TS Phạm Tất Thắng: Nhà giáo quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục

TS Phạm Tất Thắng: Nhà giáo quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục

(GDTĐ) – Đến dự Ngày hội Khoa học kỹ thuật sáng tạo trong thanh thiếu nhi Thủ đô lần thứ IV, năm 2018 với chủ đề “Trải nghiệm STEM với chủ đề môi trường sống quanh em”, TS Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận định, đây là một trong những sân chơi rất bổ ích, lý thú, trí tuệ dành cho thanh thiếu nhi Thủ đô nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà khoa học trong tương lai… Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH TW khóa XI.

TS Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

PV: Cảm nhận của TS khi chứng kiến học sinh, sinh viên Thủ đô giới thiệu và thuyết trình các sản phẩm khoa học kỹ thuật do chính các em sáng tạo ra?

TS Phạm Tất Thắng: Hà Nội với tư cách là trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật, kinh tế của cả nước, Hà Nội cũngcó điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, phương tiện nên việc tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật sáng tạo,tạo cho học sinh thói quen, sự ham thích trong hoạt động khoa học, rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học sau này cho các em là rất hữu ích và cần thiết.

Phương châm giáo dục của chúng ta là học đi đôi với hành, những hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật như thế này cao hơn “hành” bình thường, học sinh không chỉ thực hành những kiến thức được học trong nhà trường mà được phát huy tính chủ động,thúc đẩy sự sáng tạo, các kỹ năng để tập dượt nghiên cứu khoa học. Đây cũng là mục tiêu giáo dục đào tạo toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân theo tinh thần NQ 29.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, giáo dục STEM đang được nhiều nhà trường đón nhận. Đây là phương pháp giảng dạy và học tập tích hợp nội dung cùng các kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Giáo dục STEM không phải chỉ để học sinh trở thành những nhà toán học, khoa học, kỹ sư hay kỹ thuật viên mà xây dựng kỹ năng, rèn luyện tư duy có thể sử dụng để vận dụng, phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Hoạt động khoa học kỹ thuật sáng tạo gắn vào phương pháp này chính là cơ hội để học sinh có cái nhìn thực tế hơn về giáo dục STEM, qua đó phát huy sự sáng tạo, ưa khám phá tìm tòi của mình.

*Như vậy, để hướng học sinh đến các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giảm đi những áp lực học tập và thi cử, các nhà trường cần trang bị những yếu tố nào, thưa TS?

– Bản thân ngành Giáo dục cần phải đổi mới mạnh mẽ, nhất là khi thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Các nhà trường cần gắn học kiến thức văn hóa với kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh. Để đạt mục tiêu này, trước hết chương trình phổ thông mới phải thiết kế nội dung phù hợp, hình thành chương trình các môn học gắn với kiểm tra đánh giá, có lộ trình thời gian, có điều kiện thực hiện để thầy cô giáo có thể triển khai được. Cùng với đó, các nhà trường cần gắn đầu tư cơ sở vật chất với trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm để thầy và trò có điều kiện thực hành, trải nghiệm khoa học; đồng thời quan tâm bồi dưỡng kỹ năng cho thầy cô giáo để họ thực hiện tốt chương trình mới. Và không chỉ chú trọng dạy học trong giờ lên lớp mà còn dạy học ngoài giờ lên lớp, qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế…

* TS nhìn nhận thế nào về chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay, đặc biệt là sau 5 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo?

– Có thể nói, những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã nỗ lực tìm tòi đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, được quốc tế công nhận, học sinh Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng quốc tế; chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được nâng lên… Nhưng bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được thì cũng còn những điều khiến xã hội băn khoăn, nhiều hoạt động chưa có định hướng rõ nét, cụ thể và ổn định. Chính sách của giáo dục còn thiếu tính ổn định, nhất quán. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, còn có một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành, đòi hỏi bản thân ngành Giáo dục phải nỗ lực cố gắng đổi mới hơn nữa theo hướng khoa học, hiệu quả gắn với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành Giáo dục không thể một mình đổi mới mà cần có sự vào cuộc, chung tay của cộng đồng xã hội, của cả hệ thống chính trị… Bởi kết quả giáo dục luôn đòi hỏi sự nỗ lực và gắn kết của cả 3 chủ thể: gia đình, nhà trường và xã hội.

TS Phạm Tất Thắng (thứ 2 từ phải sang) tham quan các đề tài khoa học kỹ thuật của thanh thiếu nhi Thủ đô

* Nhà giáo đóng vai trò thế nào trong tiến trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, thưa TS?

– Nhà giáo là một trong hai chủ thể quan trọng của hoạt động dạy -học, giáo dục – đào tạo và là chủ thể quan trọng nhất, quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục. Vì vậy, nhà giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.

Để nhà giáo thực hiện được vai trò, sứ mệnh trong quá trình mang tri thức đến cho học trò, đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước thì đầu tiên đội ngũ các nhà giáo phải được đào tạo tốt. Bắt đầu từ việc tuyển đầu vào trường sư phạm phải đảm bảo nguồn thí sinh có chất lượng, tiếp đến là quá trình đào tạo trong trường sư phạm cũng phải kịp thời đổi mới, không chỉ là dạy giáo sinh kiến thức mà là dạy phương pháp làm chủ tri thức của nhân loại để sau này các thầy cô giáo có thể tự tiếp tục hoàn thiện, bồi dưỡng nâng cao trình độ trong quá trình giảng dạy.

Thứ hai, sinh viên sư phạm cần được đào tạo theo nhu cầu sử dụng của các địa phương, nhà trường, từng cấp học, môn học, ra trường cần được sử dụng tốt.

Thứ ba, điều kiện làm việc, chế độ lương gắn với thu nhập của giáo viên phải thỏa đáng. Nghị quyết TƯ 2 khóa VIIIđã xác định lương của nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương của viên chức nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Đây là một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, vì ngành giáo dục có đặc thù: sản phẩm tạo ra là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm của giáo viên rất nặng nề và nhiều áp lực. Họ cần được hưởng những đãi ngộ xứng đáng có thể yên tâm dốc toàn tâm, toàn sức cho sự nghiệp… Thời gian tới, cần gắn với thực hiện NQ TW7 để có chế độ lương thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo, để các thầy cô yên tâm công tác.

Về phía ngành Giáo dục, các nhà trường, các địa phương cũng cần đổi mới cách thức quản lý, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường giáo dục văn hóa, chuẩn mực để đội ngũ giáo viên tâm huyết cống hiến, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ dạy học đạt chất lượng, hiệu quả một cách thực chất, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Đứng trước yêu cầu đổi mới, bản thân các thầy cô giáo không thể tự làm hết trách nhiệm của mình mà cần sự cộng tác, phối hợp của các tổ chức, lực lượng khác trong xã hội, trong hệ thống chính trị…

*Xin trân trọng cảm ơn TS!

Kiều Giang – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 108 tháng 12/2018