Tuyển sinh đầu cấp năm học 2016-2017: Đủ chỗ học, không để xảy ra bức xúc

Tuyển sinh đầu cấp năm học 2016-2017: Đủ chỗ học, không để xảy ra bức xúc

(GDTĐ) – Còn gần 3 tháng nữa là đến thời điểm tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10) năm học 2016-2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đã rục rịch từ ngay sau Tết nguyên đán, và đến nay đang vào công đoạn gấp rút nhằm sẵn sàng những điều kiện tốt nhất cho mùa tuyển sinh mới. Theo phương án đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt, phương thức tuyển sinh đầu cấp năm học tới cơ bản giữ ổn định, với mục tiêu được Hà Nội kiên trì theo đuổi từ nhiều năm nay là bảo đảm đủ chỗ học có chất lượng cho HS ở mọi địa bàn và không để xảy ra bức xúc trong phụ huynh HS.

Tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6: Rà soát kỹ HS từng độ tuổi

Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, thời gian tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội áp dụng thống nhất cùng một thời điểm, bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 15/7/2016. Phương án tuyển sinh năm nay cũng được quy định thống nhất toàn thành phố là xét tuyển, theo tuyến tuyển sinh do UBND các quận, huyện, thị xã quy định. Kế hoạch tuyển sinh năm nay cũng được chuẩn bị và phê duyệt sớm, từ tháng 1/2016, tạo nhiều thuận lợi để chuẩn bị chu đáo các điều kiện triển khai. Chủ trương được quán triệt tới các phòng GD&ĐT là thực hiện phân tuyến hợp lý, bảo đảm chỗ học có chất lượng cho mọi HS, kiên quyết không để xảy ra bức xúc trong cha mẹ HS.

 

Năm học 2016-2017, các trường mầm non phấn đấu tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở tất cả các độ tuổi, trong đó phấn đấu huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 37% tỷ lệ này ở lứa tuổi mẫu giáo là 98% – đều tăng 2% so với năm học trước. Các trường tiểu học và THCS sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng cho 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1 và 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Đây là mức phấn đấu huy động tối đa của các nhà trường trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho mọi HS, không để một HS nào, vì bất kỳ lý do gì mà không có chỗ học, trừ những trẻ khuyết tật không bảo đảm sức khỏe. Đây cũng là chủ trương mà Hà Nội kiên trì trong những năm qua, góp phần duy trì và phát huy tốt mục tiêu phổ cập giáo dục đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, mọi địa bàn.

Để đạt mục tiêu trên, yêu cầu được nhấn mạnh tới các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã ngay từ thời điểm này là rà soát chính xác số lượng trẻ và HS trong độ tuổi ra lớp để làm căn cứ cho việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chính xác, chất lượng. Trong đó, việc xác định rõ các đối tượng có hộ khẩu hoặc cư trú thực tế tại từng địa bàn là vô cùng quan trọng. Cách thức này giúp cho các cơ quan quản lý nắm được số liệu chuẩn xác về số lượng HS thực tế tại địa bàn, xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát hợp và đúng mục tiêu.

Từ số liệu này, các phòng GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tuyển sinh đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Chủ trương “ba tăng, ba giảm” tiếp tục được coi là mục tiêu trong công tác tuyển sinh ở các đơn vị, bao gồm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, giảm số HS trái tuyến, giảm sĩ số HS/lớp và giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn. Việc kiên trì chủ trương này trong những năm gần đây đã làm chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Một số trường học của các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… đã làm khá tốt việc giảm dần số lớp/trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và dạy học.

Tuyển sinh lớp 10: Đáp ứng mọi nguyện vọng

Năm học 2016-2017, Hà Nội vẫn áp dụng phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm THCS cộng điểm thi (tính hệ số 2) và điểm cộng thêm (nếu có).

Đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố được chia thành 12 khu vực tuyển sinh, trừ trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây được tuyển HS lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh). Nhằm tạo thuận lợi cho HS, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép HS có thể được thay đổi khu vực tuyển sinh.

Bắt đầu từ tháng 4 này, công tác đăng ký nguyện vọng dự tuyển của HS vào các nhà trường sẽ được triển khai. Các thí sinh cần ghi nhớ, mỗi em chỉ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên. Hà Nội có 4 trường THPT có tuyển HS lớp chuyên gồm: THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây. Ngoài ra, các em cũng có thể lựa chọn để nộp đơn dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập hoặc học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Sắp tới đây, Sở GD& ĐT Hà Nội sẽ ban hành hướng dẫn việc triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 một cách cụ thể, căn cứ vào hướng dẫn này, các nhà trường sẽ thông báo và tư vấn, định hướng cho HS việc lựa chọn nguyện vọng sao cho phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế. Đây được coi là công đoạn vô cùng quan trọng và cần thiết tại các nhà trường nhằm giúp cho HS đạt kết quả cao nhất theo đúng nguyện vọng dự tuyển, tránh được những trường hợp đáng tiếc là đạt điểm cao nhưng lại không đỗ vào đâu như đã từng xảy ra.

Năm học 2016-2017, số lượng HS dự kiến tuyển vào các lớp như sau:

-Tuyển vào nhà trẻ: 114.450 trẻ

-Tuyển vào mẫu giáo: 405.800 trẻ

-Tuyển vào lớp 1: 132.850 HS

-Tuyển vào lớp 6: 107.900 HS

-Tuyển vào lớp 10 hệ THPT: 67.500 HS, trong đó các trường THPT công lập tuyển 53.000 HS; các trường THPT ngoài công lập tuyển 14.500 HS.

-Tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên: 8.150 HS

-Tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp: 5.850 HS

Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có khoảng 81.500 HS xét tốt nghiệp THCS năm học 2015-2016.

Như mọi năm, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả HS có nguyện vọng học THPT. Kỳ thi được ấn định vào ngày 8/6/2016 với hai môn thi bắt buộc đối với mọi thí sinh là Ngữ văn và Toán. Mối quan tâm của các nhà trường, HS và phụ huynh thời điểm này là ôn tập ra sao để đạt kết quả tốt nhất theo đúng yêu cầu định hướng của đề thi. Giải đáp băn khoăn về phạm vi, hình thức đề thi vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng đối với thí sinh thi môn ngoại ngữ để vào các lớp chuyên ngoại ngữ thì đề thi áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nội dung đề thi các môn dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Sở GD&ĐT sẽ ra đề thi chứ không phải các trường THPT. Vì vậy, các bậc phụ huynh và HS hoàn toàn yên tâm học tập, ôn luyện theo sách giáo khoa và sự hướng dẫn của giáo viên. Các em cũng yên tâm rằng, có rất nhiều con đường học tập sau khi tốt nghiệp THCS, nếu không đủ điều kiện học THPT, các em còn có thể dự tuyển vào học hệ THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc chọn học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp. Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón nhận và đáp ứng mọi nguyện vọng học tập của các em.

An An (Tạp chí Giáo dục Thủ đô, số 76, tháng 4/2016)