Đâu rồi lặng lẽ Sapa?

Đâu rồi lặng lẽ Sapa?

(GDTĐ) – Cách đây hơn 10 năm, tôi lên Sapa 3 ngày và mang theo về Hà Nội hình ảnh một Sapa mờ sương, yên bình, hoang sơ và trong lành; một Sapa lặng lẽ như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long. Hình ảnh này đã không còn mà thay vào đó là sự ồn ã, khác lạ, cả Sapa như một đại công trường xây dựng khi mới đây tôi có dịp trở lại thị trấn nhỏ bé này.

Diện mạo mới ở nơi gặp gỡ đất trời

“Sapa chiều nghiêng huyền thoại, mặt trời mọc lên từ má em / Phố nhỏ hiện lên từ trong mây, ơi Sapa nơi gặp gỡ đất trời”- Có lẽ nhạc sĩ Phùng Chiến đã đong đầy cảm xúc lắm, yêu lắm vùng đất này mới viết lên những ca từ “đắt” như vậy về đất và người Sapa.

 

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km, Sapa vốn hấp dẫn du khách bởi những cái tên như Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Fansipan, Núi Hàm Rồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi đá khắc cổ… cùng với khí hậu trong lành. Đến với Sapa, chỉ trong một ngày ta cũng có thể cảm nhận được tiết trời đủ bốn mùa: buổi sáng man mác như mùa xuân, buổi trưa như vào hạ, buổi chiều mây và sương xuống tạo cảm giác như trời thu và ban đêm là se sắt đông về… Sapa còn là “vương quốc” của hoa trái, với nhiều loại nổi tiếng như đào, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa lan, hoa cúc, hoa hồng. Và nơi đây cũng nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp chạy dài theo những con núi, quanh co theo những cung đường.

Không chỉ có cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, Sapa còn mang trong mình sự đa dạng văn hóa dân tộc với các di sản độc đáo. Đó chính là những yếu tố khiến du khách mê mẩn với Sapa. Ngay cả các cộng đồng người dân tộc thiểu số – những chủ nhân của Sapa với lối sống mộc mạc, bình dị cũng là một yếu tố bí ẩn kích thích sự tò mò, muốn khám phá của du khách.

Thế nhưng, những nét đẹp riêng có này của Sapa đang dần bị phá vỡ bởi tốc độ xây dựng nhanh đến chóng mặt. Ngày hay đêm khắp thị trấn đều rền vang tiếng máy khoan, máy xúc, tiếng gầm rú của xe ben chở vật liệu. Đi kèm với đó là bụi, bụi phủ mờ các căn nhà nhỏ, làm ủ rũ những bụi hồng mong manh… Rải khắp thị trấn là đủ các công trình khách sạn 4,5 sao, resort cao cấp; những ngôi nhà với đủ kiểu cách xây dựng, đủ bảng hiệu, làm cho du khách có cảm giác như một cô gái lòe loẹt với “hương đồng cỏ nội bay đi… quá nhiều”.

Tiếng sáo tiếng khèn hay những phiên chợ tình nổi tiếng giờ đây được thay thế bằng tiếng máy khoan, tiếng máy đóng cọc, tiếng xe cộ chở sỏi đá khói bụi mịt mù. …

Sự phát triển nóng, lượng khách tới ngày càng đông trong khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa theo kịp đang là tác nhân khiến cho Sapa mất dần vẻ yên bình, lặng lẽ hấp dẫn khách du lịch bao năm qua. Thị trấn nhỏ bé này dường như đang quá tải, nhất là vào những dịp nghỉ lễ dài ngày. Cảnh ách tắc diễn ra nhiều hơn. Nguyên do là đường nhỏ mà lượng xe cộ, trong đó xe tải, xe khách lưu thông thì ngày càng nhiều lên, bất chấp các qui định về giao thông.

Ảnh minh họa

Nếu như vài năm trước đây, báo chí phản ánh tình trạng du khách đến với Sapa luôn cảm thấy phiền lòng do bị chèo kéo mua hàng; không chỉ người lớn, rất nhiều em nhỏ người dân tộc thiểu số tham gia vào đội quân bán hàng rong thì giờ đây, tình trạng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện đâu đó hình ảnh các em nhỏ chừng 6-10 tuổi tay cầm mấy món quà lưu niệm, lưng địu một em bé khác chỉ chừng vài tháng tuổi đi theo nài nỉ khách mua hàng. Không hiểu việc học hành của các em thế nào? Và thật nhói lòng khi thấy tiếng khóc của đứa bé nằm gọn sau lưng đứa lớn. Không lẽ cách kiếm tiền này vẫn không “buông” cho những đứa trẻ?

Phát triển cần tính đến bảo tồn

Sự chậm trễ, mà đáng lý phải đi trước một bước của công tác quy hoạch và quản lý đã biến Sapa thành một thứ không còn rõ hình hài. Sapa thực chất đã mang một diện mạo mới lạ lẫm kể từ ngày nó được xem là một điểm đến của du khách; bị xới nát với một tốc độ xây dựng không thể nào cứu vãn.

Thực tế, Sapa vẫn có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch và vẫn còn cơ hội xây dựng lại hình ảnh. Vấn đề là làm thế nào để có thể phát triển du lịch một cách bền vững, vừa mang lại thu nhập cao cho người dân, vừa giữ gìn được cảnh quan môi trường, vừa có thể bảo tồn và phát huy bản sắc của các dân tộc bản địa?

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sapa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ quan điểm chú trọng khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển khu du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch cho Sapa.Theo quy hoạch, diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sapa là 1.500ha. Không gian du lịch sẽ được mở rộng theo hướng hình thành một đô thị du lịch Sapa và 4 phân khu du lịch, gồm: Bản Khoang – Tả Giàng Phình (thuộc xã Bản Khoang và Tả Giàng Phình); Tả Phìn (thuộc xã Tả Phìn); Tả Van – Séo Mý Tỷ (thuộc xã Tả Van) và Thanh Kim (thuộc xã Thanh Kim), có sự kết nối với huyện Bát Xát. Sản phẩm du lịch chính của Sapa hướng tới là: Du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Trong đó, Sapa đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người dân bản địa theo các chương trình du lịch…

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, khu du lịch Sapa đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trước năm 2030, khu du lịch quốc gia Sapa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Hy vọng việc thực hiện quy hoạch này với các nhóm giải pháp cụ thể, Sapa sẽ xây dựng lại hình ảnh của mình là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, thân thiện, độc đáo, yên bình và văn minh. Để du khách lại được cảm nhận về một Sapa mờ sương, réo rắt tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn. Để lại được sống trong không gian yên bình, nơi trời đất gặp nhau, giao thoa giữa những làn mây bồng bềnh, kỳ ảo… Hãy trả lại một Sapa lặng lẽ, yên bình và đậm chất thơ mê hoặc lòng người như nó vốn có dù là trong một sắc vóc mới hiện đại hơn, qui mô hơn.

Anh Trà – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019