Giáo dục phòng, chống tham nhũng cho học sinh: Vì lợi ích lâu dài
(GDTĐ) – Nói đến phòng, chống, tham nhũng, nhiều người cho rằng, đó là vấn đề vĩ mô, thuộc về trách nhiệm của người lớn. Trên thực tế, nội dung phòng, chống tham nhũng đã và đang được đưa vào giảng dạy tại các trường THPT và mang lại lợi ích to lớn. Không chỉ giúp học sinh nắm rõ Luật, nội dung quan trọng này còn hình thành cho các em ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, biết phát hiện và phòng, chống tham nhũng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, các em không còn bàng quan trước thời cuộc và có thêm ý chí, quyết tâm phấn đấu xây dựng nước nhà ngày càng trong sạch, hưng thịnh.
“Đánh thức” cả thầy lẫn trò
Nói về vai trò của công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng, bà Hồ Xuân Hương – PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng: Việc đưa giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các trường THPT trên địa bàn Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng, trực tiếp góp phần củng cố các chuẩn mực đạo đức, xây dựng niềm tin, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của tất cả giáo viên và học sinh Thủ đô.
Đối với học sinh, hiểu biết pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một bộ phận của học vấn và ý thức pháp luật, là thành phần quan trọng không thể thiếu của nhân cách. Thông qua giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhà trường, các em được trang bị những tri thức pháp luật, xây dựng, hình thành ở các em lối sống, học tập và làm việc theo pháp luật với đầy đủ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người công dân.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thì đẩy mạnh giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, tích cực ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đơn vị mình, góp phần xây dựng nhà trường trong sạch, vững mạnh.
Công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng cho học sinh từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 BCH TW Đảng khóa X (trong đó đã yêu cầu “Đưa nội dung Luật phòng, chống tham nhũng… vào chương trình giáo dục”); Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bắt đầu từ năm học 2013 – 2014.
Trên thực tế, bắt đầu từ năm học 2013 – 2014, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố. Qua 3 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu như: xây dựng và triển khai mô hình chỉ đạo điểm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại 2 trường THPT; nội dung phòng, chống tham nhũng được 100% trường THPT tích hợp, lồng ghép vào môn học Giáo dục Công dân với thời lượng 6 tiết (được phân bổ trong 3 năm từ lớp 10 đến lớp 12). Song song với những nội dung chương trình chính khóa nêu trên thì các trường cũng chú trọng nội dung chương trình giáo dục ngoại khóa thông qua các hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về phòng, chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử của trường…
Hiện tất cả các giáo viên môn GDCD tham gia giảng dạy tích hợp phòng chống tham nhũng và giáo viên dạy môn GDCD đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trình độ đào tạo đúng chuyên ngành. Hà Nội cũng tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng , trong đó có 1 lớp dành cho cán bộ quản lý, 4 lớp dành cho tất cả các giáo viên dạy môn GDCD các trường THPT với tổng số người tham gia là hơn 400 cán bộ, giáo viên. Tổ chức chuyên đề tập huấn cho tổ trưởng và nhóm trưởng chuyên môn, mời các chuyên gia nói chuyện về vấn đề phòng chống tham nhũng để nâng cao hiểu biết và cung cấp các thông tin cần thiết cho giáo viên. Đồng thời, bồi dưỡng về phương pháp, cách thức tích hợp để nội dung bài giảng sinh động và đảm bảo đủ lượng kiến thức phòng chống tham nhũng.
Hình thức triển khai đã có sự đa dạng hơn từ các giờ sinh hoạt dưới cờ, các buổi sinh hoạt có nội dung cụ thể như tiết kiệm điện, nước… đến việc tích hợp trong bài giảng môn GDCD. Hiệu quả của công tác giảng dạy được thể hiện rõ, đối với học sinh, các em được trang bị kiến thức cơ bản nhất về vấn đề phòng, chống tham nhũng, có những biểu hiện nhất định để có thể bày tỏ thái độ và cách giải quyết khi gặp phải vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Dạy phòng, chống tham nhũng cần phân chia nội dung một cách phù hợp
Mặc dù đã phát huy hiệu quả nhưng thực tế giảng dạy phòng chống tham nhũng tại các trường cho thấy một số tồn tại. Đây là một nội dung mới nên hiểu biết của giáo viên giảng dạy môn GDCD trong vấn đề này còn nhiều hạn chế và chủ yếu là tự tìm hiểu, đọc thông tin trên mạng Internet, vì vậy giáo viên sẽ khó khăn khi lựa chọn những nội dung, kiến thức đưa vào bài để sao cho phù hợp với yêu cầu, thời lượng và mức độ tích hợp. Nội dung phòng, chống tham nhũng chỉ được lồng ghép ở một phần nhỏ trong môn học GDCD (với thời lượng 2 tiết/năm học) do vậy không bảo đảm truyền tải những nội dung cơ bản của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Đối với học sinh, nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Tài liệu tham khảo phòng, chống tham nhũng cho giáo viên giảng dạy môn GDCD, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các trường còn thiếu.
Theo ông Nguyễn Văn Phương – Thanh tra viên cao cấp, Trưởng phòng nghiệp vụ 1, Thanh tra Bộ GD&ĐT, dạy phòng chống tham nhũng cho học sinh không nên tham mà cần có sự phân chia một cách phù hợp. Đồng thời, cần đưa ra những dẫn chứng từ thực tiễn cuộc sống để học sinh dễ nắm bắt vấn đề, từ đó có nhận thức đúng đắn để phát hiện và tránh mắc phải sai lầm. Cụ thể, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Như vậy thì việc bắt học sinh đi học thêm chính là hành vi tham nhũng. Khi dạy phòng, chống tham nhũng thì chính những người cán bộ quản lý, giáo viên phải là những tấm gương để học sinh noi theo.
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng tại các nhà trường, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng chuyên đề “Đẩy mạnh công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố” do bà Hồ Xuân Hương – PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội làm chủ nhiệm.
Mục tiêu cụ thể của chuyên đề này là năm 2017 tất cả giáo viên của các trường THPT trên địa bàn thành phố được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến năm 2018, tất cả học sinh của các trường THPT trên địa bàn thành phố được tiếp cận kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Vũ Toàn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 96, tháng 12/2017