Tổng kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2018 – 2019
(GDTĐ) – Sáng 12/3, tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Thành phố Hà Nội tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2018-2019, khu vực phía Bắc. Tới dự buổi lễ có TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; đ/c Bùi Quang Huy – Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; đại diện quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (VIFOTEC); lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên…
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 9 đến ngày 12/3/2019 với sự tham gia của 252 dự án với 487 học sinh đến từ 34 đơn vị. Trong đó, Hà Nội có 33 dự án tham dự cuộc thi. Đây là năm thứ 7, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi này trên phạm vi toàn quốc nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và tăng cường vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Cuộc thi cũng nhằm thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng bám sát thực tế, tăng tính ứng dụng.
Theo đánh giá của ban tổ chức, nhiều đề tài dự thi có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận được những vấn đề có tính khái quát cao hoặc cần những kỹ thuật được thực hiện trong phòng thí nghiệm hiện đại, giúp rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các em. Hàm lượng khoa học trong nhiều dự án đã được nâng lên; các đề tài có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức và nội dung; poster trưng bày khoa học đúng yêu cầu. Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của học sinh rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm khoa học. Một số học sinh có năng lực tiếng Anh tốt và hiểu biết sâu về lĩnh vực nghiên cứu của mình…
Phát biểu tại lễ trao giải, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng – Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: Hầu hết các đề tài nghiên cứu tham gia lần này đều là những vấn đề thực tế gần gũi với cuộc sống, giải quyết các vấn đề trong học tập, giao tiếp có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất cao như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý và chế biến chất thải, bảo tồn văn hóa dân gian, giữ gìn những giá trị truyền thống…. Một số dự án có tính khoa học sáng tạo khá cao, xác định mục tiêu kỹ thuật rõ ràng, biết suy luận và triển khai thực nghiệm. Nhiều học sinh đã thể hiện được phong cách và phương pháp nghiên cứu khoa học, tự tin trong báo cáo và trả lời chất vấn của các nhà khoa học. Khả năng trình bày và trả lời chất vấn bằng tiếng Anh đã thể hiện rất tốt các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là điều học sinh rất cần phát huy trong xu thế hội nhập toàn cầu và phát triển quốc tế.
Trong khuôn khổ cuộc thi, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức Hội thảo về tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong trường trung học. Hội thảo đã thu hút hàng trăm nhà quản lý, nhà khoa học, các thầy, cô giáo tham gia. Qua hội thảo, đã thống nhất định hướng cho công tác chỉ đạo của các sở giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trong trường trung học; thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh.
Kết quả, ban giám khảo đã lựa chọn và trao 15 giải Nhất, 27 giải Nhì, 43 giải Ba và 51 giải Tư. Các dự án được giải Nhất của nhóm các lĩnh vực đã tham gia phần thi bằng tiếng Anh để chọn đội tuyển đi thi Intel ISEF năm 2019 tại Hoa Kỳ. Hà Nội có 33 đề tài khoa học tham gia dự thi cấp quốc gia thì có 21 đề tài đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 6 giải Ba, 7 giải Tư.
Tại lễ tổng kết và trao giải, thành phố Hà Nội đã chính thức trao lại Cờ đơn vị đăng cai cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020, khu vực phía Bắc cho tỉnh Hưng Yên.
Tô An