Nhìn nhận từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Nhìn nhận từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015

(GDTĐ) – Lần đầu tiên sau nhiều năm ba chung tuyển sinh ĐH, ở Việt Nam lại có một kì thi diễn ra trong nhiều ngày, từ 1 đến 4/7. Và cũng lần đầu tiên sau 5 năm, tỷ lệ tốt nghiệp đã giảm xuống đáng kể (91,88%, so với năm trước là 99%). Lý giải cho điều này, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng điểm liệt đã kéo theo tỷ lệ tốt nghiệp giảm và cũng thể hiện sự nghiêm túc hơn của kì thi…

“Cơn mưa” điểm liệt

Trong tổng số trên 670.000 bài thi môn Toán có tới  trên 240.000 bài thi dưới trung bình, hàng chục bài thi dưới 2 điểm. Đây cũng là môn thi có số bài thi điểm 0 nhiều nhất, 2670 bài. Môn Tiếng Anh có khoảng trên 50.000 bài thi từ 2 điểm trở xuống, có khoảng trên 400.000 bài thi dưới trung bình, trong tổng số 551.904 bài thi. Các môn Hóa học, Vật lý, Địa lý là những môn thi có điểm thi khả quan hơn các môn còn lại. Đạt điểm tối đa môn Hóa học có 130 bài thi, Địa lý 84 bài, Toán 85 bài, Sinh học có 35 bài, Tiếng Anh có 55 bài, Lịch sử có 10 bài, Vật lý 1 bài. Môn Văn không có điểm tối đa, điểm 9,75 là cao nhất có 7 bài. So với thời kỳ mưa điểm 0 môn Lịch sử trước đây, điểm Lịch sử năm nay khả quan hơn khi chỉ có trên 1000 bài từ 1 trở xuống, trong khi có tới trên 2000 bài thi đạt từ 9 trở lên.

Phổ biến quy chế thi cho thí sinh

Mặc dù theo quy chế thi THPT quốc gia 2015 vẫn duy trì điểm liệt của môn thi là 1 điểm và cách tính điểm xét tốt nghiệp vẫn giống như năm 2014 nhưng tỉ lệ tốt nghiệp đã giảm đáng kể. Lý giải điều này, dễ hiểu nhất đó là do đề thi năm nay tuy không khó bằng đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở những năm trước nhưng khó hơn nhiều so với đề thi của các môn tương ứng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Dẫu đề thi đã có tính phân hóa khá cao để ít nhất thí sinh cũng không bị điểm liệt, đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Thế nhưng, sự chênh lệch quá lớn số thí sinh bị điểm liệt ở môn Toán với các môn khác, kết quả thấp của học sinh ở môn ngoại ngữ cũng là vấn đề cần nhìn lại ở việc học thực chất ở phổ thông.

Kì thi này, theo các chuyên gia tuyển sinh, do lộ trình quá gấp gáp nên nhiều người khi được hỏi về quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT cho biết chưa thấy sự phổ cập rộng rãi, do vậy phụ huynh không nắm cụ thể hết những thay đổi này.

Thêm nữa, nếu như trước đó, nhiều phụ huynh và thí sinh cho rằng, năm nay môn ngoại ngữ đã trở thành môn thi bắt buộc trong 3 môn tiêu chuẩn xét tuyển THPT, điều này sẽ bất lợi cho các thí sinh học kém môn ngoại ngữ và các thí sinh muốn dự thi khối A, B những năm trước không cần phải thi môn này. Song thực tế, ở môn Toán với số bài thi dẫn đầu về điểm 0 (2670 bài) đã khiến các chuyên gia Toán không hiểu các em đã học gì ở phổ thông, khi mà đề thi có những câu gần như cho không điểm các em.

Đặc biệt, những quyết định thay đổi quy chế Bộ GD&ĐT đưa ra quá gấp rút, chỉ 9 tháng từ khi ra quyết định đến khi bắt đầu kỳ thi. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh lại cho rằng việc áp dụng quy chế mới như vậy sẽ giảm áp lực trong việc học cho thí sinh. Những năm trước thí sinh phải thi 2 đợt thi tốt nghiệp và thi đại học, nay chỉ cần tập trung cho 1 kỳ thi. Việc bắt buộc thi ngoại ngữ là điều nên làm bởi ngoại ngữ giờ đây trở nên phổ biến và thông dụng. Trong tình hình kinh tế hội nhập như hiện nay, việc học ngoại ngữ là điều nên quy định bắt buộc. Đương nhiên khi thi rút gọn thí sinh sẽ bị áp lực, vì điểm thi giờ đây mang tính quyết định không chỉ đến kết quả tốt nghiệp mà còn cả đến việc chọn nghề, chọn trường ĐH, CĐ trong thời gian tới.

Nhận định chung về chất lượng kết quả thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với đề thi có hai mục đích như năm nay (60% các kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao) kết quả thi của các thí sinh tốt hơn kết quả thi đại học năm ngoái. Với kết quả này, phổ điểm năm nay sẽ tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ dễ dàng thực hiện công tác tuyển sinh.

Đánh giá chung của các Sở GD&ĐT là dù điểm ở các cụm thi do địa phương chủ trì năm nay thấp hơn mọi năm nhưng các thầy cô cũng không ngờ tới lại có quá nhiều điểm liệt như vậy. Bởi nếu không bị điểm liệt, năm nay cách tính điểm tốt nghiệp THPT là ngoài xét kết quả 4 môn thi thì 50% số điểm còn lại là kết quả học lực của lớp 12, cộng thêm các điểm ưu tiên… vì thế, thí sinh chỉ cần đạt 3-4 điểm là đỗ tốt nghiệp. Do vậy, dù phổ điểm thấp hơn nhưng cộng cả điểm học lực lớp 12, điểm ưu tiên với học sinh miền núi, điểm học nghề… thì chỉ trừ những thí sinh bị điểm liệt và tất cả các môn đều thấp, còn lại hầu hết đều có môn nọ bù cho môn kia đủ điểm để đạt tốt nghiệp.

Lo… dai dẳng thí sinh “ảo”

Có thể nói, theo các chuyên gia tuyển sinh, với kì thi này, cái được trước hết cho các thí sinh sẽ không phải di chuyển quá xa, các em không phải trải qua 3-4 kì thi trong mùa hè như mọi năm. Và khi xét tuyển các em có nhiều lựa chọn theo khả năng của mình. Hơn nữa, thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kỳ thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu của các trường, các ngành đào tạo và điểm thi của mình để đăng ký dự tuyển vào trường đại học, cao đẳng phù hợp. Thay đổi này tránh cho thí sinh phải chịu rủi ro, không bỏ sót những đối tượng có kết quả tốt nhưng vẫn trượt bởi đăng ký vào ngành quá sức mình.

Thí sinh nghiêm túc làm bài thi

Tuy nhiên, về phía các trường ĐH dù không có thí sinh ảo và giảm bù lỗ trong khâu tổ chức thi nhưng kì tuyển sinh sẽ phải tới cuối tháng 8 mới biết có bao nhiêu thí sinh đến với mình. Hiện tượng thí sinh “ảo” sẽ xảy ra ở kì xét tuyển là không tránh khỏi.

Để chuẩn bị cho kì thi này, tại các cụm thi, có sự phối hợp an ninh trật tự khá cao giữa trường ĐH và địa phương. GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho rằng, đây là năm đầu thực hiện thì có thể hơi căng thẳng nhưng từ năm sau, không cần huy động quá nhiều cả hệ thống chính quyền vào cuộc như thế này bởi không tới mức quá lo lắng như vậy.

Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH thì việc TS có tới 16 NV xét tuyển và thời gian xét tuyển quá dài sẽ khiến cho các trường phải đối mặt với tình trạng TS “ảo” lớn và khiến một số trường bị động trong việc gọi đủ chỉ tiêu. Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết: Quy định mới về xét tuyển tạo nhiều cơ hội cho TS, giảm rủi ro điểm cao vẫn trượt đại học, nhưng các trường sẽ khó khăn vì lượng TS “ảo”. Nếu khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu thì trường sẽ phải tuyển sinh nhiều đợt. Căn cứ vào kết quả làm bài thi thực tế của TS, sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ đưa ra ngưỡng điểm tối thiểu để lấy đó làm căn cứ nhận hồ sơ xét tuyển vào trường. Ngày 21/8, sau khi đã chốt danh sách, chúng tôi có thể định điểm trúng tuyển bằng cách đếm từ trên xuống đến đủ chỉ tiêu”. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Việc chia thành nhiều đợt và kéo dài xét tuyển đến tháng 11, TS có nhiều NV sẽ khiến cho công tác xét tuyển khá phức tạp, vất vả. Trường sẽ dùng biện pháp nếu TS nào trúng tuyển đợt 1 thì đương nhiên trường sẽ giữ hồ sơ lại. Lãnh đạo ĐH Thủy Lợi cũng cho biết, sẽ chốt thời gian nhận hồ sơ TS để tránh việc TS nộp hồ sơ rồi, thấy trường khác lấy điểm thấp lại rút hồ sơ. Nếu không đủ chỉ tiêu trường lại phải gọi thêm, cứ kéo dài dai dẳng đến tháng 11 rất mệt.

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Bộ GD&ĐT nói sẽ hạn chế được TS “ảo” trong kỳ thi này nhưng thực chất “ảo” sẽ rất nhiều. Bộ cho xét tuyển nhiều đợt kéo dài đến tháng 11 sẽ làm cho các trường phải quay cuồng trong cuộc đua giành TS, nhất là đối với các trường tốp giữa, tốp dưới.

Có “chọn” đúng thí sinh?

Một chuyên gia giáo dục phân tích, mục đích tốt nghiệp THPT đã tương đối được ưu tiên trong đề thi năm nay, bởi nếu tỷ lệ tốt nghiệp thấp sẽ gây “sốc” cho xã hội. Chính vì thế, việc cấu trúc đề thi chỉ 30% còn lại để xét tuyển vào ĐH không thể đủ tạo ra một sự phân loại, và trên thực tế các câu còn lại là câu thuộc loại khó chỉ thí sinh giỏi mới làm được. Như vậy, không thể phân loại thí sinh trung bình và trung bình khá (đối tượng tuyển của đa số trường tốp giữa).

GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: “Chẳng qua đây là đề thi có 2 phần và người ta đã  kết hợp 2 nửa cuộc thi thành 1 cuộc thi chung. Hai nửa cuộc thi liệu có thể giải quyết được vấn đề không? Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho địa phương trực tiếp quản lý. Việc xét tuyển ĐH giao cho các trường ĐH tổ chức để họ có thể tuyển chọn được đúng người có năng lực, phù hợp với ngành nghề, chất lượng đào tạo. Lúc đó, kỳ thi quốc gia sẽ giảm áp lực thực sự”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay nhiều nước giao việc thi tốt nghiệp THPT cho trường THPT làm, ĐH được tự chủ tuyển sinh, vì sao ta không làm như vậy? PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập Việt Nam cũng cùng quan điểm: “Bộ nên giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường ĐH. Còn với kỳ thi THPT nên chuyển về cho các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức và sẽ có chế tài xử lý nghiêm. Chúng tôi ủng hộ cải tiến kỳ thi tuyển sinh ĐH theo mô hình thi theo đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.Với chất lượng của học sinh như hiện nay, thì tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có thể đạt được 70%. Đề thi ra mà không phản ánh đúng với thực tế học sinh thì kỳ thi đó không thể coi là thành công. Sau kỳ thi này nên xem xét lại cách thức của kỳ thi THPT Quốc gia”.

Bên cạnh đó, năm nay có một sự cào bằng khi mà Bằng tốt nghiệp THPT không phân loại khá, giỏi, trung bình. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ cần chứng nhận tốt nghiệp thì nên chăng bỏ kì thi này cho khỏi vất vả, tốn kém. Thế nhưng, với thực tế về những “cơn mưa” điểm 0, đặc biệt ở môn Toán, GS Văn Như Cương cho rằng, không thể bỏ kì thi này, bởi nếu bỏ thi, các em sẽ không còn động lực để học.

Như vậy, nói gì thì nói, dù còn nhiều điều phải tiếp tục điều chỉnh. Nhưng có lẽ, tỷ lệ tốt nghiệp giảm dù không mấy “sốc”, nhưng riêng ở môn Toán, các thầy cô thực sự “sốc” khi mà quá nhiều em bị điểm liệt. Dạy và học như thế nào để chúng ta nhìn đúng vào chất lượng và thực tế, để việc phân luồng được tốt hơn là điều mà xã hội đang mong đợi, chứ không phải chỉ là việc thi hay không thi tốt nghiệp…

 

Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 67, tháng 8/2015