Vợ chồng anh cả và các cháu cũng chỉ chạy qua, chạy lại thắp hương, chứ không ăn Tết cùng ông bà. Em lớn lên, đi học, lấy chồng, sinh con, chưa giúp gì được cho bố mẹ, cũng muốn ngày Tết về sum họp với bố mẹ để các cụ vui, chứ về kinh tế, vợ chồng em chưa giúp gì được mấy. Vậy nhưng chồng em nói ngay: “Để dịp khác về quê ngoại, năm nay vợ chồng mình đi đón Tết trên cao nguyên đá Đồng Văn. Anh đã đặt “tua” cùng với mấy gia đình khác ở cơ quan anh. Lên đấy hay lắm, không khí trong lành, thoáng đãng, có Cột cờ Lũng Cú địa đầu Tổ quốc, có hoa Tam giác mạch đẹp mê ly. Trời hơi lạnh mà anh em, bạn bè quây quần uống rượu ngô do người bản địa nấu thì… không còn gì hơn”. Em không đồng ý, bảo rằng điều anh ấy nói chỉ hay với anh ấy, chứ không hay với em và con nhỏ. Anh ấy là người chồng, nhưng không hiểu khát khao của người vợ muốn về ăn Tết với cha mẹ. Anh ấy tuyên bố “Anh quyết rồi, không nói lại nữa. Em muốn đi đâu thì đi. Em mà không đưa con đi cùng, anh sẽ đi cùng bạn gái. Tùy em chọn…”. Cho đến giờ em cũng chưa có quyết định cuối cùng. Mong các thầy cô, anh chị từng trải, giúp em giải quyết tình huống này.

(do_quyen1988@yahoo.com.vn)

Ảnh minh họa

*** Xã hội phát triển, nhu cầu của con người cũng thay đổi. Trước đây, người ta nói hai chữ “ăn Tết”, tức là Tết gắn liền với cỗ bàn, cúng cấp và “ăn”. Ngày nay, người ta gọi là “đón Tết”, “chơi Tết”, “nghỉ Tết”, tức là ngày Tết đã chuyển dần từ “chỉ có ăn” sang nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn, kết hợp với du lịch, tham quan, đi lễ đầu năm. Thậm chí có gia đình ở Bắc, đưa nhau vào Nha Trang, Đà Nẵng nghỉ mấy ngày Tết trong resort để tránh rét. Không nhất thiết nghĩ rằng cứ Tết là phải về quê, bởi nếu con cái có lòng với cha mẹ, đâu cứ phải về ăn Tết cùng, chúng ta có nhiều dịp để quan tâm, chăm sóc, báo đáp ân nghĩa với “các cụ” mà. Mọi kiểu ăn Tết, đón Tết đều “chấp nhận được”, nếu đó là sự thống nhất của toàn gia đình và phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe của các thành viên.

Bạn không kể, nhưng tôi đoán chồng bạn còn khá trẻ, cũng chỉ là “dân 8X” thôi, nên vẫn ham vui, ham chơi, ham giao lưu, khám phá, kết nối bạn bè. Cả hai hãy thảo luận với nhau, chọn ra một hướng “có lợi đôi đường”, không ai cảm thấy bị thiệt thòi do phải “nghe theo người kia” và ấm ức vì nhu cầu của mình không được tôn trọng. Không biết chồng bạn đặt “tua” dịp nào, nên cũng khó tư vấn cụ thể hơn cho hai bạn. Song các bạn hoàn toàn có thể đưa con về thăm ông bà ngoại ngay sau khi các nhà trường được nghỉ học và quay trở lại Hà Nội, đón giao thừa bên nhau, rồi mùng Một, mùng Hai đi Hà Giang “chơi Tết”. Nếu các bạn chọn đón giao thừa bên Cột cờ Lũng Cú thì khi nào về, hãy đưa con về thăm và ăn Tết cùng ông bà ngoại cho đến sát ngày phải đi làm. Để làm được “một công đôi việc”, hãy gọi điện nói chuyện với ông bà bên nội, bên ngoại về kế hoạch ăn chơi Tết của gia đình bạn. Nếu có anh em, họ hàng, người thân về quê, hai bạn có thể gửi chút lễ về để ông bà thắp hương cho tổ tiên cũng tốt. Đặc biệt, hai bạn lưu ý sức khỏe cháu bé. Cháu mới hơn một tuổi, đường lên Cao nguyên không phải gần và cũng khó đi. Thời tiết trên đó lạnh và gió hơn ở Hà Nội và dưới xuôi nhiều. Bạn cũng nhắc nhở chồng và các bạn của anh ấy, dù ham vui, ham chơi, nhưng phải an toàn, tuyệt đối không leo trèo, ra những chỗ nguy hiểm để “chụp ảnh tự sướng”. Đã có không ít vụ tai nạn đáng tiếc do du khách quá phấn khích rồi đấy.

Đừng nghĩ chồng bạn vô trách nhiệm với gia đình. Anh ấy còn trẻ, muốn có những cái Tết vui cùng vợ con thật ấn tượng, nếu vô trách nhiệm, anh ấy đã một mình một ba lô lên đường “đi phượt” với bạn bè rồi. Còn chuyện anh ấy nói nếu bạn không đi, anh ấy sẽ đi cùng bạn gái, đó chỉ là câu nói “dọa bóng, dọa vía” thôi, đừng làm to chuyện. Hãy quyết định đi cùng chồng, nói rõ ý định sẽ lên thăm ông bà ngoại trước hoặc sau Tết, cả hai cùng “được việc”.

Cuộc sống phía trước của hai bạn còn nhiều gian nan, nhiều việc cần cả hai bàn bạc, trao đổi, thống nhất. Hãy học cách nói “chúng ta nên…”, bỏ dần cách nói “em muốn…” và “anh muốn…”. Nếu có được một cái Tết ấn tượng, nó sẽ là hành trang, là kỉ niệm cho cuộc sống vợ chồng còn nhiều khó khăn trong những tháng năm tới. Tôi tin, ông bà ngoại có nhớ con, nhớ cháu trong mấy ngày Tết, song họ lại thấy hạnh phúc khi vợ chồng bạn hạnh phúc bên nhau. Với người làm cha, làm mẹ, niềm vui của con cháu là niềm vui của chính mình. Tuy nhiên, là phận con cháu, chúng ta không nên “lạm dụng” tình yêu thương đó của cha mẹ hai bạn nhé!

Chúc hai bạn đón một cái Tết vui, khỏe, hạnh phúc!

Đinh Đoàn (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 73+74, tháng 1-2/2016)