Đổi mới phương pháp giảng dạy Thơ Đường

Đổi mới phương pháp giảng dạy Thơ Đường

(GDTĐ) – Trong số này, Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng- trường THCS Nguyễn Công Trứ đoạt giải B cấp ngành năm học 2014-2015 với đề tài “Đổi mới phương pháp giảng dạy Thơ Đường môn ngữ văn 7″.

Trong giảng dạy nói chung, dạy thơ văn nói riêng hiện nay trong trường THCS luôn được giáo viên đặt ra vấn đề: Dạy như thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh? Dạy như thế nào để đạt mục tiêu giáo dục? Riêng với mảng thơ Đường – mảng văn học có ảnh hưởng rất lớn tới thơ ca trung cận đại Việt Nam ra đời cách xa chúng ta tới mười mấy thế kỷ, ngôn từ Hán, thể thơ Đường, cảm xúc suy nghĩ của người xưa là những khó khăn cho học sinh trong việc tiếp cận, hiểu các tác phẩm. Do vậy, việc dạy thơ Đường cho học sinh THCS, cụ thể là học sinh lớp 7 theo tinh thần đổi mới phương pháp theo hướng tích cực, tích hợp sao cho dễ hiểu là điều cần thiết.

Có nhiều biện pháp, nhiều hình thức tổ chức hướng dẫn cho học sinh tiếp nhận văn bản. Giáo viên cần tùy vào đối tượng học sinh, vào hoàn cảnh để vận dụng cho phù hợp.

 

Đọc sáng tạo

Đọc sáng tạo là phương pháp đặc biệt với bộ môn văn. Đọc sáng tạo bao gồm cả đọc thầm, đọc thành tiếng. Mỗi người đọc đem phần kinh nghiệm sống, vốn văn hóa riêng của mình vào việc tiếp nhận văn bản, tiếp nhận một cách chủ động sáng tạo. Đọc diễn cảm là một hình thức của đọc sáng tạo.

Nếu hoạt động này làm tốt sẽ giúp học sinh hình dung, tưởng tượng nội dung ẩn chứa trong bài. Chỉ khi nào thực sự hiểu, cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn bản, lúc đó mới có thể đọc diễn cảm được và ngược lại, đọc diễn cảm văn bản cũng chính là cách giúp học sinh hiểu sâu hơn về văn bản. Với thơ Đường giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc chính xác từ ngữ, đúng giọng điệu, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. GV có thể đọc mẫu trước rồi gọi HS đọc.

Ví dụ:

Bài 1: Xa ngắm thác núi Lư của Lý Bạch.

Giáo viên đọc, sau đó hướng dẫn học sinh đọc: Giọng phấn chấn, ngợi ca, nhấn mạnh các từ “vọng”, “quải”, “nghi”. Bản dịch nên đọc chậm rõ theo nhịp 4/3.

Bài 2: Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Lý Bạch.

Cần đọc giọng chậm, buồn, tình cảm, nhịp 2/3.

Bài 3: Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Hạ Tri Chương.

Đọc với giọng buồn, chậm, nhịp 3/4 hai câu cuối giọng hỏi.

Bài 4: Bài ca nhà tranh bị gió thu phá – Đỗ Phủ.

Đọc chậm giọng buồn, nhấn mạnh những từ ngữ, hình ảnh đối lập. Chú ý đúng mức bản dịch thơ, dịch nghĩa và phiên âm.

Trong phần hướng dẫn đọc – hiểu văn bản, phần luyện tập đã có hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh tìm hiểu văn bản rút ra kết luận khoa học cần thiết nhưng vẫn đòi hỏi sự sáng tạo, gia công sư phạm của giáo viên để giờ học văn thực sự hứng thú với các em, thu hút các em vào hoạt động tìm hiểu tác phẩm.

Chú ý mối quan hệ của các câu thơ và mạch cảm xúc trong từng bài

Cùng là thơ Đường nhưng mỗi bài có một sự sáng tạo riêng. Ở bài “Xa ngắm thác núi Lư” với bố cục 1/3 (Câu một là phông nền cho bức tranh, ba câu sau đặc tả cảnh thác). Bài “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê có bố cục 2/2 (Hai câu đầu là sự thay đổi của bản thân theo năm tháng, hai câu sau là một tình huống và tâm trạng của tác giả). Bài “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá lại có kết cấu bốn phần (cảnh tượng gió thu tốc mái nhà tranh; sự bất lực xót xa của nhà thơ trước đám trẻ cướp tranh; nỗi khổ đau trong ngôi nhà mất mát: đoạn cuối là khát vọng, mơ ước của nhà thơ).

Phân tích bài theo bố cục với học sinh lớp 7 sẽ dễ khai thác, dễ tìm hiểu hơn. Ngoài ra, trong quá trình phân tích, bằng hệ thống câu hỏi hợp lý của giáo viên học sinh sẽ thấy được mối liên hệ giữa các câu thơ.

VD: “Bài cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”, giáo viên có thể đặt câu hỏi: Câu thứ 3 là câu thơ có vai trò như một bản lề nối hai câu với câu 4. Hãy chứng minh?

Giáo viên có thể định hướng: hành động ngẩng đầu nhìn trăng ở câu 3 là một hành động tất yếu để kiểm nghiệm ý 2 câu đầu: ánh sáng phủ trên mặt đất là trăng hay sương? Nhìn trăng, nỗi lòng tác giả với quê hương lại trỗi dậy và lập tức tác giả cúi xuống không phải để nhìn lại ánh trăng mà bởi nỗi lòng nặng trĩu.

Hướng dẫn học sinh phân tích nghệ thuật đối trong thơ Đường

Có nhiều kiểu đối: tiểu đối, đối câu, đối từ, đối ý… được các tác giả vận dụng linh hoạt sáng tạo. Bởi thế khi phân tích thơ Đường giáo viên cần hướng dẫn học sinh phát hiện và phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong mỗi bài.

VD: Giáo viên đưa ra câu hỏi: Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong bài “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”?

Ở đây 3 câu đầu bài thơ đều tự tách ra 2 vế đối ý, đối lời, riêng câu 4 lại đối lập với 3 câu trước:

Thiếu tiểu ly gia                      >< lão đại hồi

Hương âm vô cải                     >< mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến      >< bất tương thức

Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai?

(Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về 
Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng

Trẻ con gặp mặt, không quen biết
Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?)

Ba câu đầu thể hiện rõ tâm trạng nửa vui, nửa buồn, vừa mừng, vừa tủi. Đây là tâm trạng thực của người con bao năm xa quê nhà giờ mới trở về, buồn vui lẫn lộn, những ngọn triều tình cảm, những đợt sóng lòng không kìm nén được, thoắt vui, thoắt buồn, thoắt mừng, thoắt tủi, không tự chủ được. Đọc lên ta cảm giác thấy bước chân hấp tấp, lập cập, líu ríu, tay bắt mặt mừng, nước mắt rơi xuống ướt cả nụ cười trên môi.

Cụ già 86 tuổi nhưng vẫn là người con của quê hương, vẫn giọng quê không đổi với nỗi nhớ không nguôi nhưng đột ngột hẫng hụt biết bao, tủi lòng biết bao khi mình trở thành khách lạ ngay chính quê hương mình.

Hướng dẫn học sinh phân tích kỹ hơn nhãn tự (nếu có) hoặc kết cấu trong mỗi bài

Đây là yêu cầu cần thiết giúp học sinh hiểu được tác phẩm một cách đầy đủ, sâu sắc.

Bài: “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”, giáo viên có thể đưa ra câu hỏi: Câu cuối là một câu hỏi hồn nhiên của trẻ nhưng gợi bao suy nghĩ trong lòng tác giả, trong lòng người đọc. Hãy phân tích đế làm rõ?

Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai?

(Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?)

Tiếng cười trong trẻo vô tư, câu hỏi ngộ nghĩnh, thái độ ngoan ngoãn của bọn trẻ lại gợi cho tác giả nỗi buồn thấm thía, mình cũng là người con quê hương vậy mà… Phải chăng câu cuối này cũng là lời tạ lỗi của đứa con với người mẹ quê hương?

Với bài: “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”, tìm hiểu đoạn kết của bài giáo viên có thể đặt câu hỏi: Suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ?

Học sinh sẽ nêu suy nghĩ của mình. Giáo viên có thể định hướng: trong nỗi thống khổ tột cùng của mình, tấm lòng nhà thơ vẫn rộng mở bao dung từ trong tăm tối lạnh lùng cùng khốn vụt bay lên một ước mơ nhân đạo dành cho cả thiên hạ còn mình tự nguyện hy sinh.

Ngoài ra cần chú ý học sinh phân tích sâu sắc hơn các nhãn tự của bài (nếu có) nhãn tự bài “Xa ngắm thác núi Lư” là quải – treo, vọng – ngắm, nhìn – xa, phi –bay.

Khuyến khích học sinh đồng sáng tạo:

Học sinh sẽ rất hứng thú được thể hiện sự hiểu biết của mình bằng khả năng mình có. Học sinh có thể thể hiện sự hiểu bài của mình bằng cách vẽ tranh minh họa, làm thơ phụ họa. VD: Sau khi học xong bài: “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” một số em có năng khiếu thơ ca đã tập làm thơ phụ họa:

Đêm khuya heo hắt ánh trăng

Ngỡ như sương khói giăng giăng trên nền

Ngẩng đầu nhìn dõi theo trăng

Mà lòng xao xuyến bùi ngùi nhớ quê.

(Học sinh)

Khi hướng dẫn học sinh phân tích chú ý xây dựng các kiểu câu hỏi đa dạng: từ phát hiện phân tích đến câu hỏi nêu vấn đề để phát huy tính tích cực của học sinh, để nhiều đối tượng học sinh (trung bình, khá, giỏi) đều được tham gia khám phá tác phẩm.

VD: Bài “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”, giáo viên có thể nêu vấn đề: Hãy thay chữ “sàng” nghĩa là “giường” bằng chữ khác và cho biết ý tứ của câu có thay đổi không? Thay đổi như thế nào?

Nếu học sinh không tìm được từ thay thế, giáo viên có thể cho các em những từ gợi ý như: án (bàn) đình (sân) để học sinh thay và nhận xét. Qua việc thay thế đó học sinh sẽ thấy từ “sàng” thể hiện chủ thể đang trên giường, không ngủ được nhìn trăng trong trạng thái mơ màng thao thức thì mới thấy trăng mà ngỡ như sương và ở câu sau mới hợp lý tự nhiên hơn.

Chú ý đến tích hợp khi phân tích thơ Đường

Không gò ép mà tùy vào từng bài, giáo viên có thể tích hợp cho học sinh hiểu một cách toàn diện hơn về tác phẩm, đồng thời kích thích sự tìm tòi sáng tạo của các em.

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, thời đại ra đời tác phẩm (yếu tố lịch sử) cũng giúp các em hiểu đúng về tác phẩm hơn.

VD: “Bài cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”, Lý Bạch thuở nhỏ thường hay nên núi Nga Mi ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi trở đi là ông ra đi và xa quê mãi mãi. Bởi thế mỗi khi nhìn thấy trăng, tác giả lại nhớ quê nhà da diết.

Hay bài: “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”, phải hiểu hoàn cảnh của đất nước đầy biến loạn, hoàn cảnh của bản thân tác giả lúc bấy giờ cũng là tình cảnh đông đảo của nhân dân mới hiểu hết ý nghĩa và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Không sa đà vào hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nhưng cũng không thể bỏ qua trong quá trình phân tích, tìm hiểu bài thơ, phần này thường tiến hành trước khi phân tích vào bài. Có như vậy GV mới giúp HS có cái nhìn đầy đủ về ý nghĩa, giá trị tư tưởng của bài thơ mà tác giả muốn gửi gắm.

Nếu như với cách dạy truyền thống trước đây chỉ 55%-60% học sinh hiểu bài, kiến thức không sâu rộng, tư duy không sáng tạo và chưa phát huy năng lực cảm nhận riêng của từng học sinh thì với phương pháp dạy học mới theo hướng tích cực, chất lượng mỗi giờ dạy nâng lên rõ rệt. Học sinh hiểu bài và nắm chắc kiến thức từ 85% trở lên. Trong đó khá và giỏi chiếm trên 60%. Trong những giờ tập làm văn với kiểu bài biểu cảm, 100% học sinh biết biểu lộ cảm xúc bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, biểu lộ cảm xúc của riêng mình đối với sự vật, sự việc, con người… và các đối tượng xung quanh.

Trên đây là một số nét chính của đề tài Đổi mới phương pháp giảng dạy Thơ Đường môn ngữ văn 7 của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng- trường THCS Nguyễn Công Trứ. Mọi thông tin chi tiết xin truy cập vào website: http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

BBT – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 80, tháng 9/2016)