Thiếu tướng- Nhạc sỹ An Thuyên: Mãi mãi “sống giữa bao nhiêu ân tình”

Thiếu tướng- Nhạc sỹ An Thuyên: Mãi mãi “sống giữa bao nhiêu ân tình”

(GDTĐ) – Thiếu tướng – nhạc sỹ An Thuyên đã vội đi xa… Nhưng tôi tin, rồi hồn anh mãi “neo đậu bến quê”! Giai điệu, lời ca của An Thuyên sẽ mãi sống giữa ân tình của quê hương, đất nước.

 

Nhạc sĩ An Thuyên

Tôi và nhạc sỹ An Thuyên biết nhau từ những năm tám mươi, thời gian tôi công tác tại trường ĐHSP Vinh. Khi anh chuyển ra Hà Nội làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội (sau là trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau. Nhưng có lẽ cuộc trò chuyện lâu nhất giữa tôi và nhạc sỹ An Thuyên là vào cuối năm 2014, tại Hà Nội, khi tôi đặt vấn đề muốn viết bài báo nhân 20 năm ca khúc “Mẹ Việt Nam Anh hùng” của anh ra đời (1995-2015).

Trong văn phòng của anh tại khách sạn Bảo Sơn, giữa những chiếc máy hát cổ mà An Thuyên công phu sưu tầm từ khắp nơi, anh đã kể cho tôi nghe về sự ra đời của ca khúc này. Tôi bộc bạch với An Thuyên rằng Báo Phụ nữ Thủ đô, nơi tôi làm phóng viên, đã từng có vinh dự nhận nuôi dưỡng một “Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho tới lúc Mẹ về cõi vĩnh hằng. Và tuy gia đình tôi không có ai là Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần nghe ca khúc này vang lên trên đài phát thanh, trên truyền hình hay trong bất kỳ sự kiện lớn, nhỏ nào, thì tôi cũng không cầm được nước mắt.

Cũng trong buổi trò chuyện hôm ấy, chủ yếu An Thuyên nói về chuyện nghề và tiếp đó là việc anh cùng mọi người đang khẩn trương chuẩn bị cho ra đời Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Giữa câu chuyện, tôi có nhắc đến ca khúc “Neo đậu bến quê”, An Thuyên cho hay ít ai biết được bên trong tình cảm da diết, đau đáu của một người con đối với quê hương, lại là tâm trạng, là một nỗi bức xúc do công việc. “Thời gian đó, tưởng chừng tôi chỉ muốn trở về quê hương ngay để được thanh thản, để được neo đậu bến quê”, An Thuyên chia sẻ.

Trước lúc tạm biệt, An Thuyên tặng tôi một cuốn sổ tay có đóng dấu “Thiếu tướng-nhạc sỹ An Thuyên” và xiết tay tôi, nói: “Ông viết về ca khúc “Mẹ Việt Nam Anh hùng” tôi rất cảm ơn, nhưng nhớ đừng đề cao tác giả. Tôi chỉ muốn nói lên lời biết ơn đến tất cả các bà mẹ trên mọi miền đất nước đã dâng hiến đàn con thân yêu của mình cho sự nghiệp giành độc lập-tự do cho Tổ quốc. Sự hy sinh lớn lao, cao cả và thiêng liêng ấy đã giúp cho tôi có được cảm xúc mãnh liệt, dâng trào sáng tác nên ca khúc này”. Bài báo của tôi sau đó đã được đăng trên trang Văn hóa – Văn nghệ Báo Công an nhân dân.

Dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/2015 vừa qua, tôi đã thực hiện chuyến đi vào Quảng Nam với mục đích dâng hương tại khu tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hôm đó, đứng dưới trời nắng chang chang tôi thầm hát ca khúc này và tôi gọi điện cho nhạc sỹ An Thuyên, rằng tôi sẽ xin phép thay mặt An Thuyên thắp nén nhang trước tượng đài mẹ Thứ, anh xúc động cảm ơn. Tôi ước mong khi hạng mục Bảo tàng Mẹ Việt Nam Anh hùng đưa vào hoạt động, thì bản nhạc “Mẹ Việt Nam Anh hùng” của nhạc sỹ An Thuyên sẽ được trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, những người đến viếng sẽ đi trong âm hưởng của ca khúc “Mẹ Việt Nam Anh hùng” đầy xúc động và tự hào ngân vang trên hệ thống loa truyền thanh tại khu vực quảng trường tượng đài.

“Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non/ Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…”.

Sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ nhất, như cơ duyên, một doanh nhân cựu chiến binh có ngôi biệt thự đẹp tọa lạc trên đường Trích Sài sát Hồ Tây, đã tha thiết mời anh chuyển trụ sở Hiệp hội về nhà mình. An Thuyên phấn khởi lắm. Hôm làm lễ khai trương trụ sở mới, tôi đến rất sớm với lẵng hoa đẹp để chúc mừng, chúng tôi lại có dịp ngồi trò chuyện với nhau. Nhắc đến “Tổng tập bài hát thiếu nhi Việt Nam” mang tên “Giai điệu tuổi thần tiên” (do An Thuyên làm chủ biên), anh cho biết anh đang dốc sức cùng một số nhạc sĩ để thực hiện công trình này. Đây là công trình âm nhạc thiếu nhi đồ sộ, rất có ý nghĩa mà anh đã ấp ủ từ lâu, chắc chắn anh cùng bè bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cũng như về kinh phí. Công ty TNHH An Việt, nơi anh làm Giám đốc và Hội Âm nhạc Hà Nội, NXB Giáo dục đã hoàn thành tập 1 gồm 4 cuốn.

Cũng mới hôm nào đây thôi, nhạc sỹ An Thuyên còn gọi cho tôi, báo tin thu xếp để đi cùng anh và một số nhà báo, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ vào Hoàng Mai, Nghệ An theo lời mời của lãnh đạo thị xã. Anh nói: “Từ khi thị trấn Hoàng Mai được nâng lên thành thị xã, mình cũng muốn viết được cái gì đó”. Tôi biết, là người con xứ Nghệ, nếu có thể làm gì được cho quê hương, An Thuyên không bao giờ ngần ngại.

Có cơ duyên 15 năm sống và làm việc tại Nghệ An, nên tôi tự cho mình ít nhiều hiểu được đất và người xứ Nghệ, cũng nhờ thời gian này mà tôi biết được vẻ đẹp sâu lắng của dân ca Nghệ Tĩnh. Và cũng dễ hiểu vì sao, các nhạc sỹ sinh ra và trưởng thành từ vùng quê này, đều khai thác vốn quý của dân ca Nghệ Tĩnh để làm nguồn cảm hứng cho các sáng tác của mình.

Sinh năm 1949, tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, ngay từ nhỏ, tâm hồn An Thuyên đã được nuôi dưỡng bằng sức sống của những làn điệu ví dặm của quê nhà. Cả nhà anh đều say mê hoạt động nghệ thuật, mà cha anh là trụ cột, ông luôn dạy các con mình sống nhận hậu với mọi người và đem lời ca tiếng hát đến với bà con làng xóm. Lên 11 tuổi, An Thuyên đã chơi đàn giỏi, thổi sáo hay, đảm đương phần tấu nhạc cho “gánh hát” gia đình. Năm 15 tuổi An Thuyên đã sáng tác ca khúc.

Năm 1967, được nhà thơ Trần Hữu Thung động viên, anh vào làm việc tại Ty Văn hóa Nghệ An. Đáng chú ý là trong thời gian làm việc tại đây, An Thuyên được giao nhiệm vụ đi đến các địa phương để sưu tầm các làn điệu dân ca, 4 năm liền anh được thả hồn mình phiêu diêu trong từng câu hát, trong từng làn điệu ví dặm của ông cha đẹp đến nao lòng. Năm 1975, vào bộ đội và làm việc tại đoàn văn công Quân khu 4, An Thuyên được thực sự sống trong bầu không khí ấm áp tình đồng đội, ngày đêm say sưa luyện tập, đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội và nhân dân. Chính nhờ không khí này, mà ca khúc “Em chọn lối này” đã ra đời, ghi dấu ấn bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc của An Thuyên.

Đêm 3/6/2015, bất ngờ và đau đớn khi hay tin nhạc sỹ An Thuyên đột ngột qua đời, chị Phạm Mỹ Hạnh, một trong những đồng đội của anh trong Đội Văn nghệ xung kích – Bộ CHQS Nghệ Tĩnh đã chia sẻ: Hồi năm 1976, đội văn nghệ chúng tôi được lệnh lên huyện Kỳ Sơn biểu diễn phục vụ một đơn vị bộ đội đóng quân bảo vệ biên giới Việt- Lào. Tôi nhớ như in là chị em chúng tôi đang nghỉ trưa trong một nhà sàn của bà con dân bản thì anh An Thuyên đến gọi: “Các em dậy ngay đi để tập bài hát mới, tối ta còn biểu diễn”. Và tối hôm đó, tốp ca nữ đã trình bày bài hát “Em chọn lối này” và được các chiến sĩ, bà con dân bản xuýt xoa khen hay và vỗ tay động viên rất lâu. Sau đó, mọi người mới biết trưa hôm ấy An Thuyên đã ngồi một mình bên bờ suối để sáng tác “Em chọn lối này”. Không ngờ ca khúc ấy đã khiến cho công chúng bắt đầu để ý và yêu mến nhạc sỹ An Thuyên.

 

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, Thiếu tướng – nhạc sỹ An Thuyên vinh dự được nhận nhiều giải thưởng:
Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc với bài  “Tiếng đàn Balalaica trên sông Đà” (1985); Giải chính thức của Bộ Quốc phòng với bài “Hành quân lên Tây Bắc” (1984) và “Thư tình của núi”; Giải Nhất của Bộ VH-TT và Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài “Khi xe tăng qua miền quan họ” (1985), “Mẹ Việt Nam Anh hùng” (1995). Nhạc sỹ An Thuyên  cũng là người đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam: Giải Nhì với bài “Chín bậc tình yêu” (1992); giải Nhất với “Bài ca người tình báo” (2000), giải Nhất với bài: “Đi tìm bóng núi” (2004); giải Nhì hợp xướng “Chào Việt Nam thênh thang mùa Xuân” (2004).
Năm 2007, nhạc sỹ An Thuyên được Nhà nước trao giải thưởng về Văn học Nghệ thuật với chùm tác phẩm: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”.

Nhiều sáng tác của nhạc sỹ An Thuyên hòa quyện dân ca xứ Nghệ một cách mượt mà, tự nhiên. Dường như để đáp lại ân tình của quê hương đã cho mình được uống dòng sữa ngọt ngào của dân ca, An Thuyên đã cho ra đời các ca khúc đậm đà tình cảm sâu nặng với đất và người Nghệ Tĩnh. Anh thực sự là một nhạc sỹ tinh tế trong giai điệu nhưng anh cũng là một thi sĩ rất trau chuốt trong ca từ. Ta có thể bắt gặp những câu ca in hình ảnh đẹp, lãng mạn như “Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ… bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng…” hay “Đã có lần em giận hờn tôi, đêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi… vầng trăng lại sáng trong hơn trên đồng”. Tình cảm sâu nặng với xứ Nghệ luôn phảng phất trong các ca khúc của An Thuyên, và tâm hồn, cốt cách của con người xứ Nghệ lại làm nên vẻ đẹp lấp lánh cho hồn cốt các ca khúc của anh, để không thể trộn lẫn với ai được mà “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi” là những minh chứng.

Để cùng hát khúc dân ca quê mình
Để tôi sống giữ bao nhiêu ân tình
Bao ân tình, mộc mạc làng quê

Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh

Tôi dám chắc, chỉ những ai đã sống ở Nghệ An – Hà Tĩnh mới hiểu hết cái hay da diết của những lời ca trên. Trong một lần đi công tác ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, tôi đã gặp một cô giáo hát rất ngọt ca khúc này, tới mức tôi tưởng cô phải là người xứ Nghệ. Nhưng hóa ra không phải, và cô đem thắc mắc hỏi tôi: Vì sao lại “gọi nhau râm ran chè xanh” vậy anh? Tôi giải thích, chỉ ở xứ Nghệ mới có cái cử chỉ ân tình ấy. Đó là bất kỳ nhà nào nếu vừa nấu chín nồi nước chè xanh (đúng nghĩa là chè chát và phải nấu cả lá lẫn cành mới ngon) thì đều cất tiếng mời hàng xóm sang cùng thưởng thức.

Vậy mà đột ngột quá, bất ngờ quá, Thiếu tướng – nhạc sỹ An Thuyên đã vội đi xa… Nhưng tôi tin, rồi hồn anh mãi mãi “neo đậu bến quê”! Giai điệu, lời ca của An Thuyên sẽ mãi mãi sống giữa ân tình của quê hương, đất nước, sống mãi trong lòng công chúng – những người yêu quý, trân trọngcác tác phẩm âm nhạc của anh.

 

Từ Ngọc Lang, báo Phụ nữ Thủ đô