Hà Nội sẵn sàng cho công tác thi và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2019-2020

Hà Nội sẵn sàng cho công tác thi và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2019-2020

(GDTĐ) – Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban báo chí về công tác thi và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2019-2020 tại Hà Nội. Đại diện Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng của Sở GD&ĐT Hà Nội; lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, trường THPT đã dự và thông tin tại Hội nghị.

Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT đã tổ chức hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm học 2018-2019, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, công tác tuyển sinh vào lớp 10; phối hợp chặt chẽ với Cty Nhật Cường và Sở TT&TT chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; bổ sung chức năng hỗ trợ công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT; Cung cấp số liệu và dữ liệu điều tra học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 cho các phòng GD&ĐT triển khai công tác giao chỉ tiêu và phân tuyến tuyển sinh; Công bố môn thi thứ tư là môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020….

Đối với công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học giảm hồ sơ học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp. Đảm bảo 5 rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.

Hình thức tuyển sinh trực tuyến thông qua cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov vn (đối với cha mẹ học sinh có điều kiện về công nghệ thông tin) và trực tiếp (đối với cha mẹ học sinh không có điều kiện về công nghệ thông tin); Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chi tiêu được giao. Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo Sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học; Tích cực chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm trực tuyến hỗ trợ tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6.

Tuyển sinh lớp 6 năm 2019 toàn TP có 132.500 học sinh tăng 2.000 học sinh so với năm trước. Đối với các trường THCS, tuyển sinh theo Đề án “Thí điểm đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội” thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh phải thực hiện 02 bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh và môn Toán bằng tiếng Anh…

Đối với trường THCS chất lượng cao, tuyển sinh lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu thì thực hiện xét tuyển hoặc kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, căn cứ vào Điểm tuyển sinh để tuyển sinh (ĐTS = Điểm xét tuyển + Điểm kiểm tra tính hệ số 2).

Về thời gian tuyển sinh, các trường mầm non, tiểu học, THCS sẽ cấp mã số học sinh kèm mật khẩu cho cha mẹ học sinh, hoàn thành trước 25/5/2019. Đăng ký tuyển sinh trực tuyến lớp 1 từ ngày 1-3/7; mầm non 5 tuổi từ 4-6/7; lớp 6 từ 7-9/7; từ ngày 10-12/7, các trường tổng hợp số lượng học sinh đăng ký trực tuyến. Tuyển sinh trực tiếp được thực hiện từ 13-18/7, sau ngày 18/7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo phòng GD&ĐT, căn cứ tình hình thực tế, pPhòng GD&ĐT cho phép các trường được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu, từ 20-22/7.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại phát biểu tại hội nghị

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm nay, số lượng học sinh dự xét tốt nghiệp là 101.453 học sinh; dự kiến, số học sinh đăng ký dự thi khoảng 90 nghìn học sinh (ít hơn năm học trước gần 5 nghìn học sinh); số điểm thi dự kiến khoảng 190  điểm với gần 3.900 phòng thi.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên (bao gồm cả trường THPT Sơn Tây, lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An) được thực hiện bằng phương thức thi tuyển, thời gian tuyển sinh trong 2 ngày, ngày 2/6/2019: Sáng thi môn Ngữ văn, chiều thi môn Toán; ngày 3/6/2019, sáng thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử.

Điểm mới đáng chú ý trong tuyển sinh năm nay là sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, học sinh phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học từ ngày 20-22/6/2019, bằng 2 hình thức, trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, đối với hình thức trực tuyến, học sinh phải đăng nhập tài khoản sổ liên lạc điện tử (PINO) và thực hiện theo các thao tác. Trong thời gian tuyển sinh, học sinh được quyền thay đổi NV trúng tuyển (nếu học sinh có nhiều NV trúng tuyển). Và, đến 24 giờ 00 phút, ngày 22/6/2019, tài khoản của các học sinh sẽ được hệ thống tự động khóa, học sinh không thể thay đổi nguyện vọng trúng tuyển.

Đối với hình thức trực tiếp, học sinh phải nộp bản sao Phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 tại trường có NV trúng tuyển và được nhà trường thực hiện các thao tác. Nếu học sinh muốn đổi NV trúng tuyển, học sinh phải liên hệ với nhà trường để hủy nhập học, trước khi xác nhận nhập học mới.

Giải đáp các câu hỏi của báo chí về các giải pháp hạn chế quá tải trường, lớp học, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội đã hoàn thành và tham mưu với Thành phố Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng thêm nhiều trường học mới; cải tạo nâng cấp nhiều trường học; phân tuyến tuyển sinh hợp lý; bổ sung thêm giáo viên… Đối với học sinh thi vào lớp 10 THPT, ngoài các trường công lập thì học sinh còn có cơ hội học tập tại các trường ngoài công lập và Trung tâm GDNN-GDTX.

Chuẩn bị nghiêm túc cho kì thi THPT quốc gia năm 2019

Phó Giám đốc Phạm Văn Đại thông tin: Để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, Sở đã tổ chức hội nghị phổ biến công tác thi cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, yêu cầu các đơn vị phổ biến quy chế thi tới tất cả CBGV-NV. Sở cũng yêu cầu các trường rà soát chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất của kì thi; tổ chức cho HS học tập quy chế thi nhất là các điểm mới của kì thi. Quy định các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh, phát hành hồ sơ đăng kí dự thi và hướng dẫn thí sinh đăng kí dự thi.

Sở đã thành lập Tổ trực hướng dẫn thí sinh đăng kí dự thi THPT quốc gia và đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH CĐ, TC. Số điện thoại liên hệ của Tổ trực hướng dẫn đã được đăng tải trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên website của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Vừa qua, Sở đã tổ chức khảo sát cho HS lớp 12 toàn TP các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, bài thi KHTN, bài thi KHXH với mức độ khảo sát như đề thi THPT quốc gia để HS làm quen với quy trình thi mới; trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS một cách hiệu quả nhất.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn đề nghị các Sở, ban, ngành của TP, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã giới thiệu cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, trên cơ sở đó trình UBND thành phố ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội năm 2019. Đồng thời phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tổ chức in sao đề thi. Dự kiến số thí sinh ĐKDT tại Hà Nội vào khoảng 78.000, với trên 3300 phòng thi tại khoảng 125 điểm thi.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh; chia phòng thi, tổ chức các điểm thi; tổ chức kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn điểm thi; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng giữ bài thi, đề thi tại các điểm thi và tại các phòng chấm thi…

Chương trình “Sữa học đường” đảm bảo theo đúng qui định, qui chuẩn

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ: Gần đây có nhiều thông tin phản ánh không tốt về chất lượng sữa học đường nhưng lại chưa được xác minh qua các cơ quan chuyên môn liên quan gây hoang mang cho phụ huynh. Ông Tiến khẳng định: Chương trình sữa học đường là thực hiện chủ trương của Chính phủ. Sở GD&ĐT Hà Nội là đơn vị chủ trì triển khai chương trình sữa học đường với sự tư vấn của các đơn vị chuyên môn liên quan. Từ tháng 1/2019, chương trình chính thức triển khai với 60% học sinh đăng ký, đến nay đã có gần 90% học sinh đăng ký tham gia chương trình. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tốt về chương trình. Tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho học sinh tham gia cao chứng tỏ sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh vào chương trình này

Tại buổi họp, bà Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất – Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, căn cứ vào nghiên cứu khoa học cấp viện về hiệu quả bổ sung với sản phẩm có tên gọi sữa tươi tiệt trùng Vinamilk có bổ sung vi chất dinh dưỡng cho thấy, việc bổ sung các vi chất có trong sản phẩm nêu trên là tốt ở tất cả các chỉ số so với nhóm đối chứng.

Bà Vân cũng khẳng định, hàm lượng của các loại vi chất dinh dưỡng được bổ sung vào sữa học đường mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến nghị phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Hiện nay, theo góc độ nghiên cứu và các tài liệu cũng cho thấy, chưa nhận được bất kỳ nghiên cứu nào nói việc bổ sung vi chất trong sữa Vinamilk đang cung cấp trong chương trình “Sữa học đường” tại Hà Nội là không tốt cho sức khỏe.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho biết, theo Quyết định 1340 ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học đến năm 2020 thì không có bất kỳ quy định nào cấm bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa để sử dụng cho chương trình “Sữa học đường”. Việc bổ sung các vi chất khác đã nêu trong quyết định là do doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, không được vượt quá so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam ở từng độ tuổi khác nhau.

Ông Nhiên cho biết thêm, chương trình sữa học đường liên quan trực tiếp đến việc cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam – tương lai của đất nước, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo nên Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra Bộ Y tế đều có chương tình thanh tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường. Đến nay, qua thanh tra, lấy mẫu sản phẩm gửi về các Viện đầu ngành để kiểm nghiệm, chưa phát hiện có vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ chương trình sữa học đường, đặc biệt là chưa phát hiện có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm sữa học đường.

Với sản phẩm đang được dùng trong chương trình “Sữa học đường” tại Hà Nội là sữa Vinamilk, căn cứ báo cáo công ty, hồ sợ tự công bố sản phẩm cho thấy, sản phẩm sữa tươi tiệt trùng Vinamilk có hàm lượng sữa tươi đạt 99,7% đối với loại không đường và 96% loại có đường. Như vậy, hàm lượng sữa tươi trong sản phẩm sữa học đường đạt gần 100% và không có thành phần sữa bột.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã trả lời câu hỏi của nột số cơ quan báo chí liên quan đến tình hình giáo dục trên địa bàn thành phố đang được dư luận quan tâm như việc xử lí những thông tin về thầy giáo nghi dâm ô HS tại trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai), việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, việc giải quyết các trường hợp giáo viên có nguy cơ mất việc tại huyện Sóc Sơn trước kì thi viên chức của TP…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Hà Nội hiện có mật độ dân số đông với số dân cư cơ học tăng nhanh. Điều này gây áp lực cho các cấp, ngành của TP, trong đó có ngành GD&ĐT. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã nỗ lực đạt kết quả toàn diện trên mọi mặt hoạt động, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của BCH TW đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo… Đ/c Trần Xuân Hà đề nghị: báo chí cần đồng hành với ngành GD&ĐT Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền sự quan tâm của  Đảng, Nhà nước đối với giáo dục; phản ánh các thành tích mà toàn ngành đã nỗ lực đạt được; tăng cường giới thiệu các mô hình giáo dục hay, các gương nhà giáo điển hình, tiên tiến; tuyên truyền những điểm mới, điểm cần lưu ý trong công tác thi và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp…; hạn chế đưa thông tin một chiều gây hoang mang dư luận…

Kiều Giang