Đặt câu hỏi thế nào để phát triển năng lực học sinh?
(GDTĐ) – Châm ngôn có câu “Người khôn biết hỏi, người sành sỏi biết trả lời”. Trong dạy học, “cái khôn” của người giáo viên một phần được thể hiện trong nghệ thuật đặt câu hỏi. Câu hỏi trong dạy học như một cây cầu dẫn học sinh đến với thế giới tri thức một cách chủ động. Tuy nhiên, để có một hệ thống câu hỏi phong phú và cách hỏi thực sự hiệu quả giúp phát triển năng lực của học sinh thì không phải giáo viên nào cũng có được. Chính vì vậy, chủ đề này đã nhận được sự quan tâm, trao đổi sôi nổi của nhiều giáo viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.
Hỏi theo phương pháp dạy học tích cực
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Cầu cho rằng: Trong các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên thường phải sử dụng câu hỏi để gợi mở, dẫn dắt học sinh tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức, kỹ năng mới, để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Học sinh cũng phải sử dụng câu hỏi để hỏi lại, hỏi thêm giáo viên và các học sinh khác về những nội dung bài học chưa sáng tỏ. Sử dụng câu hỏi có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa học sinh với giáo viên và giữa các em học sinh với nhau. Kỹ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của học sinh trong giờ học càng nhiều, học sinh sẽ học tập tích cực hơn.
Theo cô giáo Ngọc Lan, kỹ năng đặt câu hỏi theo hướng dạy học cũ và hướng dạy học phát triển năng lực của học sinh có một số điểm khác biệt. Cụ thể, phương pháp dạy học cũ chú trọng nội dung, trong khi phương pháp đặt câu hỏi theo phương pháp tích cực chú trọng phát triển năng lực học sinh. Về mục tiêu, câu hỏi theo phương pháp cũ hướng đến kiểm tra, đánh giá, củng cố nội dung kiến thức cơ bản. Học sinh không nhất thiết phải quan sát đánh giá, nội dung bài học. Câu hỏi trong phương pháp mới giúp học sinh phát huy năng lực tư duy, đồng thời giáo viên cũng có thể đánh giá được mức tiến bộ của trò. Về nội dung câu hỏi, phương pháp cũ đảm bảo đơn vị kiến thức bộ môn theo chuẩn kiến thức kỹ năng và không gắn với tình huống thực tiễn. Hệ thống câu hỏi được đặt ra theo chủ quan tư duy của giáo viên trong giới hạn khuôn khổ thời gian tiết học. Phương pháp mới không chỉ đảm bảo kiến thức chuẩn mà kiến thức bộ môn được mở rộng tích hợp với các vấn đề khoa học khác gắn với tình huống thực tiễn. Câu hỏi phát huy được các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và phân loại được học sinh. Về phương pháp đặt câu hỏi, phương pháp cũ chủ yếu tập trung vào người giáo viên hỏi, học sinh trả lời và tiếp thu một cách thụ động. Kỹ năng đặt câu hỏi còn dập khuôn, đơn điệu, gò bó. Phương pháp mới, hệ thống câu hỏi có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh và giữa các học sinh với nhau để từ đó phát triển tư duy đa chiều, đặc biệt chú trọng phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp… kỹ năng đặt câu hỏi đa dạng, phong phú, được lồng ghép trong các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, dự án, trải nghiệm sáng tạo…
Ví dụ, khi dạy học tác phẩm “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, câu hỏi theo phương pháp cũ thường là “Phong cách sống “ngất ngưởng” thể hiện ở “cái ngông hơn đời, hơn người” của Nguyễn Công Trứ được thể hiện như thế nào trong bài thơ?”. Câu hỏi này mang tính áp đặt kiến thức, không có chính kiến của học sinh. Câu hỏi theo phương pháp dạy học tích cực có thể được đặt ra như sau: “Suy nghĩ của em về phong cách sống của Nguyễn Công Trứ trong bài thơ? Em có đồng tình với phong cách sống ấy không? Phong cách ấy có còn phù hợp với ngày nay không?”.
Chia sẻ của cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan tại hội thảo “Kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực học sinh” được trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa chủ trì tổ chức mới đây đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều giáo viên của các trường THPT Hoàng Cầu, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Olympia, THPT Phan Huy Chú – Đống Đa. Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa khẳng định: Nếu như kỹ năng hỏi đem lại hệ thống câu hỏi sáng và mở, đưa ra cảnh báo loại câu hỏi tối và rối thì hoạt động nhóm lại gây bất ngờ bởi đã làm khỏe phần yếu của người Việt nói chung là hợp tác, làm việc nhóm. Hội thảo được tổ chức để giúp giáo viên hiểu và nhận thức đúng để vận dụng đúng về cách đặt câu hỏi, cách tổ chức hoạt động nhóm theo xu hướng đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực học sinh.
Tăng mở, giảm đóng
Nhà tâm lý giáo dục người Mỹ Benjamin Bloom đã chia lĩnh vực tri thức thành sáu phạm trù chủ yếu, sắp xếp theo mức độ tăng dần gồm: Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation). Theo nhiều giáo viên, câu hỏi cho học sinh cũng cần được xây dựng theo mức độ nhận thức tăng dần này và đặc biệt phải tăng lượng câu hỏi mở, hạn chế câu hỏi đóng.
ThS. Nguyễn Thị Châu Loan, tổ Xã hội trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa phân tích: Câu hỏi đóng là câu hỏi mà người học không cần tự trình bày câu trả lời mà lựa chọn từ những đáp án cho trước (có hay không, đúng hay sai). Như vậy trong câu hỏi này, giáo viên đã biết câu trả lời, học sinh được cho trước các đáp án. Câu hỏi mở là những câu hỏi không có lời giải cố định với cả giáo viên và học sinh, có nghĩa câu trả lời là “mở”. Chẳng hạn giáo viên đưa ra một chủ đề, một vấn đề hoặc một tài liệu, học sinh cần tự bình luận, thảo luận về đề tài đó rồi trình bày ý kiến theo cách hiểu và lập luận của mình. Câu hỏi mở được đặc trưng bởi sự trả lời tự do của học sinh và không có lời giải cố định, cho phép các cách tiếp cận khác nhau và dành không gian cho sự tự quyết định của người học. Nó được sử dụng trong việc luyện tập hoặc kiểm tra năng lực vận dụng tri thức từ các lĩnh vực khác nhau để giải quyết vấn đề. Tính độc lập và sáng tạo của học sinh được chú trọng trong việc trả lời câu hỏi dạng này.
Từ kinh nghiệm và tâm huyết 24 năm đứng trên bục giảng, ThS. Nguyễn Kim Anh – giáo viên môn Ngữ văn đã đúc rút ra 4 loại câu hỏi theo thứ tự “Hút – Dẫn – Chốt – Mở”. Các nhóm câu hỏi này đã giúp mỗi giờ giảng của cô giáo Kim Anh luôn căng tràn sinh khí. Cụ thể, câu hỏi “Hút” nhằm cuốn hút người học theo bài học, có thể coi đây là câu hỏi để dẫn dụ để mở lối và đưa người học về nội dung giáo viên giảng dạy. Câu hỏi “Dẫn” có sự định hướng, dự báo và chỉ dẫn cách làm, giúp các em nắm chắc kiến thức của bài học. Câu hỏi “Chốt” là loại câu hỏi để học sinh bày tỏ những hiểu biết cũng như quan điểm về bài học, giúp các em tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng thuyết phục. Câu hỏi “Mở” là câu hỏi nhường toàn quyền cho người trả lời tự định hướng, tự sáng tạo rồi tùy lý giải. Câu hỏi này gợi mở sự khám phá và vận dụng của học sinh.
ThS. Hoàng Thị Liên, giáo viên tổ Hóa – Sinh trường THPT Phan Huy Chú cho biết: Để có hệ thống câu hỏi trên lớp, giáo viên phải lên kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ mục đích hỏi rõ ràng. Các câu hỏi đôi khi thúc đẩy học sinh tìm hiểu các lĩnh vực tư duy mới, thách thức các ý tưởng hiện tại, thăm dò kiến thức hoặc đơn giản chỉ để trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Việc thiết kế dạng câu hỏi tư duy mất rất nhiều thời gian nhưng nó lại mang lại hiệu quả rõ rệt, khắc sâu kiến thức và kích thích sự sáng tạo của học sinh.
Tạo được hệ thống câu hỏi là điều quan trọng nhưng chưa đủ, mỗi giáo viên cần có cách hỏi phù hợp, giống như con người cần được trang bị kỹ năng sống. Theo ThS. Vũ Thị Khánh Hòa (GV trường THPT Phan Huy Chú), một số điều giáo viên không nên làm khi đặt câu hỏi là: Không đặt những câu hỏi mập mờ, khó xác định nội dung; không nên đặt câu hỏi kép hoặc câu hỏi đa diện; không gọi tên người học trước khi đặt câu hỏi; không “bóc lột” những học sinh giỏi, cụ thể là phải hỏi và tạo cơ hội cho tất cả học sinh được hỏi và trả lời. Để giờ giảng hiệu quả, giáo viên nên đặt câu hỏi rõ ràng và khuyến khích tư duy, đồng thời đa dạng hóa câu hỏi, sắp xếp một cách logic và tăng dần độ khó của các câu. Khi hỏi, giáo viên nên quan sát học sinh và giải thích câu hỏi để mọi học sinh đều tham gia vào cuộc thảo luận, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi cho nhau và cho nhận xét. Khi học sinh trả lời sai, giáo viên đừng vội phủ nhận mà nên gợi ý bằng câu hỏi khác để các em hướng sang lối tư duy khác…
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng – Vụ Trung học Phổ thông, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Giáo viên không nên hỏi học sinh những câu hỏi “có không”, và hạn chế những câu hỏi “cái gì?” vì những nội dung đó có sẵn trong sách và học sinh khi hoạt động nhóm chỉ cần nhìn vào sách, nhặt kiến thức, chép vào phiếu chung. Các thầy cô nên hỏi những câu đòi hỏi học sinh tìm hiểu “tại sao?”. Để đặt được câu hỏi đúng, chuẩn trong bài giảng, giáo viên cần biết rằng mỗi loại hoạt động sẽ có loại câu hỏi khác nhau, ví dụ câu hỏi mở đầu tình huống học tập, không nên quá khó khiến học sinh nản, không muốn học. |
Vân Anh (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 75, tháng 3/2016)