Quản lý dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực học sinh

Quản lý dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực học sinh

(GDTĐ) – Dạy học theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ chú ý rèn luyện cho người học năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, mà còn gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Những năm gần đây, dạy học theo quan điểm phát triển năng lực học sinh đã được áp dụng rộng rãi trong các nhà trường, các cấp học. Bài viết này nghiên cứu một trường hợp cụ thể là các biện pháp quản lý dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực HS ở trường Tiểu học Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Công tác quản lý, chỉ đạo dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực học sinh sẽ có tác động tích cực đến các hoạt động dạy học. Để việc quản lý dạy học đạt hiệu quả cao, cần tiến hành một số biện pháp:

Bồi dưỡng nhận thức cho CBQL

Để bồi dưỡng nhận thức cho CBQL các trường Tiểu học về vai trò và tầm quan trọng trong quản lý dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực HS cần đề ra một số giải pháp như: Quan tâm bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ CBQL về các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chiến lược phát triển GD; Tăng cường đánh giá đội ngũ CBQL theo chuẩn Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, đánh giá tập trung vào các tiêu chí như mức độ, hiệu quả thực hiện các chức năng quản lý; Tăng cường ứng dụng CNTT và truyền thông vào công tác quản lý các hoạt động giáo dục của nhà trường; Tăng cường nâng cao nhận thức của CBQL về tầm quan trọng của môn Toán đối với phát triển tư duy của HS cũng như vai trò của CBQL đối với công tác quản lý dạy học môn Toán theo hướng phát triển năng lực HS; Khuyến khích CBQL các nhà trường tăng cường tự học, tự bồi dưỡng để cập nhật và nâng cao trình độ, năng lực quản lý; Tham gia học hỏi trường bạn, các điển hình tiên tiến để áp dụng có hiệu quả vào công tác quản lý; Tăng cường tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức về khoa học quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiệp vụ sư phạm và nghiệp vụ quản lý cho CBQL và cán bộ nguồn.

Chỉ đạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV Toán

Bồi dưỡng GV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay và phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.

Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ GV dựa trên kế hoạch chung của Phòng GD&ĐT, sắp xếp phân công GV phù hợp với đối tượng HS. Có kế hoạch bồi dưỡng khoa học, triển khai việc thực hiện bồi dưỡng đạt hiệu quả, có chính sách đãi ngộ hợp l‎ý.

Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn nhắc nhở thường xuyên việc tự học thông qua kế hoạch tự bồi dưỡng, coi đây là nội dung kiểm tra, là tiêu chí đánh giá GV hàng năm.

+ Hình thức tự học, tự bồi dưỡng phải đa dạng phong phú, có thể tự nghiên cứu tài liệu, sách báo, nghiên cứu thực tế giảng dạy hoặc nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GV ngay trong lao động sư phạm của họ. Bổ sung cho GV những kiến thức mang tính công cụ để thực hiện các khâu soạn bài, giảng bài và đánh giá kết quả dạy học.

+ Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng phù hợp thông qua hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức hội giảng, hội thi GV giỏi, tổ chức học tập theo chuyên đề. Ngoài ra, đầu tư xây dựng tủ sách, mua sắm thiết bị dạy học, tổ chức cho GV tự nghiên cứu và ứng dụng khoa học, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

+ Tổ chức viết và ứng dụng SKKN của cá nhân, tập thể cùng với việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề và chuyên môn trong nhà trường, mời các trường bạn tham gia cùng trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh

Quản lý việc khai thác và sử dụng thiết bị dạy học

Tăng cường đầu tư, mua sắm bổ sung mới các phương tiện dạy học hiện đại, đa năng, ứng dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động dạy học.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ nghề nghiệp của GV trong đổi mới PPDH theo hướng phát triển năng lực HS. Sử dụng đồ dùng dạy học một cách thường xuyên, hợp lý và hiệu quả.

CBQL, GV có ý thức về bảo vệ, bảo quản thiết bị dạy học, có sáng kiến cải tiến hoặc tự làm đồ dùng dạy học. Cần tuyên truyền và quán triệt cho GV thấy được những lợi ích và sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sử dụng đồ dùng dạy học trong mỗi giờ dạy. CBQL, Hiệu trưởng cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng đồ dùng dạy học của GV khi lên lớp, tích cực ứng dụng CNTT và truyền thông vào hoạt động dạy học Toán.

Có kế hoạch bồi dưỡng cho GV kỹ năng sử dụng các phương tiện dạy học phù hợp, hiệu quả. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên phụ trách CSVC, thiết bị dạy học về công tác quản lý CSVC, đồ dùng thiết bị dạy học.

Cán bộ quản lý các cấp cần quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí phù hợp để đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho hoạt động dạy học môn Toán ở Tiểu học.

Quản lý việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn

Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn trong các tổ/nhóm phù hợp với điều kiện của trường đáp ứng nhu cầu đổi mới PPDH. Tổ chức triển khai kế hoạch theo tinh thần nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho đội ngũ GV. Rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động sinh hoạt.

Bồi dưỡng GV thông qua hội thảo, sinh hoạt chuyên đề từ cấp tổ chuyên môn, cấp trường về các nội dung: kiến thức khó, đổi mới phương pháp, tích hợp trong dạy học, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, kỹ thuật xây dựng đề kiểm tra …

Chỉ đạo tổ chuyên môn phân công GV có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn vững kèm các GV mới ra trường hoặc chưa vững vàng về chuyên môn và phương pháp giảng dạy thông qua việc trao đổi nội dung, phương pháp của bài dạy, dự giờ rút kinh nghiệm, hướng dẫn soạn bài, xử lí các tình huống sư phạm.

Triển khai công tác viết SKKN, khuyến khích cán bộ, GV cải tiến, làm mới đồ dùng dạy học, tham gia viết tài liệu và vận dụng các sáng kiến, giải pháp đã được xếp loại cao của ngành, của nhà trường vào công tác quản lý, giảng dạy. Tăng cường liên kết, hợp tác, giao lưu với các trường, đơn vị giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, xúc tiến chia sẻ kinh nghiệm giáo dục. Tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời sau các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn.

Đổi mới quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS

Kiểm tra trong quản lý dạy học là phương thức thu nhận thông tin về tình hình chất lượng, nội dung, về tổ chức nhằm kịp thời điều chỉnh sai lệch làm cho quá trình dạy học đạt hiệu quả, mục đích đã đặt ra.

Kiểm tra, đánh giá để giữ kỷ luật làm việc trong trường học, động viên khuyến khích tinh thần làm việc của GV; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, phân công GV; xây dựng, bổ sung công tác bồi dưỡng.

Kiểm tra dựa trên quy chế chuyên môn, chức năng của quản lý nhằm thực hiện quy định về giáo dục TH. Trên cơ sở đó có căn cứ đánh giá xếp loại GV chính xác, phân công hợp lí, tổ chức bồi dưỡng có hiệu quả.

Ngoài ra, kiểm tra các kế hoạch, hồ sơ chuyên môn; Kiểm tra việc thực hiện chuyên cần và quy định đối với GV (ngày công, giờ công, tinh thần trách nhiệm, ý thức, thái độ tham gia các hoạt động và nội dung công tác được phân công); Kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục và dạy học; Đánh giá kết quả các nội dung công việc được giao của GV.

Triển khai kiểm tra việc thực hiện qui chế chuyên môn gồm kiểm tra thường xuyên, thông qua các hoạt động chuyên môn và được tiến hành trong suốt năm học; Kiểm tra đột xuất vào một thời điểm bất kỳ nhằm đánh giá thực trạng hoạt động dạy học; Kiểm tra kết quả công việc để điều chỉnh hoạt động dạy.

Hiệu trưởng phân công nhiệm vụ cho các bộ phận tiến hành kiểm tra. Ngoài việc kiểm tra, giám sát thông qua kết quả báo cáo của các khối chuyên môn được ủy quyền, Hiệu trưởng trực tiếp tham gia cùng các bộ phận để giám sát, chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời, đồng thời phải có kế hoạch dự giờ đột xuất, tham dự các tiết thi GV giỏi các cấp để có thể nắm chính xác thực trạng và động viên tinh thần GV.

Các giải pháp nêu trên có mối quan hệ với nhau, hỗ trợ nhau trong việc nâng cao chất lượng quản lý dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực HS. Tùy vào điều kiện, đặc điểm tình hình của mỗi đơn vị mà Hiệu trưởng có thể áp dụng các biện pháp một cách khoa học, đồng bộ, linh hoạt và hợp lý.

Phạm Thị Mai Thanh (Trường TH Ngọc Thụy, quận Long Biên) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 103, tháng 8/2018