Tổng kết hội thi GVDG tiểu học cấp Thành phố năm học 2018 – 2019
(GDTĐ) – Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi GVDG tiểu học cấp Thành phố năm học 2018 – 2019 được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 3/5 tại trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục Hà Nội. Đến dự có TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến; Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà.
Hội thi cấp Thành phố năm nay quy tụ 90 giáo viên xuất sắc nhất, trong đó có 60 giáo viên cơ bản, 16 giáo viên Thể dục, 14 giáo viên Âm nhạc tiêu biểu cho hơn 20 nghìn giáo viên tiểu học toàn Thành phố.
Tại hội thi lần này, Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh 4 điểm mới nổi bật, đó là: dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học giúp các em phát triển sở trường, năng lực cá nhân; dạy học truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em thích học, dạy các em cách tự học, tự giải quyết vấn đề; dạy học theo định hướng phát triển, đánh giá học sinh trên các lĩnh vực: kiến thức, kỹ năng; phẩm chất và năng lực; trong quá trình dạy học không được lãng quên bất kỳ học sinh nào, cần quan tâm đến tất cả đối tượng học sinh trong lớp.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, đại diện Ban giám khảo cho biết: Nhiều thầy cô tiếp cận dạy học phát triển năng lực, dạy học tích cực, đưa ra nội dung tích hợp, cho học sinh hoạt động nhóm… tạo điều kiện phát triển năng lực học sinh. Có những tiết dạy rất tốt, vượt qua sự kỳ vọng của Ban giám khảo. Điều này có được một phần là do thông qua các hội thi, giáo viên đã rút ra nhiều kinh nghiệm để giờ dạy ngày một tiến bộ.
Kết quả, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao Giấy khen cho 12 tập thể và 90 giáo viên đạt thành tích cao tại hội thi, trong đó có 17 giáo viên đoạt giải Nhất. Công đoàn giáo dục Hà Nội tặng Giấy khen cho 10 giáo viên có nhiều đổi mới, sáng tạo trong kỳ thi.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá: Giáo dục tiểu học của Thủ đô luôn là tấm gương, giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc. Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo trong các cuộc thi. Trước bối cảnh nhiều ý kiến phân vân về ý nghĩa của cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Hà Nội đã chứng minh rằng nếu tổ chức một cách công bằng, tâm huyết thì sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Hội thi được tổ chức chu đáo, khách quan, ban giám khảo làm việc khoa học và công tâm. Các thầy cô dự thi cấp Thành phố đã rất cố gắng, xứng đáng được vinh danh. Mong rằng các thầy cô tiếp tục gương mẫu, tạo ra sự lan tỏa trong phong trào dạy tốt.
Phát biểu tổng kết hội thi, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến biểu dương các tập thể và cá nhân đã đạt thành tích tốt trong cuộc thi, đồng thời khẳng định: Hội thi đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, là hoạt động chuyên môn tích cực. Từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, hội thi không chỉ tập trung vào một nhóm người mà là tất cả giáo viên. Ở cấp trường, các thầy cô có sự đầu tư về chuyên môn, mỗi tiết dạy đều cố gắng tốt hơn tiết dạy hàng ngày. Ở cấp quận, huyện cũng vậy, các thầy cô trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và trưởng thành hơn.
Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh: “Cùng là một bài hát tác giả sáng tác có người hát hay, người khác hát lại dở. Với giáo viên, cho dù giáo án hay đi chăng nữa mà giáo viên không biến thành của mình, không có kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống thì không thể thành công. Ban giám khảo đánh giá cao những tình huống sư phạm mà giáo viên xử lý trong các giờ dạy”.
Đồng chí lưu ý giáo viên cần hiểu rõ tâm lý học sinh, tinh tế trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học một cách hợp lý, thiết thực, hiệu quả nhưng không lãng phí, tốn kém. Đặc biệt, không bỏ rơi học sinh, dành sự quan tâm đến học sinh yếu kém.
Tô An