Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức: Niềm vui trong ngôi trường đạt Chuẩn quốc gia

Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức: Niềm vui trong ngôi trường đạt Chuẩn quốc gia

(GDTĐ) – Kiên trì phấn đấu bám sát các tiêu chuẩn xây dựng trường Chuẩn quốc gia, năm 2017, trường THPT Hoài Đức B đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt Chuẩn. Vinh dự này khẳng định, sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể sư phạm chính là chìa khóa mở ra thành công cho nhà trường.

Đoàn kết xây dựng chất lượng

Đến thăm ngôi trường mới đạt Chuẩn quốc gia THPT Hoài Đức B, thấy lan tỏa niềm vui của thầy và trò nhà trường. Câu chuyện về hành trình vươn lên của ngôi trường được thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Danh Thông chia sẻ với chúng tôi trong niềm tự hào xen lẫn sự xúc động.

Tập thể CBGV-NV nhà trường

Trường THPT Hoài Đức B được thành lập theo Quyết định số 602/QĐ-UB ngày 25 tháng 11 năm 1978 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình sau này được tách và nhập về Hà Nội. Nằm trên địa bàn kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, dân số luôn biến động do tốc độ thị hóa nhanh, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh nhà trường.

Đứng trước thực tế ấy, BGH trường THPT Hoài Đức B đã xác định muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần xây dựng một đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, giàu lòng nhân ái sư phạm để “truyền lửa” cho học trò say mê học tập, tìm tòi khám phá chân trời tri thức. Theo thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Danh Thông: Mặc dù nằm trên địa bàn dân cư còn có nhiều khó khăn như vậy, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhà trường đã có một tập thể sư phạm đoàn kết, yêu nghề, luôn khát khao vươn lên, khát khao được cống hiến, đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy.

Mục tiêu đã được đặt ra, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ BGH, hàng năm, các tổ chuyên môn của nhà trường đều xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo từng tháng, tuần trên cơ sở kế hoạch năm học của nhà trường. Nội dung hoạt động tập trung vào việc tích cực nghiên cứu thực hiện các nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn đặc biệt là việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh. Chỉ tính riêng 3 năm học gần đây, các tổ chuyên môn đã thực hiện được hơn 27 chuyên đề, tiêu biểu như chuyên đề Xây dựng Sơ đồ tư duy trong dạy học Vật lý phần ba Định luật Newton; Xây dựng hệ thống bài tập thí nghiệm dạy học chương “Dòng điện không đổi” nhằm nâng cao chất lượng học tập bộ môn cho học sinh; Tăng cường hứng thú học tập cho học sinh thông qua dạy học chương Ôxi – Lưu huỳnh ở bộ môn Hóa lớp 10; Chuyên đề “Văn học dân gian” ở bộ Ngữ văn,  “Dạy học lịch sử Địa phương qua di sản văn hóa” ở bộ môn Lịch sử… Các chuyên đề nói trên đều mang tính lý luận và có giá trị thực tiễn mang lại hiệu quả tốt trong công tác chỉ đạo dạy học và góp phần nâng cao chất lượng bộ môn của nhà trường.

Để có được đội ngũ giáo viên chất lượng, chuẩn nghề nghiệp, nhà trường duy trì thường xuyên, có hiệu quả các đợt hội giảng, sinh hoạt chuyên đề gắn lý luận với thực tiễn. Tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên tích cực tự bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, tham gia các lớp sau đại học, ngoại ngữ, tin học đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục. Các phong trào thi GVDG, ứng dụng CNTT vào dạy học, soạn giảng bằng giáo án điện tử, viết SKKN được phát động trong toàn trường đã thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Trong 3 năm gần đây, nhà trường có trên 50 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp Ngành trong đó có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tế.

Những phong trào và cách làm nói trên đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Tính đến nay, nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 21 giáo viên có trình độ Thạc sĩ. Hàng năm 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học. Trong tổng số giáo viên của nhà trường đã có trên 30% giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Trong 3 năm gần đây, trường có 8 giáo viên tham gia Hội thi GVDG cấp cụm, trong đó có 4 giáo viên được tiếp tục dự thi cấp Thành phố và đều đạt giải (2 giải Nhì và 2 giải Ba) ; có trên 50 CBGV đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong đó có 5 CBGV được tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố .

Tiết mục văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm học 2016 – 2017

Trái ngọt từ kết quả giáo dục toàn diện

Với trình độ chuyên môn vững vàng, giáo viên nhà trường đã quan tâm xây dựng và áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, linh hoạt phù hợp với học sinh và đặc thù của nhà trường để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ vậy kết quả dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên. Số lượng học sinh giỏi tăng theo từng năm, số lượng học sinh yếu kém giảm dần. Chất lượng đại trà được duy trì và phát triển. Hàng năm, có trên 90% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi và trên 99% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh đạt từ 99,3% đến 100%; tỷ lệ học sinh đạt điểm sàn đại học từ 80% trở lên. Chất lượng mũi nhọn được quan tâm đầu tư, tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi HSG cấp Thành phố năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2014 đến 2017, trường có 20 học sinh đạt học sinh giỏi cấp TP trong đó có giải Nhất môn Hóa học, giải Nhì ở các môn Vật lý, Ngữ văn … Bên cạnh đó, học sinh nhà trường cũng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khác như 2 giải Nhất, 1 giải Nhì cấp Thành phố và 1 giải Nhất cấp Quốc gia Thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; 1 giải Nhì, 1 giải Ba cấp Thành phố Thi tìm hiểu “Em yêu lịch sử Việt Nam”; 3 giải KK cấp Thành phố và 1 giải KK cấp Quốc gia  cuộc thi IOE.

Không chỉ quan tâm đến công tác trí dục, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, nhà trường đã duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội bằng nhiều hình thức như:  qua website của nhà trường, thảo luận, trao đổi trực tiếp hoặc qua thư điện tử, sổ liên lạc điện tử, qua các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp, giao ban… Cách làm đó đã góp phần tạo cho trường THPT Hoài Đức B một môi trường giáo dục lành mạnh, phòng ngừa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.

Cùng với đó, nhà trường rất chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, rèn kỹ năng sống cho học sinh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động VHVN-TDTT; các hội thi khéo tay, thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học cũng được tổ chức thường xuyên hàng năm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em nhất là học sinh khối 12 trong việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.

Thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Danh Thông cho biết: Những kết quả mà nhà trường đã đạt được sẽ là tiền đề để năm học 2017 – 2018 và những năm tiếp theo, thầy và trò Trường THPT Hoài Đức B tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong đó chú trọng vào việc bồi dưỡng nâng cao tỉ lệ học sinh giỏi từng bước khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục của Thủ đô, giữ vững danh hiệu trường Chuẩn quốc gia góp phần thực hiện thắng lợi Nghị Quyết 29 của BCH Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

PV – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017