Sẵn sàng cho Ngày hội CNTT cấp Thành phố

Sẵn sàng cho Ngày hội CNTT cấp Thành phố

(GDTĐ) – Hướng đến Ngày hội CNTT cấp Thành phố sẽ diễn ra vào tháng 4 tới, thời gian qua, nhiều quận, huyện đã tổ chức Ngày hội CNTT, tạo điều kiện cho CBGV-NV các nhà trường giao lưu học tập, chia sẻ những sản phẩm công nghệ sáng tạo ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy, đồng thời chọn ra những sản phẩm ứng dụng CNTT chất lượng nhất tham gia Ngày hội CNTT cấp Thành phố với chủ đề “Giáo dục thông minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Sôi nổi Ngày hội CNTT của các quận, huyện

Để chuẩn bị cho Ngày hội CNTT, ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và phát động phong trào thi đua động viên CBGV-NV hưởng ứng Ngày hội. Các nhà trường đã tích cực đầu tư hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và trong các hoạt động giáo dục khác. Phong trào xây dựng giáo án điện tử, bài giảng E-learning, kho học liệu điện tử, phần mềm tích hợp với bảng tương tác thông minh và một số phần mềm hỗ trợ công tác dạy và học… được đông đảo CBGV-NV hưởng ứng tham gia.

Tại Ngày hội CNTT cấp quận, huyện, hàng ngàn sản phẩm CNTT của 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS đã được trưng bày. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Ngày hội CNTT của ngành GD&ĐT các quận, huyện đã tổ chức thi kỹ năng CNTT cho CBGV-NV các nhà trường.

 

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang cho biết: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới với một thế hệ học sinh thông minh, năng động, hướng tiếp cận nhanh, khả năng phát huy và sáng tạo vận dụng sức mạnh tri thức toàn cầu hội nhập là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức đối với các nhà giáo dục chính là nguy cơ tụt hậu, không bắt kịp những thay đổi như vũ bão của làn sóng CNTT, khả năng ứng dụng CNTT vào thực tế giảng dạy và đào tạo còn nhiều hạn chế… Ý thức được điều này, ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm, chú trọng triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả thiết thực như: đầu tư nhiều thiết bị CNTT hiện đại tại các phòng học chức năng và đại trà, sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, kho học liệu mở, nhiều giờ học tích hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ năng CNTT được nâng cao… Ngày hội CNTT ngành GD&ĐT quận lần thứ IV được tổ chức là điều kiện để các nhà trường giới thiệu các sản phẩm, các giải pháp CNTT tiêu biểu đã ứng dụng thành công trong quản lý và giảng dạy; tạo môi trường và cơ hội giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới về ứng dụng CNTT trong GD&ĐT…

Cũng như vậy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương chia sẻ: Ngay từ khi thành lập, ngành GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã xây dựng các đề án, chương trình đầu tư phát triển giáo dục bao gồm việc đầu tư xây dựng trường học ứng dụng CNTT, giải pháp lớp học thông minh gắn liền với bồi dưỡng, nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; tăng cường các nội dung đào tạo về công nghệ, tin học cho học sinh. Ngày hội CNTT được tổ chức còn là dịp để phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu, tâm huyết, sáng tạo trong việc triển khai giải pháp ứng dụng CNTT lan tỏa tích cực trong toàn ngành, nâng cao giải pháp “Giáo dục thông minh trong thời kì hội nhập quốc tế”.

Tham gia Ngày hội cấp huyện, 65 trường trên địa bàn huyện Thanh Trì đã mang đến gian trưng bày của đơn vị mình những sản phẩm ứng dụng CNTT hiệu quả nhất. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Lê cho biết: Mỗi năm, UBND huyện đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho các nhà trường phục vụ công tác dạy – học. Hiện nay tất cả các trường đều có đủ giáo viên dạy tin học và có 1 đến 2 phòng tin học với đầy đủ máy tính kết nối mạng internet. Các thầy cô giáo đã không ngừng khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và điều hành, cải tiến, làm mới, bổ sung, làm giàu thêm bộ đồ dùng dạy học trong các nhà trường. Tính đến nay, tại các trường đã có 1.408 sản phẩm CNTT, 874 bài giảng E-learning, 32.314 bài giảng Powerpoint và tất cả các trường đều có webiste đang hoạt động.

Bên cạnh các gian trưng bày sản phẩm, một trong những điểm nhấn trong Ngày hội CNTT của các quận, huyện năm nay là việc tổ chức các hội thảo xoay quanh các giải pháp dạy học và ứng dụng công nghệ – giáo dục thông minh trong thời kì hội nhập quốc tế với các nội dung như: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và giáo dục; Tư duy máy tính dành cho giáo dục phổ thông; Thuyết minh một số bài giảng E-learning chất lượng cao; Ứng dụng công nghệ Skype giảng dạy lớp học không biên giới; Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và Maching learning trong dạy học; Ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng; giới thiệu các sản phẩm E-learning tiêu biểu… Tại Ngày hội CNTT ngành GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, các giáo viên đã mang đến hội thảo sản phẩm E-learning tiêu biểu, là những bài giảng điện tử đã được các giáo viên và nhà trường ứng dụng hiệu quả trong dạy học. Mỗi bài giảng mang một nội dung khác nhau, ở các môn học, cấp học khác nhau nhưng đều thể hiện sự sáng tạo, đổi mới và ứng dụng CNTT một cách thiết thực, mang tính tương tác và truyền thụ kiến thức cao của các thầy cô giáo.

Nhiều sản phẩm sáng tạo được giới thiệu tại Ngày hội

Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh- Hiệu trưởng THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng): Ngày hội CNTT thực sự là môi trường lý tưởng, bổ ích để cán bộ giáo viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy. Sự sáng tạo trong giáo dục, đào tạo là không có giới hạn, điều này được thể hiện rõ nét từ những sản phẩm CNTT tham gia Ngày hội.

Giáo viên giới thiệu sản phẩm CNTT

Cô giáo Vân Anh cho biết: Tham gia Ngày hội cấp quận, THCS Lê Ngọc Hân mang đến những sản phẩm CNTT là những bài giảng E-learning, phần mềm dạy học, đồ dùng dạy học được các GV xây dựng và ứng dụng hiệu quả trong các giờ học, môn học… đặc biệt là sản phẩm Điện năng- Ngôi nhà thông minh, sử dụng trong dạy tích hợp môn Vật Lý, Công nghệ, Sinh, Hóa. Đây là mô hình bài giảng tuy còn đơn giản, nhưng đã bắt đầu hướng tới nghiên cứu khoa học STEM trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như đón bắt chương trình phổ thông mới, yêu cầu dạy tích hợp các môn học. Bên cạnh đó, trường còn tham gia hội thảo với bài giảng “Vùng Châu Nam Cực” do các giáo viên trẻ thực hiện. Đây là bài giảng sáng tạo, giúp học sinh có sự tương tác hiệu quả với người dạy, hứng thú thể hiện suy nghĩ của mình về kiến thức bài học. Bài giảng được thiết kế với sự hỗ trợ của các phần mềm, mạng Internet góp phần phá bỏ lối dạy đọc- chép, lôi cuốn học sinh vào tìm hiểu kiến thức một cách khoa học và hấp dẫn…

Cô giáo Trần Thị Thu Hoài- Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) thì chia sẻ: Tôi mang đến Ngày hội bài giảng điện tử “Thiên nhiên Châu Âu” lớp 7. Để thiết kế hoàn thiện một bài giảng như thế này, tôi mất khoảng 2 tuần, từ cài đặt phần mềm, tìm kiếm nguồn tư liệu trên sách, báo, mạng Internet đến thu âm, quay hình ảnh, sau đó xử lý đồng bộ với nhau… Học sinh rất thích thú khi tham gia những tiết học như vậy, các em khá tự tin phát biểu suy nghĩ của mình. Đi kèm với bài giảng là những bài tập tương tác, trò chơi đã kích thích sự khám phá, sáng tạo tìm tòi kiến thức của học sinh. Các em còn có thể kiểm tra được kiến thức mà mình đã học. Vì vậy, giờ học trở nên sinh động và hiệu quả hơn.

Cô giáo Vũ Thị Thắm –Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cũng  cho biết: Các bài giảng ứng dụng CNTT sẽ giúp giáo viên giảm bớt được cách dạy thủ công tiếp cận với phương pháp dạy học mới tạo hứng thú học tập cho học sinh. Để xây dựng được các bài giảng như vậy đòi hỏi giáo viên cũng phải nỗ lực nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của đổi mới.

Mang đến Ngày hội CNTT của quận Bắc Từ Liêm những sản phẩm phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Thảo – Trường Mầm non Hồ Tùng Mậu nhận định: Sản phẩm dạy học truyền thống ngày nay được các giáo viên cải tiến, đồng thời tạo điều kiện cho chính học sinh sáng tạo ra các đồ dùng dạy học để các em hiểu bài, hào hứng, thích thú và vận dụng kiến thức tốt hơn. Ứng dụng CNTT, kết hợp với các đồ dùng dạy học truyền thống sẽ làm tăng hiệu quả bài giảng, giúp học sinh nắm bắt kiến thức sinh động và có chiều sâu.

Với cô giáo Nguyễn Thu Thủy- trường MN Chất lượng cao 20/10 (quận Hoàn Kiếm): Trong thời đại công nghệ số, việc ứng dụng CNTT vào dạy và học là rất cần thiết. Với cấp học MN, nhiều ý kiến cho rằng trẻ MN khó tiếp cận với CNTT, với các phần mềm dạy học, nhưng điều này không còn phù hợp khi mà hiện nay trẻ em rất thông minh, nhạy bén và ưa khám phá, tìm tòi. Việc giáo viên ứng dụng CNTT vào bài giảng khiến trẻ tự tin, thích thú học và tương tác với cô nhiều hơn. Có thể nói, cho trẻ MN làm quen bước đầu với CNTT rất quan trọng, là cơ sở để các em tiếp cận sâu với CNTT ở những cấp học sau.

Tuy nhiên, theo cô giáo Dương Mai Phương: Giáo viên ứng dụng CNTT chứ không lạm dụng, ảnh hưởng đến kết quả giáo dục học sinh. Trẻ MN khi học, làm quen với các kiến thức được nghe, xem và tương tác sẽ hiệu quả hơn. Giáo viên tuy phải mất nhiều thời gian để xây dựng các bài giảng điện tử nhưng lại giảm tải được các thao tác khác, giảm tải việc sử dụng đồ dùng trực quan thực tế, ví dụ như khi giới thiệu với trẻ về con voi, việc cho trẻ xem một bức tranh sẽ không thể hiệu quả bằng hình ảnh được trình chiếu với sự hỗ trợ của CNTT có hình ảnh, âm thanh sắc nét, chân thực và sống động….

Nhóm PV – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017