Số phận chìm nổi của phim tài liệu “Chuyện tử tế”
(GDTĐ) – Năm 1987, nhiều người đã phải xếp hàng để được xem bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Để đến được với đông đảo công chúng, tác phẩm đã phải trải qua một chặng đường sóng gió. Điều lạ là, gần một năm qua, tại Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế… khán giả đã tổ chức các buổi chiếu phim để kỷ niệm gần 30 năm ngày “Chuyện tử tế” ra đời. Sức hấp dẫn của bộ phim không nằm ở thủ pháp nghệ thuật cao siêu mà ở điều cốt lõi trong mỗi con người, mỗi xã hội, đó là những việc làm tử tế…
Đi tìm lời giải cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”
Những ngày đầu đông, gió mưa lây phây, đạo diễn gạo cội của điện ảnh phim tài liệu Việt Nam- đạo diễn Trần Văn Thủy đã có buổi trò chuyện với chúng tôi về những bộ phim mang tính thời sự gần 30 năm qua, nhưng lại trải qua một chặng đường khá sóng gió. Ở tuổi 76, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn nhớ từng chi tiết, từng câu thoại trong Chuyện tử tế cũng như các bộ phim khác ông đã làm. Đạo diễn Trần Văn Thủy nói, nhờ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà phim “Hà Nội trong mắt ai” thoát khỏi vòng lao lý. Còn “Chuyện tử tế” ra được cũng là do thời thế của Đại hội 6.
Làm “Chuyện tử tế” xong đã lâu, nhưng vì vướng mắc với “Hà Nội trong mắt ai” nên ông không dám đưa bộ phim đi duyệt. Sáng 7/10/1987, ông được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện riêng về “Hà Nội trong mắt ai” và khuyên Trần Văn Thủy nên làm phần 2. Được lời như cởi tấm lòng, đạo diễn Trần Văn Thủy trả lời: “Vâng, tôi xin hứa là chắc chắn sẽ có tập 2 ạ”. Tan họp, ông phi xe về Hãng phim tài liệu, nhờ họa sĩ ghi hộ chữ “tập 2” dưới tên phim “Chuyện tử tế” dù khi đó bộ phim đã làm xong được 2 năm. Do vậy, “Chuyện tử tế” được coi là phần 2 của “Hà Nội trong mắt ai” nhưng trên thực tế không liên quan gì đến nhau.
Khi làm bộ phim “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thủy đã đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”. Bộ phim là chuỗi dài những câu hỏi để truy đến cùng sự tử tế mà đôi khi những câu hỏi, những sự kiện có phần đụng chạm đến nhiều người trong bối cảnh thời gian đó.
Sự thật đó là cảnh ngộ, thân phận con người trong hơn 20 bộ phim tài liệu của ông. Sự thật đó cũng là những lận đận, khó khăn của hành trình đưa các bộ phim tới công chúng. Ông nói: “Những bộ phim đầu tiên tôi làm, rất bản năng, nhưng tình cờ đều xoay quanh thân phận con người.”
“Chuyện tử tế”, được xem là phần hai của “Hà Nội trong mắt ai”, xoay quanh việc đi tìm khái niệm thế nào là sự tử tế, bằng cách đi vào tâm tư, thân phận của từng con người trong xã hội khi đó, để nói rằng: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình” như lời Karl Mark. Chuyện kể về người bạn Đồng Xuân Thuyết của đạo diễn trong những ngày tháng cuối đời khi lâm bệnh ung thư, một người bình thường nhưng sống có tình nghĩa, chân thành khiến bạn bè thương, tin – một đại diện của lòng tử tế. Chuyện về những người mắc phong bị rẻ rúng, miệt thị; những người bơm xe là thượng tá, trung tá đã tham gia chiến tranh và có công lao, những người làm gạch ở thôn quê… và mọi số phận trong xã hội.
Ông kể: Khi tôi bắt đầu làm bộ phim “Chuyện tử tế”, lúc đó, công cuộc đổi mới chưa bắt đầu, tình người đùm bọc lẫn nhau còn nồng ấm. Tôi thực hiện hoàn toàn theo linh tính mách bảo chứ không nghĩ ngợi sâu sắc, tôi cũng không phải người có thể dự đoán được nhu cầu của xã hội hay các vấn đề xã hội đặt ra.
Nhiều người nghĩ tôi sẽ sớm bị bắt khi “ném” vào xã hội 2 “quả bom” như “Hà Nội trong mắt ai” hay “Chuyện tử tế”… Tôi thực hiện 2 bộ phim này như ma làm. Mẹ tôi đã khóc khi biết chuyện, bà bảo tôi: “Sao em rể con cũng làm phim tài liệu, nhưng nó còn mang được trứng gà, trứng vịt về. Còn con cứ như đi buôn bạc giả”. Nhưng đúng là trong huyết quản của tôi đã như vậy. Tôi không giải thích được cặn kẽ lý do tại sao tôi có thể thực hiện 2 bộ phim chấn động chỉ trong vài năm. Tôi là học trò của đạo diễn lừng danh Liên Xô Roman Carmen và tôi luôn hứa với thầy sẽ thực hiện những bộ phim xứng đáng với những gì đã được học tại xứ sở Bạch Dương…
Và sau mọi gian nan, trắc trở, “Hà Nội trong mắt ai” sau này đoạt giải Vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988. “Chuyện tử tế” cũng giành giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig và được đạo diễn Mỹ nổi tiếng John Giavito đề cử “Chuyện tử tế” là 1 trong 10 bộ phim hay nhất thế giới mọi thời đại…
Khi lòng tin… ít đi
“So với thời điểm tôi thực hiện “Chuyện tử tế” của thời bao cấp, ngày nay, tình cảm con người đã không còn như trước, dù vật chất no đủ hơn. Nhưng mặc đẹp mãi cũng chán, ăn ngon mãi cũng chán, chỉ có quan hệ giữa người với người tốt đẹp mới giúp xã hội văn minh hơn. Người Việt Nam cần sống cho tử tế, hướng tới những điều tốt đẹp”, ông bày tỏ.
Nói về sự tử tế đã đổi thay như thế nào trong xã hội xưa và nay, Trần Văn Thủy đúc kết trong hai chữ “lòng tin”. Vị đạo diễn hồi tưởng: “30 năm trước, ai cũng biết đời sống kinh tế -xã hội của Việt Nam khó khăn đến mức nào. Ra đường không có mấy xe máy, đi xe đạp, đi bộ là chính, không có điện thoại, vi tính… Nhưng lòng tin thì có. Giờ cái gì cũng hiện đại hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn nhưng lòng tin thì lại ít đi.
Đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự, sau khi bộ phim “Chuyện tử tế” được nhiều người biết đến, nhiều hãng phim nước ngoài đã đặt ông làm phim. Năm 1992, ông được Nhật Bản đặt hàng và tài trợ cho một bộ phim nhựa với yêu cầu duy nhất là phản ánh chân thực đời sống người dân Việt Nam. Để thực hiện dự án này, ông chọn làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) làm bối cảnh. Ở thời điểm đó, làng Phù Lãng cực kỳ nghèo khổ, sống chủ yếu bằng nghề đất nung. Nhưng người dân sống với nhau hết sức tình nghĩa, cha thương con, vợ thương chồng, dì ghẻ nuôi con chồng. Và khi đưa bộ phim cho phía Nhật Bản nghiệm thu, họ đã sửng sốt và đề nghị được đổi tên phim thành “Chuyện cổ tích của đời nay”. Nguyên nhân là bởi vì “ngày trước Nhật Bản chúng tôi đã nghèo như thế, và thậm chí nghèo hơn thế. Nhưng chúng tôi tử tế hơn bây giờ”. Sau hơn 20 năm, câu nói này vẫn khiến ông vô cùng thấm thía.
Đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự :“Do điều kiện công việc, hoàn cảnh sống, tôi cũng được đi đến nhiều nơi, tôi hiểu ra rằng vật chất thuần túy không cứu rỗi được con người mà phải có văn hóa, đạo đức, tôn giáo, truyền thống ngàn xưa để lại. Những điều cần thiết cho cuộc sống là “đường ăn, nhẽ ở” của con người. Nói thì dài, nhưng từ xưa các cụ thường dạy thế này: “Ở đời này, khôn dại giỏi dốt không biết, nhưng con phải chú ý đường ăn, nhẽ ở”. Xét cho cùng “đường ăn, nhẽ ở” là cái hồn vía, cái cốt cách của cuộc sống. Nếu nói về chỉ số hạnh phúc, người ta nói đến phương tiện đi lại, ăn ở, mức sống, môi trường… đều đúng cả. Nhưng, giàu có quá, tiện nghi quá, văn minh quá mà quan hệ giữa người với người không tốt thì không thể tìm thấy hạnh phúc, tuyệt đối không có hạnh phúc”.
Và ông đau đáu: Các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta nhiều lời răn dạy đạo đức và sự tử tế. Không cần mất nhiều thời gian, chúng ta sẽ thấy kho tàng đạo đức tiền nhân để lại cho chúng ta rất lớn qua ca dao tục ngữ…. Bấy lâu nay, chúng ta đã hướng con người đi theo giá trị ảo. Chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về những giá trị đích thực, cốt lõi của đời sống. Người ta thường nói: “Muốn xã hội trật tự, tử tế phải dựa vào 3 chân kiềng. Đó là đạo đức, pháp luật và đức tin tôn giáo. Nhân đây, cho phép tôi nhắc lại 1 đoạn lời bình ở phần đầu bộ phim Chuyện tử tế mà tôi cho rằng rất cần thiết: “… Hãy hướng con trẻ và cả người lớn vào việc học làm người tử tế trước khi mong muốn họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang siêu phàm…”.
Miên Thảo, nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 84, tháng 12/2016